Nghệ An: Trên cánh đồng lúa ở Yên Thành máy cấy chạy vèo vèo, nông dân trên bờ đứng xem

Trần Quốc Hùng Thứ tư, ngày 08/03/2023 13:00 PM (GMT+7)
Xác định nâng cao giá trị cây lúa đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp Liên Thành, Yên Thành (Nghệ An) đã đột phá đưa cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất lúa, góp phần nâng cao năng suất, giảm công sức lao động...
Bình luận 0

Những năm gần đây, máy cấy đã được đưa vào phục vụ sản xuất trên những cánh đồng lớn trồng lúa ở tỉnh Nghệ An. Cũng nhờ mạnh dạn đầu tư máy cấy mà ngành nông nghiệp xã Liên Thành nói riêng, huyện Yên Thành nói chung đã có những bước đột phá trong thực hiện cơ giới hóa sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, hình thành những cánh đồng thửa lớn, vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.

Đưa máy cấy vào nông nghiệp giúp vựa lúa Yên Thành (Nghệ An) tăng năng suất - Ảnh 1.

Xã Liên Thành đẩy mạnh áp dụng máy cấy vào trồng lúa, giúp nhà nông giải phóng sức lao động, góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Ảnh: GT

Trước đây, hầu hết nông dân Yên Thành vẫn phải cấy lúa bằng tay. Vào mùa nắng nóng, hay mùa đông thì cấy tay chẳng khác nào cực hình. Người nông dân chân ngập dưới bùn, tay liên tục dúi sâu xuống đất lạnh, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng hiệu quả từ nghề trồng lúa đem lại vẫn rất thấp.

Nhưng bây giờ, nếu có dịp về xã Liên Thành vào vụ mùa sẽ bắt gặp những chiếc máy cấy chạy thoăn thoắt trên những cánh đồng, đánh dấu sự đổi thay tư duy sản xuất của bà con nông dân. Được sự hỗ trợ của máy cấy, bà con không phải còng lưng cấy lúa như trước, rút ngắn thời gian mùa vụ, ruộng lúa thẳng hàng rất thuận lợi chăm sóc, làm cỏ... 

Hình ảnh những chiếc máy cấy làm việc trên cánh đồng đã dần quen thuộc với nông dân Liên Thành, huyện Yên Thành. Hiện nay, nhân lực lao động nông nghiệp ở nông thôn ngày càng giảm, độ tuổi lao động ngày càng tăng, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp là giải pháp quan trọng hàng đầu đối với nền nông nghiệp Việt Nam.

Đưa máy cấy vào nông nghiệp giúp vựa lúa Yên Thành (Nghệ An) tăng năng suất - Ảnh 2.

Cấy bằng máy mang lại nhiều lợi ích, không những tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động mà còn chăm sóc lúa thuận lợi. Ảnh: PV

Chị Phan Thị Hiền (xóm Liên Giang xã Liên Thành), cho biết: "Được sự hỗ trợ của Ban nông nghiệp xã, nòng cốt là Hợp tác xã Liên Thành, bà con nông dân chúng tôi đã được giải phóng sức lao động. Trước đây, nếu thuê người cấy 1 sào với diện tích là 500m2 phải chi phí hết 500.000 đồng, trong khi thuê máy cùng đơn vị diện tích hết 350.000 đồng, trong đó hợp tác xã bao giống".

"Bởi thế, người dân rất phấn khởi, vui mừng nhờ hướng đi đúng đắn, đầu tư hợp lý. Nhiều địa phương khác cũng đang bắt đầu nhân rộng mô hình lúa cấy máy vì hiệu quả cao thấy rõ" - chị Hiền nói thêm.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Trần Quốc Hùng (trú tại xã Liên Thành) cho hay: "Yên Thành là vựa lúa của cả tỉnh, nhưng trước đây bà con nông dân chủ yếu canh tác thủ công, tận dụng sức trâu bò và con người nên năng suất thấp, hiệu quả không cao. Dần dần người dân không còn mặn mà với nghề trồng lúa. Hiện nay, nhiều gia đình chỉ còn cấy 2-3 sào lúa để đủ gạo ăn. Nhưng hiện nay, làm nông nghiệp đã khác rồi, máy cày, máy bừa, máy cấy chạy khắp cánh đồng, nhàn hơn hẳn".

Đưa máy cấy vào nông nghiệp giúp vựa lúa Yên Thành (Nghệ An) tăng năng suất - Ảnh 3.

Theo ông Trần Quốc Hùng (trú tại xã Liên Thành, Yên Thành) việc cơ giới hoá sản xuất góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, hình thành những cánh đồng thửa lớn. Ảnh: Quốc Hùng

Bên cạnh đó, ruộng lúa cấy bằng máy còn giúp cây lúa tăng khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu so với các hình thức gieo cấy khác, đồng thời dễ chăm bón, giảm sâu bệnh hại, từ đó cho năng suất cao hơn.

Ngoài việc cung cấp dịch vụ máy cấy, hợp tác xã Liên Thành còn phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ bà con thu mua thóc giống tươi cao ngang hoặc cao hơn thóc khô cùng thời điểm của thị trường. 

Đưa máy cấy vào nông nghiệp giúp vựa lúa Yên Thành (Nghệ An) tăng năng suất - Ảnh 4.

Máy cấy hoạt động hiệu quả, nên bà con nông dân dần thay thế sức người vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Nam Giang – Phó Giám đốc hợp tác xã Liên Thành, cho biết: "Ở nhiều nơi bà con nông dân vẫn gieo cấy theo phương pháp thủ công, mất nhiều thời gian công sức, trong khi lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu, nông thôn phần lớn còn lại người già và trẻ em. Do vậy, máy cấy là giải pháp cần thiết để từng bước giảm dần diện tích gieo thẳng, tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem