Nghệ sĩ của sân khấu mấy ai sống được bằng nghề biểu diễn

Thanh Hà (thực hiện) Thứ năm, ngày 05/11/2015 12:31 PM (GMT+7)
Một câu hỏi luôn được đặt ra là nghệ sĩ của sân khấu mấy ai sống được bằng nghề biểu diễn, trừ các ca sĩ hát dòng nhạc giải trí?
Bình luận 0

“Chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá cho các vở kịch, giống như các tác phẩm điện ảnh đã được quảng bá rầm rộ từ trước khi bấm máy cho đến khi ra mắt phim”, NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu chia sẻ về tình trạng đìu hiu của sân khấu hiện nay.

Thưa ông, có rất nhiều ý kiến lo ngại về khủng hoảng sân khấu trong thời điểm hiện tại. Là người đứng đầu Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ông có thể phân tích sâu về điều này?

img

NSND Lê Tiến Thọ 

-Tôi nghĩ, hiện nay sân khấu đang rơi vào tình trạng dàn trải. Các nhà hát đang bị thị trường chi phối, tác phẩm lại không có chất lượng nghệ thuật cao. Vì chưa có thị trường cho sân khấu, chưa tạo được hàng hóa mang tính đặc trưng, hấp dẫn đã dẫn tới khủng hoảng sân khấu. Bên cạnh đó, khi chúng ta xác định đó là thị trường thì phần quảng cáo, truyền thông còn hạn chế. Một lý do nữa là các tác giả không đi đến tận cùng, không vượt qua chính mình để phản ánh lên những điều họ thấy, họ muốn đề cập.

Nhiều diễn viên cho rằng, thu nhập mới là vấn đề chính của sự khủng hoảng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

-Đúng là lâu nay, một câu hỏi luôn được đặt ra: Nghệ sĩ của sân khấu mấy ai sống được bằng nghề biểu diễn, trừ các ca sĩ hát dòng nhạc giải trí? Tôi nghĩ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Các nghệ sĩ còn lại để sống đích thực bằng nghề là rất khó. Ví dụ như nghệ sĩ đi biểu diễn ở các đơn vị, các chương trình được lên kế hoạch hàng năm sẽ rất khó bán vé.

Vừa rồi, Nhà hát Kịch Việt Nam có dựng lại vở Hamlet. Ngoài những suất diễn hàng tuần tại nhà hát với giá vé 200.000 đồng/vé thì có một đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội với giá vé 1.000.000 đồng/vé. Nhiều người trong nghề đã băn khoăn, liệu khán giả có dám chi số tiền ấy để mua vé dù vở diễn đã được Nhà hát Kịch Việt Nam đầu tư công phu, từ trang phục đến sân khấu, dàn dựng, âm thanh, ánh sáng.

Theo ông, cần có giải pháp gì để giải quyết tình trạng khủng hoảng sân khấu hiện này?

-Tôi nghĩ, điều đầu tiên là đội ngũ sân khấu phải được đào tạo bài bản để lại có giàn tác giả, giàn đạo diễn, diễn viên giỏi, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách phù hợp để nghệ sĩ sống được bằng nghề. Ngoài ra cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá cho các vở kịch, giống như các tác phẩm điện ảnh đã được quảng bá rầm rộ từ trước khi bấm máy cho đến khi ra mắt phim. Có thể nói sân khấu cũng cần có một chiến lược truyền thông như bao lĩnh vực khác nghệ thuật khác.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem