dd/mm/yyyy

Nghề "trang điểm" cây cảnh dịp Tết, vừa làm vừa chơi cũng đếm tiền mỏi tay

Nghệ thuật cây cảnh bonsai ở tỉnh Long An là một thú chơi tao nhã, giúp người chơi vừa thỏa mãn đam mê, vừa có nguồn thu nhập ổn định.

Những chậu bonsai đẹp, độc đáo chính là sự kết hợp giữa thiên nhiên cùng bàn tay con người để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động, góp phần làm đẹp cho đời.

Bonsai có nhiều nghĩa, tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản là cây cảnh được trồng trong chậu, khe đá, tảng đá, được cắt tỉa, uốn nắn từ rễ, thân, cành cho đến ngọn, tạo dáng như những cây cổ thụ thu nhỏ, "bắt chước" như cây ngoài thiên nhiên với dáng dấp, hình thái ấn tượng, bố cục hài hòa.

Nghề "trang điểm" cây cảnh dịp Tết, vừa làm vừa chơi cũng đếm tiền mỏi tay - Ảnh 1.

Chơi bonsai - Mang lại giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Theo Chi hội phó Chi hội Sinh vật cảnh huyện Bến Lức (tỉnh Long An)- Lê Nguyễn Ngọc Hà, bonsai có những dáng căn bản như dáng trực (thẳng), trực lắc, dáng huyền (dáng xiêu), dáng bay, dáng đổ.

Từ căn bản đó có thể thêm nhiều dáng thế sao cho hợp với cây như bạt phong (gió lùa), đổ treo, dáng rừng, dáng thiên nhiên,…

Những loại cây bonsai phổ biến thường là mai chiếu thủy, linh sam, tùng, găng hoa vàng, cần thăng, thông, kim quýt, nguyệt quế, mai vàng,…

Ngoài ra, cây me, cây khế, nhãn, vú sữa,…cũng được các nghệ nhân sáng tạo theo phong cách bonsai. Có thể nói, bonsai như một tác phẩm nghệ thuật sống, đối với người yêu bonsai, nhìn thấy cây sinh trưởng qua từng ngày, phát triển theo đúng ý của người tạo tác thì chẳng còn gì hạnh phúc hơn.

Theo anh Hà, mỗi cây qua bàn tay mình nâng niu, tạo dáng, anh xem như "đứa con" tinh thần, có khi bán đi rồi, biết cây không được chăm sóc chu đáo nên chết đi, anh rất buồn.

Anh Hà chia sẻ: "Tôi đến với nghề rất tình cờ, từ hơn 20 năm trước, kinh tế còn rất khó khăn, tôi nhặt được một số cây bị bỏ đi, đem về rồi tạo dáng, bán được vài trăm ngàn đồng và làm tiếp những cây khác, thế rồi đam mê với nghề lúc nào chẳng hay...

Tôi và các anh em có cùng sở thích lại chia sẻ kinh nghiệm và rèn luyện từng ngày. Cái nghề thành cái "nghiệp", dù bận rộn với rất nhiều công việc khác nhưng chơi bonsai đã trở thành niềm đam mê khó bỏ".

Nghề "trang điểm" cây cảnh dịp Tết, vừa làm vừa chơi cũng đếm tiền mỏi tay - Ảnh 2.

Anh Lê Nguyễn Ngọc Hà (trái) và anh Nguyễn Phúc Hoàng (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) bên cây bonsai được đấu giá để giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung

Cùng có niềm yêu thích đặc biệt với cây kiểng nhưng khác với anh Hà, từ nhỏ, anh Nguyễn Phúc Hoàng đã theo cha làm nghề sửa kiểng, tạo dáng cho cây.

Gia đình anh có một cặp kiểng cổ (mai chiếu thủy) được xem là một trong những cây bonsai đẹp nhất cả nước, có giá trị nghệ thuật và được trả giá rất cao nhưng gia đình anh không bán.

Hiện anh là Chi hội trưởng Chi hội Sinh vật cảnh huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Anh vừa làm "nghề tay trái", gắn bó với nghề kiểng bên cạnh công việc kinh doanh.

Anh cho biết: "Chơi bonsai luyện cho tôi sự điềm tĩnh. Những người nóng vội, cẩu thả thì khó có thể gắn bó với nghề vì để ra được một nhánh cây phải mất ít nhất 2 năm, tạo một dáng cây theo ý muốn mất từ 5-10 năm. Thế nên, chơi cây cảnh giúp tôi rèn được sự kiên trì, nhẫn nại và giúp tôi thư giãn tinh thần, lạc quan, yêu đời hơn".

Thú vui ý nghĩa

Bonsai không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ một phôi gốc hoặc những cây sưu tầm được từ người dân, nghệ nhân "mát tay" sẽ uốn nắn, cắt tỉa, tạo dáng để nâng tầm giá trị cây lên gấp nhiều lần.

Do đó, với nhiều cây độc, lạ thì giá trị từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có cây lên đến tiền tỉ.

Những người yêu cây cảnh, ngoài đam mê thì cũng cần "sống" được với nghề, cũng có người xem đây là công việc chính.

Nghề "trang điểm" cây cảnh dịp Tết, vừa làm vừa chơi cũng đếm tiền mỏi tay - Ảnh 3.

Qua bàn tay chăm sóc, tạo dáng tỉ mỉ, kỳ công của những nghệ nhân sinh vật cảnh huyện Bến Lức (tỉnh Long An) những cây bonsai này đều có giá trị rất cao

Theo chị Võ Thị Thanh Tâm (đến từ TP HCM nhưng có vườn kiểng tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), trước đây, chị từng là thợ làm tóc nhưng đã yêu cây cảnh từ khi còn nhỏ.

Năm 2010, từ số tiền dành dụm được từ nghề tóc, chị quyết định theo hẳn nghề kiểng. Chị cũng là một trong số rất ít phụ nữ theo nghề này.

"Khoe" bàn tay chai sần, lấm lem đất, chị cho biết: "Theo nghề làm kiểng bonsai này cũng cực và rất kỳ công. Để mua được một cây đủ "tiềm năng" để có thể nâng cấp cũng không hề đơn giản, phải sưu tầm nhiều nơi, gặp gỡ, chia sẻ với những người trong nghề rồi cắt tỉa, chăm sóc một thời gian dài mới có thể trao đổi, mua bán.

Do đó, chúng tôi thường tham gia các hội chợ triển lãm để làm quen, gặp gỡ những người có cùng đam mê cũng như các khách hàng để giới thiệu sản phẩm. Tôi phải kinh doanh từ những cây ít tuổi, dễ bán để "lấy ngắn nuôi dài", đầu tư cho những cây có giá trị cao hơn".

Nghề "trang điểm" cây cảnh dịp Tết, vừa làm vừa chơi cũng đếm tiền mỏi tay - Ảnh 4.

Chị Võ Thị Thanh Tâm (người có vườn kiểng ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là một trong số rất ít phụ nữ theo nghề tạo dáng bonsai...

Bên cạnh tạo ra thu nhập ổn định, những người đến với nghề đều là người tâm huyết, nhiều người sẵn sàng truyền thụ kiến thức cho người khác để giúp đỡ, hỗ trợ nhau vươn lên.

Được biết, anh Lê Nguyễn Ngọc Hà đã duy trì lớp tạo dáng cây bonsai, non bộ, tiểu cảnh miễn phí cho rất nhiều người trong và ngoài tỉnh Long An, có người ở tận An Giang, Kiên Giang, Bình Dương,... cũng tìm đến để học nghề.

"Lớp học" chẳng có bằng cấp, chỉ đơn giản như buổi chuyện trò, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, vậy mà đã giúp nhiều trường hợp vươn lên thoát nghèo, có người chưa biết chữ ở tỉnh xa đến học, giờ đã có việc làm ổn định với vườn kiểng ở quê.

"Tôi mở lớp chẳng có lợi nhuận, chỉ vì muốn lan tỏa niềm đam mê đến thật nhiều người, giúp họ có cái nghề để nuôi sống bản thân, gia đình vì tôi cũng xuất thân từ nghèo khó", anh Hà tâm sự.

Ngoài ra, một việc làm ý nghĩa khác là Chi hội Sinh vật cảnh huyện Bến Lức còn tham gia đấu giá cây bonsai từ thiện để giúp đỡ đồng bào miền Trung.

Số tiền đấu giá được các anh tổ chức đoàn đi trao tận tay người dân gặp khó khăn do bão, lũ tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hiện các anh cũng tiếp tục tổ chức đấu giá để có thêm kinh phí giúp đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Nghề "trang điểm" cây cảnh dịp Tết, vừa làm vừa chơi cũng đếm tiền mỏi tay - Ảnh 5.

Nghệ thuật cây cảnh bonsai là một thú chơi tao nhã, giúp người chơi vừa thỏa mãn đam mê, vừa có nguồn thu nhập ổn định.

Có thể thấy, dù gọi là "thú vui" nhưng thú chơi bonsai mang lại thật nhiều ý nghĩa, về cả vật chất lẫn tinh thần. "Nhất chữ - nhì tranh - tam sành - tứ kiểng", chơi cây cảnh là 1 trong 4 thú vui tao nhã từ xưa.

Trong đó, có lẽ, khác với 3 thú chơi đầu tiên, thú chơi cuối cùng là dễ dàng phổ biến hơn cả, bởi từ anh nông dân, người trí thức hay làm nghề kinh doanh cũng có thể chơi, miễn là có mắt thẩm mỹ, tình yêu thiên nhiên và niềm đam mê, thậm chí, từ niềm đam mê ấy còn có thu nhập, làm giàu chính đáng và giúp đỡ thật nhiều người khác.

Tạm quên những tất bật thường nhật, sau giờ làm việc vất vả, chỉ cần ra vườn, nhấp ngụm trà, cùng bạn bè trò chuyện bên vườn kiểng hay thong thả dạo bước, cắt cành sâu, tỉa lá, tạo dáng cho cây thì bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến, ta lại có thêm nguồn năng lượng tích cực để thêm yêu đời, yêu cuộc sống./.



Phạm Ngân