Thứ năm, 28/03/2024

Nghẽn tư duy là ùn xuất khẩu

08/03/2022 1:00 PM (GMT+7)

Trung Quốc không còn là cái "chợ huyện" cho xuất khẩu nông sản, cần phải thay đổi góc nhìn nhận để bắt kịp với sự phát triển của mọi thị trường.


Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc xuất khẩu

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc nông sản xảy ra là tình trạng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc cập nhật thông tin và những thay đổi về mặt chính sách của thị trường xuất khẩu.

“Trong những năm vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác truyền thông, UBND tỉnh Lạng Sơn chúng tôi cũng liên tục cập nhật về tình hình tại các cửa khẩu nhưng hiệu ứng chưa được đồng bộ do nhiều doanh nghiệp, chủ hàng vẫn mang tâm lý chủ quan, chưa cập nhật thông tin dẫn đến khó khăn trong công tác xuất khẩu hàng hóa”.

Nghẽn tư duy là ùn xuất khẩu - Ảnh 1.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Cũng theo bà Hà, việc không kịp thời nắm bắt các chính sách mới của thị trường xuất khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp khi đưa hàng lên đến khu vực cửa khẩu rồi phải hạ tải để thực hiện công tác phân loại, đóng gói bao bì, nhãn mác theo các quy định mới của Trung Quốc khiến cho thời gian thông quan bị chậm lại, nhiều doanh nghiệp như vậy sẽ dẫn đến ùn tắc là đương nhiên.

“Trung Quốc là một thị trường lớn của nông sản Việt Nam, một thay đổi dù là nhỏ nhất của thị trường này cũng đủ sức tác động đến sản xuất trong nước. Chính vì vậy, doanh nghiệp và người dân cần theo dõi sát sao các thông tin từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tình hình thông thương đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc là do dịch bệnh SARS-CoV-2 nhưng phương thức xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam hiện đã lạc hậu, chưa bắt kịp với sự thay đổi của thế giới cũng như yêu cầu ngày càng chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu.

“Nông sản hiện nay chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, cách làm ăn buôn bán, sản xuất thu mua vẫn theo lối truyền thống của 20 năm về trước. Cần phải đổi mới phương thức, đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam đánh giá, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang chủ quan, sản xuất phần nhiều dựa vào cảm tính, tự bằng lòng với thực tại mà quên đi tầm nhìn chiến lược trong tương lai xa để ứng phó với những thay đổi của thị trường.

Nghẽn tư duy là ùn xuất khẩu - Ảnh 2.

Những ngày qua, ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã làm nóng các diễn đàn của nhà nước và doanh nghiệp cũng như trên truyền thông. (Ảnh: Hữu Thắng)

“Trong một thời gian rất dài các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo thói quen lối mòn, thích làm cái dễ đơn giản, thích làm tiểu ngạch hơn chính ngạch mà không tính đường xa. Vẫn quan điểm Trung Quốc là thị trường dễ tính, trong khi thực tế, thị trường này đang có những thay đổi lớn về yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiệm cận dần với các thị trường như Mỹ, EU. Những quy trình, thủ tục nhập khẩu cũng có nhiều biến động mà phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được”.

Xuất khẩu chính ngạch, con đường tất yếu giải bài toán ùn tắc

Đứng từ góc độ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, bà Đoàn Thu Hà cho biết, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu mang tính truyền thống, không có hợp đồng. Tỷ lệ xuất khẩu chính ngạc hiện nay chỉ chiếm khoảng 10% còn đa số là rao bán ở các chợ nông sản phía bên kia biên giới.

“90% hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam- Trung Quốc là theo đường tiểu ngạch. Hoạt động xuất khẩu còn mang tính chất thụ động do hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu chỉ là doanh nghiệp dịch vụ, giao thương với các đầu mối trung gian mà chưa tiếp cận được với thị trường tiêu thụ trực tiếp của Trung Quốc”

Nghẽn tư duy là ùn xuất khẩu - Ảnh 3.

90% hoạt động xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc là theo đường tiểu ngạch

Đẩy mạnh công tác xuất khẩu theo đường chính ngạch sẽ gặp nhiều khó khăn do tập quán buôn bán tiểu ngạch trong lĩnh vực nông sản, hoa quả đã hình thành từ rất lâu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người dân hai nước đã quen với sự dễ dãi từ chất lượng hàng hóa, chính sách trao đổi, cơ chế quản lý cho đến hình thức thanh toán…Chính thói quen buôn bán này đã hạn chế rất lớn sự phát triển thương mại song phương.

“Năm 2020- 2021 phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào trên toàn tuyến biến giới, điều này sẽ giúp giảm bớt hoạt động giao thương theo đường mòn, lối mở. Vì vậy, xuất khẩu chính ngạch là lối thoát hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo bà Hà, chuyển đổi sang chính ngạch nhiều khó khăn nhưng cần phải hành động ngay bởi những chính sách gần đây của phía Trung Quốc đã cho thấy nước này đang đặc biệt chú trọng đến phát triển nông nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững thông qua việc áp dụng thành tựu công nghệ khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.  Trong tương lai nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ đến từ sản phẩm nội địa của Trung Quốc cũng như sản phẩm xuất khẩu tương đồng của các nước khác. Do vậy, mặc dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động hơn trước thị trường, nâng cao sản lượng và chất lượng, thay đổi tập quán kinh doanh, xuất khẩu theo phương thức hiện đại, hình thành thói quen giao dịch theo các hợp đồng định trước phù hợp với thông lệ quốc tế và xuất khẩu chính ngạch. Các ngành, các địa phương cần ra soát lại quy mô sản xuất vùng trồng, tiêu chí, sản lượng, tiêu thụ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản hướng đến đảm bảo cân đối giữa quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Đó cũng là giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường.

“Việt Nam hiện đang tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây là không gian phát triển lớn cho xuất khẩu Việt Nam bởi sẽ nhận được nhiều lợi ích từ các ưu đãi về thuế. Vấn đề là các doanh nghiệp phải thay đổi, nâng cao chất lượng, mẫu mã và quy trình sản xuất để đưa sản phẩm tiếp cận các thị trường trong khối”.

Nghẽn tư duy là ùn xuất khẩu - Ảnh 4.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Để chuyển đổi hoàn toàn từ tiểu ngạch sang chính ngạch cần phải có một lộ trình thời gian thích hợp. Xuất khẩu chính ngạch không chỉ đơn thuần là thay đổi hình thức giao thương mà có rất nhiều vấn đề.

Thứ nhất, phải có sự phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu để phù hợp với các quy định, các tiêu chí mới của thị trường.

Thứ hai, đầu tư phát triển cho hệ thống logictics. Tăng trưởng logictics hiện nay hoàn toàn chưa tương xứng với tăng trưởng xuất khẩu, chỉ từ 3-5% so với 13%.

Thứ ba, vai trò tổ chức xuất khẩu của các cơ quan Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng cần được củng cố hơn. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền cần phải được thắt chặt, hình thành lên một hệ thống thông tin xuyên suốt và thông thoáng. Có như vậy mới rút ngắn được thời gian chuyển đổi 100% sang xuất khẩu chính ngạch.

Cụ thể hơn, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chỉ ra 3 vấn đề  cấp bách mà nông nghiệp Việt Nam cần tập trung giải quyết.

Đẩy mạnh xây dựng, quy hoạch và hỗ trợ công nghệ cho các vùng sản xuất, nguyên liệu xuất khẩu.

Đầu tư phát triển công nghệ xử lý, chế biến, đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu xuất khẩu phù hợp với từng thị trường.

Tăng cường đàm phán song phương, đa phương để gỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật, bảo hộ, thành công đưa nông sản Việt gia nhập thị trường quốc tế.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng: Sự thỏa hiệp của Eximbank

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng: Sự thỏa hiệp của Eximbank

Eximbank và ông H.A đã thống nhất phương án giải quyết dứt điểm vụ việc nợ thẻ tín dụng trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên trong thời gian sớm nhất.