Nghẹt thở phút 89, ngoạn mục vượt dịch Covid-19, dân nơi đây thu 7.000 tỷ đồng

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 02/01/2021 07:01 AM (GMT+7)
Nhờ tích cực mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại bằng các giải pháp linh hoạt, dù dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 tiếp tục lập kỷ lục mới. Vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản là một ví dụ điển hình.
Bình luận 0

Vải thiều sang Nhật, tôm, cá, gạo nô nức sang EU

Nhờ tích cực mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại bằng các giải pháp linh hoạt, dù dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 tiếp tục lập kỷ lục mới.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019; trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.

Tiếp tục duy trì 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Nghẹt thở phút 89, ngoạn mục vượt dịch Covid-19, dân nơi đây thu 7.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Lần đầu tiên trái vải thiều Bắc Giang được tiếp cận thị trường khó tính nhất nhì thế giới - Nhật Bản.

Năm 2020, lần đầu tiên nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam tiếp cận được những thị trường khó tính nhờ công tác mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu được thực hiện tốt.

Cụ thể, vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản; chôm chôm vào Đài Loan; dâu tây và bí ngô vào New Zealand; tôm và cá tra xuất khẩu vào Brazil...

Riêng vải thiều, nhờ chủ động xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức, quyết tâm đưa chuyên gia Nhật Bản sang bằng mọi giá, chủ động áp dụng công nghệ Việt mà đã xuất khẩu những lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản thành công, với giá cao hơn gấp nhiều lần.

Ở thị trường truyền thống Trung Quốc, nhờ ngành chức năng, địa phương linh hoạt trong việc kết nối với thương nhân Trung Quốc mà xuất khẩu vẫn thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19, giúp người dân Bắc Giang thu 7.000 tỷ đồng nhờ vải thiều.

Bộ NNPTNT cũng phối hợp với ngành chức năng tích cực xử lý các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen. được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Xử lý hài hòa để tránh các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ về vấn đề nhập siêu và duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường này.

Tháng 8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức đi vào thực thi, ngay lập tức mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều mặt hàng nông sản với những ưu đãi chưa từng có về thuế.

Liên tiếp các lễ đưa những lô hàng tôm, chanh leo, cá ngừ, cá tra, trái cây, gạo sang EU theo EVFTA được tổ chức.

Nghẹt thở phút 89, ngoạn mục vượt dịch Covid-19, dân nơi đây thu 7.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Lễ xuất khẩu trái cây sang EU theo EVFTA. Ảnh: I.T

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, chỉ sau hơn 1 tháng EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã tăng hơn 17 - 20%. Điều này có thể thấy rất rõ khi trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

EU cũng đang là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trị giá xuất khẩu gạo tháng 8 vừa qua của Việt Nam vào thị trường EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Tám tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15.800 tấn gạo, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD.

Sự bùng nổ của các nhà máy chế biến nông sản

Năm 2020, ghi nhận sự bùng nổ của các nhà máy chế biến nông sản. Cụ thể, năm 2020, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 04 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Nghẹt thở phút 89, ngoạn mục vượt dịch Covid-19, dân nơi đây thu 7.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Tập đoàn TH đưa nhà máy chế biến trái cây ở huyện Vân Hồ, Sơn La đi vào hoạt động.

Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp; tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Có thể kể đến Tập đoàn TH khởi công xây dựng một loạt nhà máy chế biến sữa, trang trại nuôi bò sữa hiện đại tại Quảng Ninh, Cao Bằng; khai trương đi vào hoạt động nhà máy chế biến trái cây tại Sơn La. Tập đoàn Doveco cũng khởi công xây dựng, đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến trái cây tại Gia Lai, Sơn La…

Năm 2020, ghi nhận số lượng hợp tác xã (HTX), trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng, dần thích nghi với cơ chế thị trường. 

Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. 

Năm 2020, thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên trên 13.280 doanh nghiệp. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC, như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Thương mại và Đầu tư Biển Đông.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem