Nghi ngờ tác dụng phụ, thêm nhiều quốc gia tạm ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca
Hôm 15/3, chính phủ Đức tuyên bố tạm ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia trong khi cơ quan quản lý vắc xin Đức - Viện Paul Ehrlich kêu gọi thêm các cuộc điều tra liên quan đến dòng vắc xin này.
Cùng ngày, Cơ quan quản lý dược phẩm của Ý cũng đưa ra thông báo tương tự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiều 15/3 cũng cho biết vắc xin AstraZeneca sẽ bị tạm ngừng sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia trong khi chờ đợi kết luận từ cơ quan quản lý dược phẩm của EU.
Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias thì thông báo nước này sẽ ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca trong ít nhất hai tuần, theo Reuters. Cùng với đó, Bồ Đào Nha và Slovenia cũng tuyên bố động thái tương tự.
Trước đó một ngày, Chính phủ Hà Lan hôm Chủ nhật cho biết vắc xin AstraZeneca sẽ bị tạm đình chỉ cho đến ít nhất hôm 29/3 tới đây. Ireland thì khẳng định việc tạm ngừng tiêm dòng vắc xin này là một động thái phòng ngừa trong bối cảnh xuất hiện nhiều báo cáo về các trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin.
Các chính phủ châu Âu đồng loạt đưa ra quyết định tạm ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca bất chấp việc Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định không có bằng chứng về mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc xin với nguy cơ hình thành các cục máu đông. WHO đã kêu gọi các quốc gia tiếp tục sử dụng dòng vắc xin này trong chiến dịch tiêm chủng để sớm đạt đến điểm miễn dịch bầy đàn nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 đã kéo dài hơn một năm qua.
Việc đình chỉ sử dụng vắc xin AstraZeneca diễn ra đúng thời điểm nguồn cung vắc xin không đồng đều trên toàn cầu dẫn đến một số khu vực thiếu hụt vắc xin nghiêm trọng. Thêm vào đó, ở châu Âu, cơ quan y tế Đức đã cảnh báo về sự bùng phát làn sóng Covid-19 thứ ba.
AstraZeneca phản ứng như thế nào?
Hôm 15/3, AstraZeneca tuyên bố đã phân tích lại dữ liệu những người thử nghiệm trong chương trình tiêm vắc xin Covid-19, qua đó kết luận không có bằng chứng về việc tiêm vắc xin làm tăng nguy cơ đông máu như những hiện tượng được ghi nhận tại EU.
“Việc xem xét tất cả các dữ liệu hiện có trên hơn 17 triệu người đã tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca ở châu Âu và Vương quốc Anh cho thấy không có bằng chứng nào về việc tiêm chủng vắc xin làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu, ở bất kỳ độ tuổi xác định, giới tính hay chủng tộc nào tại bất kỳ quốc gia cụ thể nào” - tuyên bố của AstraZeneca nhấn mạnh.
AstraZeneca hiện đang cùng các cơ quan y tế châu Âu tiến hành các cuộc kiểm tra bổ sung về vắc xin, tuy nhiên đại diện công ty cho thấy chưa có kết quả nào chỉ ra yếu tố đáng lo ngại nào về tính an toàn của vắc xin. Theo AstraZeneca, báo cáo an toàn của vắc xin sẽ được cập nhật công khai hàng tháng trên trang web chính thức của cơ quan Dược phẩm châu Âu vào tuần sau.
Giới chuyên gia nói gì về vắc xin AstraZeneca?
Stephen Evans, giáo sư dược học tại Trường Dịch tễ & Y học Nhiệt đới London cho biết: “Nhiều khả năng lợi ích của vắc xin vượt trội hơn đáng kể so với bất kỳ nguy cơ nào như rối loạn đông máu. Và vắc xin còn ngăn ngừa các hậu quả khác từ đại dịch bao gồm tử vong do các bệnh nền khác”.
Ông Evans cho biết việc tiến hành các nghiên cứu về vắc xin và mối liên hệ của tiêm chủng vắc xin với hiện tượng rối loạn đông máu là “hoàn toàn hợp lý”, nhưng nói thêm: “Có vẻ như các chính phủ đã đi quá xa khi tạm ngừng chiến dịch tiêm phòng để đề phòng”.
Một số quốc gia tiên tiến như Anh, Pháp, Úc hay Canada hiện vẫn chọn tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng bằng vắc xin AstraZeneca.
Adam Finn, giáo sư nhi khoa tại Đại học Bristol, cho biết: “Nếu có bằng chứng rõ ràng về các tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của vắc xin, điều này chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả to lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này chưa xảy ra. Tôi không mong rằng chương trình tiêm chủng vắc xin khẩn cấp sẽ bị gián đoạn”.