Nghị quyết 10 - quyết sách chiến lược giúp nông nghiệp TP.HCM bứt phá

Trần Khánh Thứ tư, ngày 16/11/2022 13:18 PM (GMT+7)
Nghị quyết 10 của HĐND TP.HCM về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (giai đoạn 2017- 2020) ban hành từ năm 2017, đến nay vẫn được coi là quyết sách chiến lược giúp nông nghiệp TP.HCM hội nhập kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững. Trong đó, chính sách hỗ trợ vốn vay là nội dung cốt lõi.
Bình luận 0

Hỗ trợ vốn cho nông dân

Với mục tiêu hỗ trợ lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năm 2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 655 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 10/2017 của HĐND thành phố. Sự hỗ trợ này đã giúp nhiều nông dân sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.

Nghị quyết 10 giúp nông nghiệp bứt phá - Ảnh 1.

Ông Trương Văn Thuận tạo ra sản phẩm mang thương hiệu sửa Mỹ Vị Milk nhờ nguồn vốn vay theo quyết định 655. Ảnh: T.K

Nghị quyết 10 giúp nông nghiệp bứt phá - Ảnh 2.

Điển hình như trường hợp ông Trương Văn Thuận (ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn). Năm 2019, chỉ hơn một tháng sau khi làm đề án vay vốn để phát triển sản xuất, ông Thuận được hội đồng các cấp xét duyệt hồ sơ. Cuối năm 2019, ông được giải ngân cho vay 1,5 tỷ đồng. 

Từ một nông dân nuôi bò sữa, ông Thuận đã phát triển thành mô hình trang trại. Và sau đó, ông còn tạo và ra thương hiệu sữa Mỹ Vị Milk chính nhờ nguồn vốn vay theo Quyết định 655.

"Nguồn vốn vay ưu đãi tạo niềm tin rất lớn cho nông dân. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và cho ra thêm nhiều sản phẩm mới để phục vụ thị trường" - ông Thuận nói.

Thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo Nghị quyết số 10, từ đầu năm 2018 đến nay, các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã phê duyệt 929 quyết định. Tổng cộng có 1.966 lượt vay; tổng vốn vay là 1.599.660 triệu đồng trên tổng vốn đầu tư hơn 2.709.425 triệu đồng.

Theo Sở NNPTNT, quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ dân, doanh nghiệp qua các năm tăng dần. Đặc biệt năm 2018-2021, bình quân vốn đầu tư là 1.378 tỷ đồng/hộ/phương án. Con số này cao hơn 2,44 lần so với bình quân giai đoạn 2011-2019 (là 564 triệu đồng/hộ/phương án).

Bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay là 814 triệu đồng/hộ/lượt vay vốn; cao hơn 2,38 lần so với binh quân giai đoạn 2011-2019 (342 triệu đồng/hộ/phương án).

Nông thôn chuyển mình

Sở NNPTNT đánh giá, thời gian qua, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện chính sách, hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị.

Tất cả các quận huyện còn sản xuất nông nghiệp đều thành lập Hội đồng thẩm định phương án vay vốn. Hội đồng giúp cho quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt phương án thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư sản xuất của người dân.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, nông nghiệp là ngành dễ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, việc ban hành và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, chính sách hỗ trợ lãi vay trong thời gian qua đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong đầu tư.

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị còn được xem là đòn bẩy, khuyến khích người dân, doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Điều này góp phần tạo thêm việc làm cho người dân khu vực ngoại thành.

Từ chính sách này, thu nhập của người dân nông thôn mới tại thành phố ngày càng tăng. Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn hơn 63 triệu đồng/người/năm; tăng hơn 172% so với năm 2010. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp. Năm 2008, thu nhập khu vực nông thôn bằng 55,5% thành thị; năm 2019 là 72,57%.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem