Nghịch lý: Thiếu nhà trọ, phòng trọ đạt chuẩn nhưng doanh nghiệp không được phép đầu tư

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 24/04/2022 11:11 AM (GMT+7)
Luật hiện nay chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ, trong đó có các nhà trọ, phòng trọ, nhưng không cho phép doanh nghiệp được đầu tư. Điều này khiến cho phân khúc tại này TP.HCM dù “nóng” nhưng lại… thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Bình luận 0

Theo thống kê, từ năm 2016 - 2020, TP.HCM phát triển thêm 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng chỗ ở cho 66.000 lao động. Tuy vậy, nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động nghèo ở TP.HCM vẫn đang là vấn đề "nhức nhối" của thành phố.

"Khát" nhà trọ, phòng trọ đạt chuẩn, doanh nghiệp vẫn bị… cấm cửa

Khảo sát mới đây của Liên đoàn lao động TP.HCM cho thấy, khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp.

Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình mỗi phòng 14 m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở.

Tuy nhiên, dù nhu cầu là cấp bách, nhưng quy định của pháp luật hiện nay lại chưa cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà trọ, phòng trọ, nhà ở xã hội riêng lẻ…

Nghịch lý: Thiếu nhà trọ, phòng trọ đạt “chuẩn” nhưng doanh nghiệp không được phép đầu tư - Ảnh 1.

Nhà trọ công nhân, người lao động hiện khá chật hẹp, thiếu thốn...Ảnh: Phương Uyên

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ, trong đó có các nhà trọ, phòng trọ, nhưng không cho phép doanh nghiệp được đầu tư loại dự án nhà trọ, phòng trọ.

"Nếu luật hiện nay cho phép doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này thì chất lượng, tiện ích và việc quản lý vận hành sẽ tốt hơn. Số lượng và chất lượng sẽ nâng cao hơn", ông Châu nói.

Dẫn chứng về việc này, ông Châu cho hay, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành hiện đang phải đứng trên danh nghĩa cá nhân để đầu tư 2 tòa nhà 5 tầng tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM với 300 phòng trọ (diện tích 19m2/phòng).

"Mỗi phòng trọ chỉ dành cho 2 người thuê, có các tiện ích và sử dụng bộ máy của Công ty Lê Thành quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn phòng chống dịch Covid-19.  Nếu Công ty Lê Thành được làm chủ đầu tư thì dự án này còn "chuẩn" hơn nữa", ông Châu nói.

Chưa kể, Thông tư 09/2021/TT-BXD (thay thế Thông tư 20/2016/TT-BXD) dù không còn quy định "diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2; diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2 cho một người…" nhưng cho đến nay, Bộ Xây dựng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và ban hành quy định về điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ.

Nghịch lý: Thiếu nhà trọ, phòng trọ đạt “chuẩn” nhưng doanh nghiệp không được phép đầu tư - Ảnh 3.

Nhiều khu nhà ở tại xã Vĩnh Lộc B hiện vẫn để không, gây lãng phí...

"Hiện nay chỉ có một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/06/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế  ban hành "Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp", tại Mục II.1 Phụ lục 2 quy định "yêu cầu về điều kiện của nhà trọ" phải "đảm bảo thông thoáng, diện tích phòng trọ không nhỏ hơn 05 m2/người" – vì vậy, các địa phương và doanh nghiệp đang rất lúng túng" – ông Châu nói thêm.

Giải pháp nào để tháo gỡ?

Trước nhu cầu cấp bách về nhu cầu nhà trọ, phòng trọ của người lao động, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho hay, mới đây Hiệp hội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển phân khúc này.

Cụ thể, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 53 Luật Nhà ở 2014 theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ, như sau: "Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình; Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ".

Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành "hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và ban hành quy định về điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ, bao gồm phòng trọ, nhà trọ" để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, ngày 25, 26, 27/4, thành phố sẽ khởi công ba dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với số lượng 1.300 căn.

Cụ thể, dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 tại TP.Thủ Đức sẽ được khởi công vào ngày 25/4 với số lượng căn hộ là 360 căn.

Dự án nhà ở xã hội thuộc khu nhà Nguyên Sơn ở huyện Bình Chánh khởi công ngày 26/4 với 242 căn.

Dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường tại TP.Thủ Đức khởi công ngày 27/4 với 726 căn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem