dd/mm/yyyy

Nghịch lý thực phẩm sạch: "Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra"

Việc hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết thực phẩm sạch chưa cặn kẽ dẫn đến nhà sản xuất hàng sạch khó tìm đầu ra nhưng người có nhu cầu lại chưa thể tiếp cận.

Việc hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết thực phẩm sạch chưa cặn kẽ dẫn đến nhà sản xuất hàng sạch khó tìm đầu ra nhưng người có nhu cầu lại chưa thể tiếp cận.

Sáng 18/5, Hội thảo “Xu hướng tiêu dùng và nhận diện thực phẩm minh bạch” đã được tổ chức với mục đích giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin về nguồn thực phẩm sạch, minh bạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn, được quản lý chất lượng thông qua hệ thống chứng nhận đáng tin cậy trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hải Hùng - Phó Giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội đề cập tính cấp thiết của việc xây dựng nền thực phẩm minh bạch, an toàn, tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn của nhà nước về quản lý chất lượng, để đảm bảo thực phẩm lưu thông trên thị trường là sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Hùng nhấn mạnh, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội luôn hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản thực phẩm tiếp cận kiến thức, công nghệ mới, nâng tầm quản trị và hoạt động hiệu quả thông qua các hoạt động hợp tác với các tổ chức xã hội nghề nghiệp vì mục tiêu xây dựng nền thực phẩm an toàn, minh bạch ở Việt Nam.

Nghịch lý thực phẩm sạch: "Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra" - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch (AFT) phát biểu tại sự kiện.

Theo bà Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch (AFT), sự minh bạch trong công bố chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và chế biến, lưu thông sản phẩm thực phẩm chính thức được khởi xướng từ năm 2015 vì thực phẩm là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người và đến chất lượng của giống nòi Việt Nam.

Bà Dung cho biết, từ năm 2017 đến nay, AFT cũng đã xây dựng được 3 bộ Tiêu chuẩn cơ sở về minh bạch thực phẩm, đó là Bộ tiêu chuẩn minh bạch trong nuôi trồng thủy sản; trồng trọt; chế biến thực phẩm. Phó Chủ tịch AFT chia sẻ: “Sắp tới chúng tôi tiếp tục mời các chuyên gia đầu ngành cùng xây dựng bộ tiêu chuẩn minh bạch trong chăn nuôi và trong hoạt động thương mại”.

Tuy nhiên, bà Dung cũng chỉ ra một thực tế, tình trạng sản xuất không theo tiêu chuẩn, thiếu an toàn… vẫn còn khá phổ biến. Tình trạng thật giả lẫn lộn, sản phẩm bẩn, sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn lưu hành khá nhiều trên thị trường khiến cho thực phẩm sạch khó cạnh tranh và làm cho người tiêu dùng bị hoang mang, nhầm lẫn.

“Việc truyền thông giáo dục, hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn còn chưa phổ biến, chưa cặn kẽ, chưa rộng khắp cho nên vẫn tồn tại một nghịch lý: Nhà sản xuất hàng sạch thì khó tìm đầu ra, mà người tiêu dùng có nhu cầu lại khó tiếp cận thực phẩm sạch”, bà Dung nói. 

Nghịch lý thực phẩm sạch: "Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra" - Ảnh 2.

Nhà sản xuất phải chứng minh được sự minh bạch bằng khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng (Hữu Thắng).

Những nỗ lực của hệ thống bán lẻ chân chính dù rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một dung lượng thị trường khá lớn bỏ ngỏ cho thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm trà trộn, thậm chí nhập lậu tung hoành.

Liên tiếp những vụ “bóc phốt” thực phẩm bẩn đội lốt thực phẩm sạch có chứng nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng có vẻ như đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Liên - Chuyên gia tư vấn chiến lược kiêm Trưởng ban Văn phòng AFT tại Hà Nội chia sẻ, trên thị trường hiện đang tồn tại 3 loại tem truy xuất nguồn gốc. Trong đó có một loại tem, dù thông tin của sản phẩm được xác thực nhưng lại không đầy đủ. Điều này để chỉ ra một thực tiễn doanh nghiệp chưa biết đưa chứng nhận của mình vào các ấn phẩm truyền thông. 

Bà Liên nhấn mạnh, ấn phẩm truyền thông là thứ mà nhà sản xuất cần phải lan toả đến người tiêu dùng để tạo dựng niềm tin. “Với thời đại khủng hoảng niềm tin như hiện nay, rất cần yếu tố kỹ thuật, tiêu chuẩn để khẳng định niềm tin với sản phẩm”, bà Liên nói.

Doanh nghiệp, nhà sản xuất phải chứng minh được sự minh bạch, sạch sẽ bằng khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng, không thể chỉ khẳng định qua lời nói.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc đạt được các chứng chỉ quốc tế, điều này thể hiện tâm thế sẵn sàng hội nhập với thế giới, không chỉ ở tầng lớp trung bình mà còn ở vị thế cao hơn. 

Đồng thời, bà Liên chia sẻ, bằng cách đưa thông tin và chứng nhận lên hệ thống blockchain, doanh nghiệp sẽ tiếp cận, chinh phục được người tiêu dùng một cách nhanh chóng mà không cần tốn nhiều thời gian giải thích.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, ứng dụng này chưa được lan tỏa rộng rãi đến người tiêu dùng, vì vậy vẫn cần phải giải thích về truy xuất nguồn gốc, minh bạch sản phẩm. Bà Liên lưu ý đây là điều mà các doanh nghiệp cần phải cân nhắc, lựa chọn đâu là con đường ngắn nhất để chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng.


Nguyễn Phương Anh