Nghịch lý trong lãi, lỗ quý 1 của doanh nghiệp

Quốc Hải Thứ tư, ngày 10/05/2017 06:30 AM (GMT+7)
Có doanh nghiệp (DN) báo doanh thu tăng trưởng rất mạnh mẽ nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân cũng “muôn hình vạn trạng” như dành nhiều chi phí cho khuyến mãi, quảng cáo, “để dành” hạch toán cho quý sau... thậm chí, có DN còn tuyên bố... hy sinh lợi ích ngắn hạn để kỳ vọng vào tương lai.
Bình luận 0

Thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm DN niêm yết trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý 1.2017. Đáng chú ý, tình hình thua lỗ đợt này tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp ngành dầu khí, xây dựng, điện...

img

Masan Group đạt 263 tỷ đồng lãi sau thuế quý 1/2017, giảm sút 33% so với cùng kỳ

Dầu khí, điện... lại tiếp tục lỗ

Có khoản lỗ đứng đầu trong các DN đã báo cáo tài chính Quý 1.2017 đến thời điểm hiện tại là Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã PVD). Theo báo cáo, trong quý 1 này, PVD lỗ 200,9 tỷ đồng với nguyên nhân thua lỗ được giải trình là do số lượng dàn khoan hoạt động giảm và công ty tăng trích dự phòng phải thu quá hạn. Được biết, năm 2017 mục tiêu kinh doanh của PVD chỉ là... không bị lỗ.

Tương tự, Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã PVB) cũng báo lỗ 5,6 tỷ đồng trong quý 1.2017; đồng thời DN này cũng đang hiện thực hóa mục tiêu lỗ 25 tỷ đồng trong năm 2017.

Kế đến, một loạt DN ngành đầu khí khác tuy không lỗ nhưng doanh thu lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Chẳng hạn, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã PVX) trong quý 1.2017 đạt doanh thu 623,4 tỷ đồng, bằng 27% doanh thu đạt được quý 1 năm ngoái. Lãi sau thuế chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, bằng 38% cùng kỳ.

Hoặc, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) trong quý 1.2017 đạt doanh thu thuần 35.801 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí phát sinh đều tăng nên kết quả PLX chỉ ghi nhận 1.106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ 2% so với quý 1.2016.

Tình hình cũng tương tự với một loạt các doanh nghiệp điện và xây dựng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) báo lỗ gần 46 tỷ đồng; Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (mã KHP) lỗ gần 36 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thủy điện Miền Nam (mã SHP) cũng lỗ hơn 12 tỷ đồng... Nguyên nhân khiến nhiều DN điện báo lỗ là tình hình sản lượng quý 1 không đạt (do ít mưa với DN Thủy điện) hoặc do các khoản lỗ tỷ giá, kinh doanh khó khăn (với các DN Nhiệt điện).

Về phía các doanh nghiệp xây dựng, một loạt các mã như: PVV, HAR, VCR, DLR, SVN... cũng đồng loạt báo lỗ trong quý 1.2017.

Muôn mặt lý do lỗ, lãi

Liên quan đến tình hình lãi lỗ trong quý 1.2017 của DN, có khá nhiều nguyên nhân lý giải tình trạng này khiến nhà đầu tư chỉ biết... câm nín.

Chẳng hạn, tại Công ty CP Vinacafé Biên Hòa (mã VCF), trong quý 1.2017, DN này lỗ hơn 37 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do trong kỳ chi phí khuyến mãi và quảng cáo của DN tăng cao hơn nhằm mục tiêu nâng cao lợi thế cạnh tranh và dẫn đầu thị trường của Tập đoàn, đồng thời giúp công ty đảm bảo sẵn nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh vào dịp Tết.

Tương tự, Công ty CP Hùng Vương (mã HVG) trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2.2017 (niên độ tài chính 1.1 - 31.3.2017) với doanh thu thuần đạt 2.949 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn hàng bán chiếm 2.684 tỷ đồng nên lãi gộp HVG chỉ còn 266 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo giải trình của HVG, việc lãi gộp giảm mạnh có nguyên nhân doanh thu từ thức ăn chăn nuôi giảm do không đủ nguồn cung cấp cá giống, nông dân buộc phải cắt giảm sản lượng nuôi trồng, khiến nhu cầu tiêu thụ thức ăn từ đó giảm theo; đồng thời giá cá nguyên liệu tăng do sản lượng thiếu hụt. Giá xuất khẩu cá fillet cũng tăng mạnh do cung không đủ cầu và công ty chủ động giữ hàng, không bán ngay ra thị trường để chờ ký những hợp đồng giá cao.

“Doanh số quý 2 sụt giảm 45%, tuy nhiên, phần sụt giảm này sẽ được bù đắp trong quý 3 và quý 4 sắp tới”, HVG thông tin.

Trong khi đó, phía  Công ty CP Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan, mã VSN) thì doanh thu thuần cả quý đạt 979 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn giảm sâu đến 6% nên lợi nhuận gộp thu về 265 tỷ đồng, tăng đến 17% so với lợi nhuận gộp đạt được quý 1 năm ngoái. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân giá vốn giảm do giá heo hơi đầu vào bình quân quý 1 giảm mạnh khiến lợi nhuận sau thuế đạt gần 48 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với quý 1 năm ngoái.

Lợi nhuận Bia Hà Nội do bán... ve chai

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội Habeco (Habeco, mã BHN) trong quý I năm2017 đạt doanh thu thuần 1.275 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm 7% nên lợi nhuận gộp của Habeco ở mức 367 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế quý 1.2017 của Habeco đạt 135,6 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo bản thuyết minh báo cáo tài chính, khoản lợi nhuận này đến chủ yếu từ việc bán vỏ chai. Cụ thể, hoạt động bán vỏ chai, vỏ két bia đã mang về cho Habeco tới 31 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem