Nghiên cứu 14 năm, startup số hóa cho doanh nghiệp bị chê viển vông, cần "đập đi xây lại"

Nguyễn Thịnh
04/09/2024 15:24 GMT +7
Dù chia sẻ từng dành 14 năm để phát triển thương hiệu IMK nhưng nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Phạm Vũ Luyến vẫn bị "chê" khi lên Shark Tank gọi vốn.

Theo giới thiệu của nhà sáng lập, nền tảng của IMK tích hợp 6 hệ thống tự động bao gồm hệ thống website, mạng xã hội mini, hệ thống chat, hệ thống Marketing, hệ thống Bán hàng và hệ thống kết hợp giữa CRM với ERM. 

Bên cạnh đó, IMK cũng cung cấp thêm những dịch vụ khác như marketing tổng thể, tên miền, hosting, máy chủ, email, vv…, dịch vụ cho thuê các hạ tầng quảng cáo, dịch vụ liên quan đến đào tạo về công nghệ, về marketing online và offline.

Giải thích thắc mắc của Shark Minh Beta về việc không tìm thấy thương hiệu IMK trên nền tảng tìm kiếm, Phạm Vũ Luyến tiết lộ, IMK mới chính thức khai trương vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, anh đã dành thời gian 14 năm để phát triển công ty theo hai hình thức là xây dựng thương hiệu cá nhân của anh Luyến chuyên về đào tạo và nghiên cứu phát triển nền tảng công nghệ marketing tự động. Riêng với giải pháp của IMK, Phạm Vũ Luyến đã mất 5 năm phát triển với đội ngũ nhân sự công ty là 4 người.

Nghiên cứu 14 năm, startup số hóa cho doanh nghiệp bị chê viển vông, cần "đập đi xây lại" - Ảnh 1.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Phạm Vũ Luyến bị nhận xét cho phần định hướng phát triển là viển vông.

Sau khi khai trương, doanh thu tháng 6/2024 của IMK là 317 triệu đồng đến từ 7 khách hàng, lợi nhuận đạt 63% với con số 201 triệu đồng. Anh Luyến cho biết thêm, mục tiêu doanh thu của IMK trong năm 2024 là 9 tỷ đồng, lợi nhuận tối thiểu 60%.

Ước tính dung lượng thị trường về số hóa tổng thể tại Việt Nam đạt từ 3 – 4 tỷ USD, kỳ vọng của IMK là chiếm được 30 – 35% thị phần trong vòng 5 năm tới.

Thuyết phục các Shark đầu tư 10 tỷ cho 12% cổ phần, Phạm Vũ Luyến tự tin cho biết mảng số hóa hiện đang là “con đường sống còn” cho cả các doanh nghiệp SMEs cũng như các doanh nghiệp lớn.

Nhà sáng lập IMK cũng cho biết thêm, chính vì đi đào tạo nên anh mới nhìn thấy insight khách hàng. Do đó, anh mới dành thời gian 5 năm để phát triển hệ thống IMK. Với hệ thống này, IMK sẽ hợp tác với vai trò là đại lý bán hàng của đối tác.

Sau một hồi tìm hiểu về IMK, Shark Hưng nhận định mô hình kinh doanh của startup không mới. Ông cũng đánh giá cách tiếp cận để đưa ra giải pháp marketing tổng thể tự động trên internet của startup rất “ngây thơ”: “Ngoài ra thì đầu tư công nghệ thì 1 tỷ trong năm năm, doanh thu mấy trăm triệu, định giá công ty lên đến khoảng chục tỷ, những cái này nó lại càng viển vông”.

Chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) thẳng thắn: “Tôi cũng là một shark công nghệ mà tôi vẫn chưa hiểu được cái bạn đang sell (bán) cho tôi nó là cái gì. Với một sản phẩm làm tôi cũng chưa hiểu được nên tôi sẽ chưa thể đầu tư”.

Shark Minh Beta thì phân tích rằng nhiều dữ kiện startup đưa ra không hợp lý. Shark Lê Mỹ Nga nhận xét, những giải pháp của IMK và nỗi đau của khách hàng không khớp với nha.

Trước sự tâm huyết của Phạm Vũ Luyến, Shark Thái đưa ra đề nghị sáp nhập IMK với doanh nghiệp công nghệ của ông, mỗi bên sẽ đầu tư thêm 10 tỷ, trong đó Phạm Vũ Luyến chiếm 51%, còn Shark Thái giữ 49% cổ phần.

Đề nghị này của Shark Thái được Shark Lê Mỹ Nga nhận xét là “đập đi xây lại”. Trong khi đó, Shark Thái lại cho rằng startup mới chỉ đơn thuần là gói gọn quy trình lại, còn sau này những tính năng sẵn có nào phù hợp thì có thể vẫn ứng dụng được cho doanh nghiệp mới.

Đứng trước chia sẻ của các Shark, Phạm Vũ Luyến bày tỏ: “Cảm ơn tất cả các shark đã cho em lời khuyên dành rất quý giá, cho dù là không dễ nghe nhưng mà em cũng đã nhận được lời khuyên của mình” và từ chối đề nghị hợp tác của Shark Thái, khép lại thương vụ gọi vốn chưa thành công.

Nguyễn Thịnh