Ngô sinh khối là gì mà TH true milk, Vinamilk ký kết với nông dân trồng hàng loạt?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 31/08/2020 11:22 AM (GMT+7)
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trồng ngô sinh khối là một nét mới và cũng là một hướng đi được nhiều địa phương ưu tiên trong vụ đông năm 2020.
Bình luận 0

Tại Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ đông năm 2020 các tỉnh phía Bắc, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn TH true milk, Vinamilk, T&T 159,... đã ký biên bản hợp tác với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều địa phương để phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc.

Ngô sinh khối là gì mà TH true milk, Vinamilk ký kết với nông dân trồng hàng loạt? - Ảnh 1.

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh chứng kiến lễ ký kết hợp tác trồng ngô sinh khối giữa Công ty CP Chăn nuôi thực phẩm TH và đại diện hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, trồng ngô sinh khối đang là một lựa chọn mới trong vụ đông của nhiều địa phương những năm gần đây.

"Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70%, còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn)" - ông Cường nêu một con số đáng chú ý.

Vì vậy, trong kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương có thế mạnh chăn nuôi đại gia súc liên kết với doanh nghiệp phát triển diện tích ngô sinh khối.

Theo đó, nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông 2020 vẫn là: ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây và rau đậu các loại. 

Trong đó, cây ngô, ngoài mục tiêu lấy hạt, ngô thực phẩm, tập trung phát triển mạnh ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc; nhóm rau có giá trị kinh tế cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống.

Trồng rải vụ đối với cây rau, mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu...  

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, lựa chọn phát triển ngô sinh khối là một hướng đi đúng, đảm bảo 3 lợi ích: Giúp đàn đại gia súc phát triển mạnh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và thúc đẩy mối liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất. 

Năm 2019, diện tích ngô sinh khối của tỉnh Hà Tĩnh đạt 1.013ha, năng suất bình quân 33 tấn/ha. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, vụ Đông năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh sẽ liên kết với trang trại bò sữa của Vinamilk, Công ty KC Hà Tĩnh,... phát triển ngô sinh khối.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, hiện nhu cầu sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho bò của các doanh nghiệp ngày càng lớn là điều kiện thuận lợi để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngô lấy thân lá.

"Chúng tôi chủ trương những vùng trồng ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho bò phải có hợp đồng thu mua với các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Sử dụng các giống ngô có sinh khối lớn, căn cứ vào hợp đồng thu mua và thời gian sinh trưởng của giống để lựa chọn thời gian gieo trồng thích hợp nhằm đảm bảo đúng tiến độ thu hoạch.

Các địa phương phối hợp với doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa và bò thịt, có kế hoạch phát triển diện tích ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh nhằm giải quyết phần nào thời vụ trong vụ Đông cũng như công lao động sau thu hoạch" - ông Hiếu nói.

Ngô sinh khối là gì mà TH true milk, Vinamilk ký kết với nông dân trồng hàng loạt? - Ảnh 2.

Mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng ngô sinh khối mang lại thu nhập cao cho nông dân nhiều địa phương. Ảnh: I.T

Để thúc đẩy phát triển vụ đông năm 2020, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ chức sản xuất, nông dân để cung cấp nguyên liệu đầu vào, quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm và chủ động thu mua cho nông dân.

Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển cây thức ăn thô để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tích tụ đủ lớn diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô sinh khối áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào trồng, chăm sóc, thu gom, bảo quản và chế biến thức ăn cho gia súc ăn cỏ.

Đánh giá về tiềm năng phát triển ngô sinh khối trong vụ đông năm 2020, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong chiến lược phát triển chăn nuôi của Việt Nam, chăn nuôi đại gia súc luôn được ưu tiên phát triển, sản phẩm sữa của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước. Dự báo, đàn bò sữa, đàn đại gia súc trong thời gian tới sẽ còn tăng, nhu cầu thức ăn thô xanh cho vật nuôi sẽ rất lớn.

"Việc liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi trồng ngô sinh khối là nét mới trong vụ đông năm 2020, mô hình này không chỉ giúp tạo thu nhập ổn định cho nông dân, còn hình thành mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, đưa sản phẩm của ngành trồng trọt trở thành đầu vào của ngành chăn nuôi. Nếu liên kết sản xuất tốt thì đây có thể là mô hình làm giàu cho nhiều nông dân" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Ngô sinh khối là giống ngô được trồng để lấy thân non phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc thu hoạch ngay từ khi cây chuẩn bị trổ cờ (hoa nở) giúp thời vụ của ngô sinh khối ngắn hơn đáng kể so với trồng ngô lấy hạt, qua đó, giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, thuận lợi cho việc bố trí thời vụ.

Tại xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), mô hình trồng ngô sinh khối được áp dụng từ năm 2016, Bình quân mỗi năm, các hộ có thể triển khai 2 - 3 vụ, sản lượng trung bình đạt 38 - 45 tấn/ha/vụ, doanh thu có thể đạt 75 - 80 triệu đồng/ha/năm.

Hiện tại, toàn xã Nam Trạch đang có tổng diện tích trồng ngô sinh khối đạt trên 100 ha, lớn nhất trong các địa phương triển khai mô hình trên địa bàn huyện Bố Trạch. 

Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 cho biết, công ty đã liên kết với nhiều địa phương trồng ngô sinh khối từ nhiều năm nay. Riêng 2 trang trại của công ty và đơn vị liên doanh đã cần đến 50.000 tấn ngô sinh khối, trị giá 500 tỷ đồng.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), việc đẩy mạnh phát triển ngô sinh khối không chỉ góp phần tận dụng quỹ đất lúa nhàn rỗi rất lớn trong vụ Đông tại các tỉnh phía Bắc mà còn có vai trò cực kỳ quan trọng trong định hướng tái cơ cấu, nhu cầu nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại trong ngành chăn nuôi.

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ thịt bò và các loài gia súc ăn cỏ tại nước ta cũng đang liên tục tăng nhanh theo xu hướng tiêu thụ thịt của thế giới. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã nhập khẩu khoảng trên 325.000 con bò (chủ yếu từ Úc) về để nuôi vỗ béo lấy thịt, với kim ngạch nhập khẩu trên 334 triệu USD.

Theo mục tiêu của tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đến năm 2025, nước ta sẽ cố gắng nâng tổng đàn trâu lên 2,4 triệu con, bò thịt 6,6 triệu con và khoảng 552.000 con bò sữa, chưa kể các loại gia súc ăn cỏ khác như dê, cừu... cũng đang tăng nhanh về tổng đàn.

Để đạt được những mục tiêu này, nhu cầu về thức ăn thô xanh phục vụ cho việc nâng tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Bởi hiện nay, theo Cục Chăn nuôi, cả nước mới chỉ có khoảng 172.000ha đất trồng cỏ, trong đó có khoảng 50.000ha ngô sinh khối.

Hiện nhu cầu thức ăn thô xanh đang chiếm tới trên 90% nhu cầu thức ăn của gia súc ăn cỏ. Mỗi con trâu, bò giai đoạn vỗ béo có thể có nhu cầu thức ăn thô xanh lên tới 40-50 kg/ngày. 

Với định hướng nâng cơ cấu thịt bò lên chiếm 10% tổng cơ cấu thịt xẻ vào năm 2020, ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234.000ha ngô sinh khối (trồng liên tục cả 3 vụ/năm) mới đủ phục vụ nhu cầu thức ăn thô xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem