Ngoại trừ Sabeco, hầu hết các công ty F&B đều bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận

Quốc Hải Thứ tư, ngày 01/02/2023 12:05 PM (GMT+7)
Ngoại trừ Sabeco (HoSE: SAB), hầu hết các công ty F&B (ngành hàng thực phẩm, đồ uống) đều bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận do chi phí sản xuất tăng, chi phí đóng gói và vận chuyển tăng. Hầu hết các thương hiệu F&B đều tăng giá bán lẻ khoảng 4-10% trong năm 2022 nhưng mức tăng không đủ bù đắp phần chi phí gia tăng.
Bình luận 0

Trong báo cáo cập nhật ngành thực phẩm và đồ uống vừa công bố, SSI Research nhận định, tăng trưởng doanh thu của ngành sẽ thấp trong nửa đầu năm 2023 do mức nền cơ sở cao được thiết lập trong nửa đầu năm 2022 và tâm lý người tiêu dùng yếu do lạm phát sẽ đạt đỉnh trong quý I/2023.

Mở cửa trở lại thúc đẩy tiêu dùng ngành thực phẩm và đồ uống 

Theo SSI Research, tại báo cáo chiến lược ngành thực phẩm và đồ uống hồi đầu năm 2022, đơn vị này đã dự báo mức tiêu thụ sẽ tiếp tục phục hồi sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn, nhưng có thể vẫn cần thêm thời gian để nhu cầu tiêu thụ quay trở lại mức trước Covid-19. 

Khi Việt Nam dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp chống dịch Covid vào cuối tháng 3 năm 2022, các hoạt động mua sắm của người tiêu dùng đã phục hồi. Cụ thể, doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng cao hai con số và điều này cũng được xác nhận bởi dữ liệu theo dõi xu hướng di chuyển của Google. 

Ngoại trừ Sabeco, hầu hết các công ty F&B đều bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận - Ảnh 1.

Việc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 đã thúc đẩy tiêu dùng ngành thực phẩm và đồ uống. Ảnh: IT

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, doanh số bán lẻ năm 2022 chỉ bằng 82,5% kết quả năm 2019, đã điều chỉnh theo lạm phát. Điều này hàm ý rằng tiêu dùng (mặc dù đã đạt đến mức được coi là phục hồi) vẫn chưa quay trở lại đà tăng trưởng mạnh như trước khi bùng phát đại dịch. 

"Lạm phát tăng cao và doanh thu từ hoạt động du lịch thấp (do thiếu khách du lịch Trung Quốc,…) là một trong những lý do khiến đà tăng trưởng chưa đạt được mức cao như giai đoạn trước covid", chuyên gia của SSI Research, nhận định.

Dữ liệu từ Kantar cũng cho thấy tăng trưởng tiêu dùng mặt hàng FMCG chủ yếu được thúc đẩy bởi giá bán trung bình cao hơn thay vì khối lượng tiêu thụ.

Đặc biệt, vào năm 2022, lĩnh vực bia đã phục hồi mạnh mẽ cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán so với mức cơ sở thấp của năm 2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội do Covid-19 trước đó đã tác động tiêu cực đến lượng bia tiêu thụ. 

Dữ liệu từ Kantar cho thấy ngành bia có mức tăng trưởng giá trị danh nghĩa là 106% so với cùng kỳ trong quý 1 đến quý 3 năm 2022, vượt trội so với các mặt hàng FMCG khác. Theo đó, các công ty dẫn đầu thị trường như Heineken và Sabeco ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 37% và 44% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, SSI Research cũng nhấn mạnh rằng, tiêu dùng ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2022 vẫn yếu hơn kì vọng do áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế.

Ngoại trừ Sabeco, hầu hết các công ty F&B đều bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận - Ảnh 3.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của các DN F&B. Nguồn: SSI Research

Theo khảo sát của Kantar vào tháng 5/2022, giá nhiên liệu và lương thực tăng cao đã trở thành mối lo ngại lớn nhất của các hộ gia đình. 

Áp lực lạm phát, lãi suất tăng, suy thoái kinh tế toàn cầu phủ bóng đen lên Việt Nam, khiến hoạt động xuất khẩu suy yếu, đơn hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử giảm, gây ra hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn lao động trong các cụm công nghiệp. 

Ngoại trừ Sabeco, hầu hết các công ty F&B đều bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận - Ảnh 4.

Định giá cổ phiếu F&B. Nguồn: SSI Research

Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường tài chính cũng như các vấn đề của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã gây áp lực lên thu nhập hộ gia đình. Các hộ gia đình đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và chuyển sang những hàng hóa có giá thấp hơn. 

"Trong năm 2022, hiệu ứng tích trữ hàng hóa đã không còn, thể hiện qua:

(1) tiêu thụ thực phẩm đóng gói và đồ dùng nấu ăn giảm sút;

(2) sự chậm lại trong đà phát triển của kênh thương mại hiện đại, vốn đã được hưởng lợi đáng kể từ việc đóng cửa chợ truyền thống trong thời gian triển khai các biện pháp giãn cách xã hội", theo SSI Research.

Trước ảnh hưởng của các yếu tố trên, trong năm 2022, ngoại trừ SAB, hầu hết các công ty F&B đều bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận do chi phí sản xuất, bao gồm giá nguyên vật liệu và giá dầu thô tăng (dẫn đến chi phí đóng gói và vận chuyển tăng). 

Hầu hết các thương hiệu F&B đều tăng giá bán lẻ khoảng 4~10% trong năm 2022 nhưng mức tăng không đủ bù đắp hoàn toàn phần chi phí gia tăng.

"Giá hàng hóa, chẳng hạn như dầu ăn, bột sữa, ngô và đậu tương, đã điều chỉnh 7~41% so với mức đỉnh thiết lập trước đó vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn khoảng 12~72% so với mức trung bình giai đoạn 2019~2021. Cần vài tháng/quý để hàng tồn kho chi phí cao được xử lý hoàn toàn, nên tỷ suất lợi nhuận sẽ cải thiện từ quý 4 năm 2022 là sớm nhất", chuyên gia của SSI Research dự báo.

Triển vọng nào cho ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2023?

Về triển vọng cho ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2023, theo SSI Research, áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. 

"Lạm phát năm 2023 có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ dừng hỗ trợ giá xăng dầu và tăng các chi phí như điện, lương tối thiểu, y tế,…. Nhóm phân tích vĩ mô và ngành ngân hàng của chúng tôi dự báo lãi suất sẽ bắt đầu điều chỉnh từ nửa cuối năm 2023 nhưng chỉ điều chỉnh nhẹ (dưới 100 bp). 

Khi những thách thức từ các yếu tố vĩ mô xuất hiện, bao gồm lãi suất cho vay cao, lạm phát gia tăng và thị trường lao động không mấy khả quan, chúng tôi không kỳ vọng mức tiêu dùng sẽ cao", chuyên gia của SSI Research dự báo.

Ngoại trừ Sabeco, hầu hết các công ty F&B đều bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận - Ảnh 6.

Ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2023 sẽ chịu nhiều áp lực bởi lạm phát. Ảnh: VNM

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ suy giảm trong nửa đầu năm 2023, do lượng hàng tồn kho cao kỷ lục ở Mỹ và suy thoái kinh tế ở châu Âu, trong khi Trung Quốc có thể sẽ trở lại là đối thủ cạnh tranh chính ở các thị trường xuất khẩu chính. 

Do đó, chuyên gia của SSI Research cho rằng nhóm thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. 

"Chúng tôi dự báo du lịch sẽ phục hồi từ quý II năm 2023 do Trung Quốc mở cửa trở lại, tuy nhiên, điều này có thể sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn tình trạng trì trệ của tiêu dùng nội địa. Do đó, tăng trưởng doanh thu của các công ty F&B trong năm 2023 sẽ không cao khi xu hướng cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp diễn", chuyên gia của SSI Research dự báo.

Vì vậy, việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp, theo SSI Research, là phương án giúp các DN trong ngành tăng trưởng lợi nhuận ròng.

"Việc điều chỉnh giá hàng hóa (đặc biệt là giá dầu) nhiều khả năng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất. Mức độ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ khác nhau giữa các công ty, nhưng chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận ròng", nhóm phân tích kết luận.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem