Ngôi làng đặc biệt nơi ngã 3 biên giới

Trần Hiền Thứ năm, ngày 03/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Do nhiều năm lưu lạc ở các nước trên ngã 3 vùng biên giới, người Brâu bị hạn chế nhiều chế độ, chính sách, pháp lý… Nhưng năm nay, họ đã được nhập quốc tịch Việt Nam, ổn định chỗ ở, phát triển kinh tế và dần thoát nghèo tại thôn Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).
Bình luận 0

"Làng 3 nước"

Ngã 3 biên giới là vị trí tiếp giáp nhau của 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Cột mốc chung 3 nước được xây dựng trên quả đồi cao 1.086m hình tam giác, trên mỗi mặt đều khắc Quốc huy và tên nước. Đây cũng là nơi duy nhất ở Tây Nguyên mà khi thức dậy đón bình minh chúng ta có thể cùng lúc "một tiếng gà gáy cả 3 nước cùng nghe thấy".

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp về thăm thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, nơi có hàng chục bà con người Brâu sinh sống. Những năm về trước, người Brâu thường cư trú trên địa bàn Đông Nam nước Lào, Đông Bắc nước Campuchia và một phần ít ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y. Trải qua bao cuộc "chiến loạn", người Brâu đã về tập trung sống thôn Đăk Mế nên người dân thường nói thôn Đăk Mế là làng 3 nước.

Ngôi làng đặc biệt nơi ngã 3 biên giới - Ảnh 1.

Người Brâu đã về tập trung sống ở thôn Đăk Mế nên người dân thường nói thôn Đăk Mế là làng 3 nước. Ảnh: P.V

Tộc người Brâu là tộc người ít người, họ sống rải rác ở vùng tam biên (Việt Nam, Lào, Campuchia). Được biết, tại thôn Đăk Mế có 165 hộ người Brâu, với 570 khẩu, sống chung với một số người đồng bào khác như Xê Đăng, Ba Na.

Tộc người Brâu là tộc người ít dân số, họ sống rải rác ở vùng tam biên (Việt Nam, Lào, Campuchia). Được biết, tại thôn Đăk Mế có 165 hộ người Brâu, với 570 khẩu, sống chung với một số người đồng bào khác như Xê Đăng, Ba Na.

Tết Canh Tý, hàng chục hộ dân có thể tự hào là người Việt Nam khi đã nhập quốc tịch và được đón Tết cổ truyền của dân tộc trên ngã 3 biên giới. Cũng bởi vậy mà khắp đường làng ngõ xóm của thôn Đăk Mế đều phấp phới màu đỏ của lá cờ Tổ quốc. Hòa chung với màu lá cờ đỏ là những sắc hoa 2 bên đường tạo thành một bức tranh muôn màu trên ngã 3 biên giới.

Chúng tôi, dừng chân tại ngôi nhà của ông Thao La (54 tuổi, thôn Đăk Mế, xã Bờ Y) một trong những người Brâu đầu tiên đặt chân đến thôn Đăk Mế này. Vừa đặt chân vào nhà ông Thao La, chúng tôi đã cảm nhận được mùi men rừng của những ghè rượu nếp cẩm. Vợ ông Thao La cũng đang nấu những nồi xôi cổ truyền để khách đến chơi nhà có thể dùng bữa.

Ngôi làng đặc biệt nơi ngã 3 biên giới - Ảnh 3.

Ngôi làng đặc biệt nơi ngã 3 biên giới - Ảnh 4.

Vợ chồng ông Thao La đã an cư, lạc nghiệp trên vùng đất mới, có của ăn của để. Ảnh: P.V

"Nhiều năm chờ đợi, cuối cùng tôi cũng được là công dân Việt Nam rồi. Giờ đây ốm đau đến bệnh viện đã có bảo hiểm. Cũng không bị gọi là người xâm cư nữa. Tôi tự hào lắm. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo".

Chị Y Chồi (SN 1983, trú thôn Dục Lang, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei)

Nhâm nhi chén rượu cần mới ủ, ông Thao La kể lại: "Mẹ tôi là người gốc Campuchia và bố là người Lào. Tôi được sinh ra và lớn lên tại thôn Đăk Mít (huyện Ta Veaeng Leu, Ratanakiri, Campuchia). Nhưng rồi chiến tranh, cháy làng, nạn diệt chủng Pol Pot buộc làng của tôi phải chia nhau đi sống tại các vùng trên khu vực biên giới 3 nước. Năm 1975, khi mà Pol Pot hoạt động mạnh ở Campuchia cũng là lúc người Brâu di tản mạnh nhất. Lúc ấy, bộ đội tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã tạo mọi điều kiện cho nhân dân tạm cư, lánh nạn. Cũng từ đó, bà con Brâu đã lập làng, phát làm nương rẫy, ổn định và hình thành nên thôn Đăk Mế (xã Bờ Y) lúc bấy giờ".

Niềm vui khi được nhập tịch Việt Nam

Dù đã sinh sống ở Việt Nam nhiều năm, nhưng năm nay họ mới có được niềm vui trọn vẹn hơn khi có hàng chục công dân Lào thuộc 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei được nhận quyết định nhập quốc tịch Việt Nam. Lần đầu tiên họ đón một cái Tết cổ truyền với tư cách công dân Việt Nam. Nhiều năm qua, dù đã sống như người Việt Nam nhưng những người Lào vẫn bị gọi là người di cư tự do. Bà con còn bị hạn chế nhiều chế độ, chính sách, kết hôn ngoài giá thú, không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân… Việc họ việc được nhập tịch Việt Nam là một niềm vui lớn nhất. Niềm vui ấy càng có ý nghĩa hơn khi các thế hệ con cháu sau này chính thức được hưởng các chính sách của nước Việt Nam, được khai sinh, đến trường và khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Ngôi làng đặc biệt nơi ngã 3 biên giới - Ảnh 6.

Gia đình chị Y Nheng đã được nhập quốc tịch Việt Nam và sống ổn định trên vùng biên giới

Khi được hỏi về việc được nhập quốc tịch Việt Nam, Y Nheng (thôn Đăk Mế) lộ rõ vẻ vui mừng, phấn khởi nói: "Nhiều năm qua, người ta vẫn gọi mình là người Lào dù mình sống ở đây cũng lâu rồi. Những năm vừa qua mình sống và sinh hoạt như người Việt Nam. Nhưng mình không có quốc tịch, không có chứng minh thư, hộ khẩu. Năm nay, nhờ ơn Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, làm giấy tờ cho mình, rồi mình được nhập tịch, mình vui lắm.".

Cùng hòa chung niềm hân hoan khi được nhập tịch Việt Nam, chị Y Chồi (SN 1983, trú thôn Dục Lang, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) cho biết: "Nhiều năm chờ đợi cuối cùng tôi cũng được là công dân Việt Nam rồi. Giờ đây ốm đau đến bệnh viện đã có bảo hiểm. Tôi tự hào lắm. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo".

Từ khi chính quyền địa phương định cư tập trung tại thôn Đăk Mế nơi này được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế văn hóa, xã hội. So với làng Đăk Mế xưa kia, thôn Đăk Mế bây giờ đã có nhiều đổi mới và tiến bộ, ngày càng khang trang. Được biết, cả thôn nay chỉ còn 14 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Mỗi nhà ít nhất cũng có 3 đến 5 sào ruộng để làm lúa nước… Năm nay là mùa xuân đặc biệt, khi ngôi làng 3 nước đã an cư, lạc nghiệp trên vùng đất mới. Những thế hệ bà con đồng bào Brâu được vui đón tết và cuộc sống sinh sôi, nảy nở như bông hoa Pơ Lang "sắc xuân" trên đại ngàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem