Ngôi làng tại Anh tự cách ly ngăn dịch hạch vào thế kỷ 17

Đỗ Hoàng (theo Historycollection) Thứ bảy, ngày 29/02/2020 08:31 AM (GMT+7)
Khi sự thống khổ trong làng tăng lên, một số người bắt đầu lo lắng điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh dịch từ Eyam lan ra những nơi khác. Mối quan tâm này đã khiến người dân Eyam có một bước đi dũng cảm chưa từng có trong lịch sử của một ngôi làng nhỏ bé…
Bình luận 0

Làng Eyam xinh đẹp nép mình trên những ngọn đồi Quận Derbyshire nước Anh từng nổi tiếng với nghề làm nông và khai thác chì. Ngày nay, Eyam chỉ còn là nơi sinh sống của khoảng 900 cư dân, mỗi ngày họ phải di chuyển đến các thành phố Manchester và Sheffield gần đó để làm việc. Dù khoảng cách xa xôi, những người dân này vẫn luôn gắn bó với ngôi làng của mình. Vì Eyam vẫn còn duy trì vẻ đẹp tinh túy hệt như hình ảnh trên những tấm bưu thiếp thơ mộng. Những ngôi nhà cổ kính, những trang viên cũ xưa và những nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 17 cũng là điểm hấp dẫn hàng ngàn du khách đến thăm quan ngôi làng. Tuy nhiên, đây không phải là điều duy nhất thu hút người ta về Eyam.

img

Trận Đại dịch hạch tại London, năm 1665. (Ảnh: Internet).

Cách trung tâm Eyam khoảng nửa dặm là nơi lưu giữ một chứng tích đặc biệt của lịch sử: một bức tường thành được xây từ những viên đá gồ ghề xen kẽ bởi những lỗ hổng bị bào mòn theo thời gian. Bức tường là minh chứng cho một bi kịch cũng đồng thời là một khúc khải hoàn trong quá khứ Eyam. Vào năm 1666, dân làng Eyam đã đưa ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử: ngôi làng tự cô lập mình khỏi những khu vực còn lại của Quận Derbyshire trong đợt bùng phát cuối cùng của trận đại dịch hạch ở Anh. Hành động này đã tàn phá khu dân cư của chính họ, nhưng đồng thời ngôi làng dũng cảm đã ngăn chặn thành công cơn đại dịch cho nước Anh.

Đại dịch hạch năm 1665

Năm 1665, bệnh dịch hạch lại một lần nữa tấn công vào lục địa Anh. Một số nhà sử học tin rằng mầm bệnh thật ra đã được ủ từ những tháng mùa đông cuối năm 1664. Và khi mùa đông qua đi, bệnh dịch lan rộng một cách nghiêm trọng. Nơi đầu tiên nó gieo tai họa là một vùng ngoại ô nghèo của London, quận St. Giles. Từ đó, trận dịch hạch nhanh chóng lan ra các khu vực đông đúc, nghèo nàn khác của thành phố: Quận Stepney, Shoreditch, Clerkenwell, Cripplegate và cuối cùng là Westminster.

Dịch hạch mất từ 4 đến 6 ngày để ủ bệnh, đến khi các triệu chứng của nó xuất hiện thì đã quá muộn. Nạn nhân bị sốt cao và nôn mửa, cơn đau dữ dội khiến tay chân họ quằn quại. Các mụn hạch hình thành trong các tuyến bạch huyết, và có thể phình to bằng kích thước của một quả trứng trước khi bị vỡ ra.

Những ngôi nhà nhiễm bệnh đã bị niêm phong, những cánh cửa được đánh dấu bằng chữ thập đỏ hoặc trắng với dòng chữ: “Lạy Chúa, xin hãy thương xót chúng con”. Đường phố ban ngày im ắng một cách đáng sợ. Tuy nhiên, vào ban đêm lại hoạt động liên tục khi các xác chết được thu gom lên những xe đẩy đến các hố xử lý dịch hạch lớn được đào trong thành phố.

Mọi người đều tin rằng bệnh dịch hạch phát tán trong không khí, có thể vì một trong những dấu hiệu đầu tiên của sự truyền nhiễm là các nạn nhân thường ngửi thấy một mùi hương tanh tưởi, bệnh hoạn. Tuy nhiên, mùi hương này không phải là mùi hương của bệnh dịch trong không khí mà chính là mùi của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể họ đang thối rữa. Mọi người bắt đầu cầm theo những bông hoa và giữ chặt trên mũi để không phải ngửi thấy thứ mùi khó chịu ngập ngụa trong không khí.

Hình ảnh này đã được đưa vào một bài hát thiếu nhi nổi tiếng viết về trận đại dịch hạch “Ring a Ring of Roses” (Tạm dịch: Xâu một vòng hoa hồng).

img

Bài hát thiếu nhi Ring a Ring a Roses của tác giả Kate Greenaway. 1881. Public Domain.

Khi quy mô của bệnh dịch trở nên rõ ràng, bất cứ ai có khả năng rời khỏi London đều đã làm như vậy. Đến đầu mùa hè năm 1665, Nhà vua, tòa án và nghị viện của ông ấy đã tẩu thoát, bỏ lại phía sau những công dân không đủ khả năng từ bỏ nhà cửa và kế sinh nhai của họ. Những kẻ may mắn kia đã không quay trở lại thành phố cho đến tháng 2 năm 1666 khi bệnh dịch bắt đầu lắng xuống. Theo thống kê từ giữa năm 1665 đến năm 1666, trong số 460.000 người bị bỏ lại, có khoảng 68.596 cho đến tối đa 100.000 người chết tại London vì bệnh dịch.

Mặc dù mọi người đều nhớ đến thảm họa này là trận đại dịch tại London, tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng đến những khu vực khác. Những bến cảng như Southampton đã bị mắc kẹt và dần dần vận hành lại bởi các hoạt động thương mại và những người chạy trốn khỏi các khu vực truyền nhiễm. Bệnh dịch đã tiến về phía bắc. Nó đi qua và lây lan khắp khu vực miền trung và sau đó ôm lấy phía đông bắc nước Anh, đến các thành phố Newcastle và York. Vùng nông thôn Derbyshire và phía tây bắc lại tương đối an toàn cho đến tháng 8 năm 1665, bệnh dịch hạch đã đến Eyam.

img

Ngôi nhà của gia đình Hawksworth, nạn nhân đầu tiên của bệnh dịch hạch 1665-1666 ở Eyam. Ảnh: Dave Pope. Wikimedia Commons. Public Domain.

Bệnh dịch hạch ở Eyam

Vào mùa hè năm 1665, Eyam là một ngôi làng thịnh vượng, cách 6 dặm về phía bắc của thị trấn Bakewell ở Derbyshire. Đây là nơi sinh sống của khoảng 344 dân làng, những người kiếm sống bằng nghề nông và khai thác chì, hình thành nên khu dân cư giàu có. Eyam không có gì đặc biệt so với bất kỳ ngôi làng nào khác trong khu vực. Cho đến tháng 8 năm 1665, tất cả đã thay đổi. Vì bất chấp nguy hiểm, một thợ may địa phương, Alexander Hadfield đã dại dột gửi trợ lý của mình, George Vickers đến London để lấy mẫu vải. Và khi Vickers trở lại, anh ta mang về nhiều hơn là những tấm vải.

Chiếc hộp đựng vải mà Vickers đem về từ London chứa những con bọ chét mang bệnh dịch hạch. Nạn nhân đầu tiên của ngôi làng vào ngày 3 tháng 9 năm 1665, chính là Vickers, tiếp theo là những người khác trong gia đình anh ấy. Trong ba tuần đầu tiên bệnh dịch hạch trú ngụ ở Eyam, nó đã cướp đi sinh mạng của 6 cư dân. Đến cuối năm, 42 dân làng đã chết. Sau đó, bệnh dịch dường như ngừng lây lan một cách khó hiểu. Người dân Eyam đặt câu hỏi liệu mọi chuyện có phải đã dừng hẳn. Tuy nhiên, khi mùa đông đi qua, đầu năm 1666, bệnh dịch đã tự hồi sinh. Vào tháng 5, có hai người chết. Khi tháng 6 bắt đầu, Eyam đã ở trong một trận đại dịch toàn diện.

Dân làng đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn bệnh dịch. Họ đốt cháy hương thảo và đeo mặt nạ nhồi các loại thảo mộc. Cửa ra vào và cửa sổ được giữ kín để các bào tử dịch hạch không thể xâm nhập và lửa được thắp khắp đường làng để đẩy chúng đi. Khi họ nhận ra rằng khói và thảo mộc hầu như không có hiệu quả thì một số người thậm chí đã chui xuống cống, với hy vọng rằng nếu hương thơm không có tác dụng thì mùi hôi sẽ xua đuổi được căn bệnh. Tuy nhiên, tất cả đều vô vọng.

img

Cái chết của người thợ may. Tranh từ Nhà thờ St Lawrence, Ey-am. (Ảnh: Internet).

Khi bệnh dịch bùng phát, số người chết bắt đầu tăng lên, tất cả những người có khả năng đã rời khỏi ngôi làng. Cha sứ địa phương, William Mompesson đã gửi những đứa con của mình đến Sheffield, dù vợ ông, Elizabeth, chọn ở lại với ông và sau đó đã mất mạng vì những cơn đau. Không chỉ những nhà quý tộc mới bỏ rơi Eyam, gia đình của một thương nhân, Sheldon, cũng rời làng.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người không sẵn sàng mạo hiểm từ bỏ sinh kế của họ và vì thế đã ở lại. Khi sự thống khổ trong làng tăng lên, một số người bắt đầu lo lắng điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh dịch từ Eyam lan ra những nơi khác. Mối quan tâm này đã khiến người dân Eyam có một bước đi dũng cảm chưa từng có trong lịch sử của một ngôi làng nhỏ bé.

img

Nhà thờ Giáo xứ Eyam. (Ảnh: Dave Papa. Wikimedia Commons, Public Domain).

Sự cách ly của làng Eyam

Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch hạch đến các thị trấn và làng mạc khác, Eyam quyết định tự cách ly mình. Hai người đàn ông đã chịu trách nhiệm giúp dân làng đưa ra quyết định quan trọng này. Một người là cha xứ Anh giáo của Eyam, William Mompesson. Người còn lại là Thomas Stanley, cựu mục sư. Stanley đã bị thay thế vào năm 1660 bởi người tiền nhiệm của Mompesson, vì quan điểm Thanh giáo của ông. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục sống ở Eyam. Trong khi quan điểm của Stanley và Mompesson về đức tin Kitô giáo của họ khác nhau, họ lại đồng lòng trong việc ngăn chặn bệnh dịch.

Mompesson và Stanley đã lệnh cho dân làng xây dựng một bức tường bằng đá cách ngôi làng nửa dặm. Không ai từ bên trong Eyam, kể cả những người không có triệu chứng bệnh, được phép vượt qua ranh giới của bức tường cho đến khi ngôi làng không còn bệnh dịch. Để đảm bảo người dân không bị chết đói, họ đã thỏa thuận với Bá tước Devonshire và những thương nhân địa phương trong các thị trấn gần đó để lại hàng hóa và thuốc dọc theo ranh giới phía nam của Eyam. Đổi lại, dân làng trả tiền bằng các đồng xu được khử trùng trong giấm để trong các hốc tường đá.

Stanley và Monpesson đã thành công trong việc thuyết phục dân làng giám sát khu vực cách ly. Trong thời gian Eyam tự phong bế, chỉ có hai người cố gắng rời khỏi làng. Trong đó, một phụ nữ đã thoát khỏi khu vực cách ly để tham gia một phiên chợ tại thị trấn Tideswell cách đó 5 dặm. Tuy nhiên, khi cô đến nơi, mọi người nhận ra cô là cư dân của Eyam, họ ném thức ăn và bùn vào người cô và đuổi cô đi trong tiếng thét: “Đồ bệnh dịch, Đồ bệnh dịch”. Có lẽ dân làng Eyam đã không rời đi vì họ biết rằng không có nơi tôn nghiêm dành cho họ trong thế giới bên ngoài bức tường.

img

Đôi tình nhân bị chia cách. Tranh từ Nhà thờ St Lawrence, Eyam. (Ảnh: Internet).

Trong suốt mùa hè năm 1666, điều kiện ở Eyam bắt đầu tệ đi. Đến đầu tháng 8, cái chết diễn ra hàng ngày. Càng nhiều dân làng chết, mọi thứ càng bị lơ là. Nhiều nơi bị bỏ hoang và không ai sửa chữa. Khi người thợ khắc bia đá chết, dân làng phải tự khắc bia mộ cho họ và phải chôn cất chính mình. Một người vợ nông dân, Elizabeth Hancock đã chôn cất chồng và tất cả sáu đứa con của mình trong vòng 8 ngày. Cô buộc phải quấn chúng trong những tấm vải liệm, kéo chúng qua đường và chôn trên những cánh đồng quanh ngôi làng trong khu vực mà ngày nay được gọi là Nghĩa trang Riley.

Cái chết cuối cùng ở Eyam là vào ngày 1 tháng 11 năm 1666. Đến thời điểm đó, trong số 344 dân làng, 260 người đã chết. Nhà cửa của những người ra đi vẫn còn ở lại, ngày hôm nay được nhớ đến với cái tên “Những ngôi nhà Dịch hạch”. Mỗi nhà được gắn một tấm bảng màu xanh liệt kê tên các thành viên trong gia đình bị mất vì bệnh dịch.

Ngoại trừ Reverend Monpesson, người sau đó đã rời khỏi làng vào năm 1669, những người sống sót còn lại, họ vẫn tiếp tục cuộc sống của mình tại Eyam. Dân làng Eyam đã đạt được mục tiêu của mình. Nhờ sự hy sinh của Eyam, đại dịch hạch đã không lan rộng thêm ở Derbyshire.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem