Ngổn ngang “khu đất vàng” bị đề nghị thu hồi tại Hà Nội

Phạm Hưng Thứ bảy, ngày 18/04/2020 14:00 PM (GMT+7)
Gần 4 năm sau khi có kết luận yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, “khu đất vàng” tại ngã 4 Lý Thường Kiệt – Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa được thu hồi và sử dụng đúng mục đích.
Bình luận 0

img

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2222/2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật đối với quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Theo đó, Thanh tra Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và UBND TP. Hà Nội xử lý các sai phạm liên quan đến việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam góp vốn kinh doanh ngoài ngành, bằng quyền cho thuê đất và tải sản đối với lô đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

img

Tòa nhà nằm tại “khu đất vàng” có diện tích gần 1.000 m2 luôn trong tình trạng đóng cửa. Ngay phía trước sảnh, vỉa hè xuất hiện những mảng gạch nền bong, sụt lún, có dấu hiệu của sự hoang phế, xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị.

img

Trước đây 2 thửa đất này được Nhà nước cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thuê và thời hạn thuê đất đã hết từ năm 1996. Tuy nhiên theo kết luận số 2222/KL-TTCP ngày 28/8/2016 của Thanh tra chính phủ, mặc dù đã hết thời hạn cho thuê đất nhưng Tổng công ty đường sắt Việt Nam vẫn góp vốn quyền sử dụng đất lô đất 80 Lý Thường Kiệt để hợp tác kinh doanh với Tổng công ty du lịch Sài Gòn. Cụ thể, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương, quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.

img

Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thu hồi tài sản về cho Nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Tài chính lập phương án sử dụng hai lô đất trên đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

img

Theo chia sẻ của người dân sống gần đây, trước kia khoảng năm 2016 -2017 tòa nhà tọa lạc trên "khu đất vàng" vẫn được sử dụng để cho thuê. Sau đó, người thuê nhận được thông báo là phải chấm dứt hợp đồng vì tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, phải được đập bỏ để xây lại. Do vậy, các đơn vị thuê đã chuyển ra ngoài. Hiện trong tòa nhà chỉ còn lại bảo vệ trong coi.

img

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam thực hiện kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất đối với hai lô đất trên.

img

“Trong đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam phải làm rõ việc quản lý nợ phải thu, quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

img

Trên thực tế, đa số sai phạm Thanh tra Chính phủ nêu trên diễn ra trong giai đoạn từ năm 2003-2009, do có nhiều lãnh đạo của Tổng Công ty đường sắt đã nghỉ hưu nên việc xử lý cần rất nhiều thời gian.

img

Lô đất vàng 22 Phan Bội Châu nằm sát bên cạnh trước đây làm bãi để xe cho khách sạn cũng trong tình trạng đóng cửa, không sử dụng.

img

Sau 4 năm có kết luận của Thanh tra Chính phủ, "khu đất vàng" tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu vẫn chưa được thu hồi về cho Nhà nước, trong khi cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra vi phạm cũng chưa bị xử lý trách nhiệm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem