Ngổn ngang nỗi lo an toàn thực phẩm cuối năm

Hồng Phúc (Thế Giới Tiếp Thị) Chủ nhật, ngày 22/11/2020 15:04 PM (GMT+7)
An toàn thực phẩm (ATTP) đang là tiêu điểm được nhiều giới quan tâm khi nhu cầu thực phẩm tăng vọt vào dịp cuối năm.
Bình luận 0

Vụ ngộ độc liên quan pate Minh Chay đã xảy ra cách đây 3 tháng, nhưng bà Ánh Hồng (Q.3, TP.HCM) vẫn chưa yên tâm chọn các loại thực phẩm chay đóng hộp. "Đồng nghiệp ở cơ quan đã chào hàng bánh mứt, đặc sản nhà làm nhưng tôi chưa dám đặt", bà Hồng nói.

Bà Vân, chủ nhà hàng L.C tại Phú Nhuận xác nhận, người tiêu dùng rất quan tâm an toàn thực phẩm. Ngoài nhà hàng, bà Vân còn có một thương hiệu pate riêng. Đang được người tiêu dùng đón nhận rất tốt, nhưng sau vụ pate Minh Chay, doanh thu của thương hiệu pate riêng của bà Vân giảm nặng nề. 

Theo bà Vân, nhà sản xuất cần minh bạch, quan tâm sức khỏe của người tiêu dùng, mới tạo được niềm tin và có được khách hàng gắn bó lâu dài. "Chúng tôi hiện nay đã chuẩn bị hàng cho dịp Tết, bên cạnh mẫu mã quà tặng phải đẹp, luôn ý thức vấn đề an toàn thực phẩm", bà Vân chia sẻ.

Ngổn ngang nỗi lo an toàn thực phẩm cuối năm - Ảnh 1.

Buôn bán thức ăn đường phố là nguồn sống của người nghèo nhưng tiềm ẩn nhiều nỗi lo về an toàn thực phẩm. Ảnh: H.P

Để các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường đảm bảo vệ sinh, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, Sở đang đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại với các địa phương để tạo nguồn hàng nông sản, thực phẩm sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap nhằm đạt chuẩn ATTP khi cung cấp cho người tiêu dùng. 

Theo ông Tú, hiện đã có 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường của TP.HCM đầu tư xây dựng 47 nhà máy, 63 trang trại nuôi trồng nông sản thực phẩm tại các địa phương, nhằm mục đích cung cấp cho người dân những loại thực phẩm sạch bền vững.

Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, tính từ cuối năm 2016 đến tháng 9/2020, Ban đã kiểm tra gần 18.000 cơ sở, phát hiện 2.022 cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP, xử lý 2.007 cơ sở, phạt tiền hơn 27 tỷ đồng. 

Bà Lan cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập như: nguồn thực phẩm đầu vào chưa được kiểm soát hết nguồn gốc, nhiều cơ sở chưa tuân thủ quy định vệ sinh nơi sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.

"Nguy cơ mất vệ sinh ATTP vẫn còn tiềm ẩn, nhất là trong điều kiện mưa gió thất thường như hiện nay. Đặc biệt, cuối năm vốn là thời điểm thị trường tấp nập nhất lại càng nguy cơ cao", bà Lan nhận định. 

Ngổn ngang nỗi lo an toàn thực phẩm cuối năm - Ảnh 2.

Ban ATTP TP.HCM đồng loạt kiểm tra các sạp bán rau củ ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Cũng theo bà Lan, để đảm bảo ATTP, ngoài tăng cường khâu giám sát của cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất kinh doanh cần nâng cao nhận thức về tác hại của thực phẩm bẩn, người tiêu dùng cần loại bỏ, không sử dụng thực phẩm không ôi thiu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Để giải quyết vấn đề vệ sinh ATTP, chuyên gia về thực phẩm Vũ Thế Thành nhận định, các cơ quan chức năng cần phối hợp nhiều hơn trong việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến và cảnh báo sớm đến người tiêu dùng khi có vấn đề xảy ra. 

"Cơ quan chức năng cần hướng dẫn doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp phải minh bạch, có thủ tục lưu hồ sơ sản phẩm vì nguy cơ vẫn còn nằm trong dây chuyền sản xuất", ông Thành nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem