Ngư dân vẫn chưa được vay tiền đóng tàu sắt

Thứ tư, ngày 06/08/2014 07:01 AM (GMT+7)
Hiện đã có 150 ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ sắt, tàu vỏ gỗ lớn. Nhiều ngư dân cho biết họ đã nộp đơn đăng ký gần một tháng nay nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì và mong muốn có vốn sớm để đóng tàu làm ăn.
Bình luận 0
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, một ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vào ngày 10.6 vừa qua tàu của ông đang đánh cá đang trên vùng biển Hoàng Sa thì bị chập điện cháy bất ngờ, được tàu hải quân cứu và lai dắt về bờ và hiện ông không còn phương tiện nào làm ăn.

 img

Để vươn khơi, ngư dân cần sớm được vay tiền đóng tàu sắt và cải hoán đội tàu gỗ. Ảnh H H 

Ông Thanh cho biết nghe nói Chính phủ có chính sách cho ngư dân vay vốn đóng tàu sắt, gia đình đã làm đơn đăng ký với chính quyền địa phương để vay vốn để đóng tàu vỏ sắt trị giá khoảng 6-7 tỉ đồng.

“Nghe nói cho vay vốn, mình cũng đăng ký nhưng chờ gần cả tháng nay có thấy gì đâu!”, ông Thanh nói.  

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng nay (5.8), ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã có 150 ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu sắt để vươn khơi bám biển.

“Chính sách cho vay vốn về cơ bản đã có, để thực hiện cụ thể cho dân được vay vốn thì phải có thêm một loạt các thông tư hướng dẫn nữa. Thủ tướng đã giao các bộ ngành tổ chức thực hiện, mỗi bộ được giao lại có thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa chính sách nhưng cho đến giờ vẫn chưa có một thông tư hướng dẫn nào nên trong thực tế chưa triển khai được gì”, ông Hoàng nói.

Chiều ngày 9.6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách năm 2013, trong đó Quốc hội đã quyết định chi 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư.

Sau đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông báo sẽ dành khoản tín dụng 3.000 tỉ đồng cho ngư dân vay để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Cụ thể, khoản vốn này dành để cải hoán, nâng cấp tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, mua sắm ngư cụ. Lãi suất vốn vay trung và dài hạn sẽ là 2%/năm, ân hạn trong ba năm đầu với lãi suất 0%.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng tuyên bố dành 35.000 tỉ đồng mà bộ này tiết kiệm được từ việc rà soát, điều chỉnh mức đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chuyển sang cho ngư dân vay vốn phát triển đội tàu lớn.

Theo phân tích của ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, để đóng một tàu sắt cần vốn khoảng 7 tỉ đồng, cứ cho rằng ngư dân được vay 90% vốn (tương đương 6,3 tỉ đồng) thì họ cũng phải bỏ ra 700 triệu đồng. Khoản tiền vay này, với lãi suất 3%/năm thì ngư dân phải trả 189 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.

Chưa kể chi phí trang bị lưới, thiết bị đi kèm, lưới chài kèm với tàu sắt và chưa kể tàu sắt phải bảo dưỡng mỗi năm hai lần cũng tốn thêm cả trăm triệu đồng nữa. Những chi phí này ngư dân phải bỏ ra.

PV (TBKTSG Online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem