Người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo khai gì trước tòa xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng?

Phạm Hiệp Thứ sáu, ngày 23/04/2021 14:24 PM (GMT+7)
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) trong phiên xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất đã nhắc đến vai trò của cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa – người đang bỏ trốn.
Bình luận 0

Cụ thể, hôm nay (23/4), phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 2.

Vị cựu Bộ trưởng và đồng phạm bị đưa ra xét xử ở vụ án có liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố các bị cáo, phiên tòa bước vào phần thẩm vấn.

Trả lời câu hỏi của luật sư tại phiên tòa, ông Phan Đăng Tuất - nguyên Chủ tịch HĐQT, Phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước (BPQLVNN) giai đoạn 2012-2015) của Sabeco (Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) cho biết, các việc ông này làm đều có ý kiến từ lãnh đạo Bộ Công Thương.

Người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo khai gì trước tòa xử ông Vũ Huy Hoàng? - Ảnh 1.

Theo lời khai của ông Phan Đăng Tuất, những phiên họp với bộ phận quản lý vốn nhà nước ở Sabeco đều do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phụ trách.

Ở dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, trong thời gian thực hiện dự án, ban đầu là một thứ trưởng khác, sau đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phụ trách.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco khai, những phiên họp với BPQLVNN đều do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chủ trì.

Đáng chú ý, theo ông Phan Đăng Tuất, thời điểm đó ông không gặp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cũng không nhận được chỉ đạo gì từ vị cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo lời khai của ông Tuất, ông này nói không trực tiếp tham gia thương thảo, không biết sự thay đổi giữa Hợp đồng số 01 và Hợp đồng nguyên tắc.

Liên quan việc Sabeco góp vốn vào Sabeco Pearl là 26%, ông Tuất nói con số này có tham khảo ý kiến của Bộ, hơn nữa, cổ đông nào chiếm 25% cổ phần trở lên thì có quyền chi phối nên họ mới chọn 26%.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãnh phí", và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", xảy ra tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất là 1 trong 4 người liên quan của vụ án.

Người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo khai gì trước tòa xử ông Vũ Huy Hoàng? - Ảnh 2.

Người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo vì có vi phạm trong vụ án liên quan khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng trình bày trước tòa, rằng ông không nhận được chỉ đạo gì từ cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Ông Phan Đăng Tuất là người đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương để liên doanh, liên kết thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án, tiếp nối việc liên doanh, liên kết đã có từ trước của người tiền nhiệm là ông Nguyễn Bá Thi (Trước khi thành lập Sabeco Pearl, ông Nguyễn Bá Thi là Chủ tịch HĐQT, Sabeco đã liên doanh với các đơn vị thành lập Sebaco Land để thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng).

Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, khi Sabeco chậm triển khai dự án theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Tuất và các thành viên bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco còn bị Bộ Công Thương có công văn yêu cầu rút kinh nghiệm, yêu cầu giải thể Sabeco Land và sớm tìm nhà đầu tư mới để thực hiện dự án.

Việc liên doanh với doanh nghiệp nào cũng do lãnh đạo Bộ Công Thương quyết định.

Sau khi Bộ Công Thương phê duyệt các nhà đầu tư mới để Sabeco liên doanh thành lập Sabeco Pearl, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Phan Đăng Tuất ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án.

Sau đó, các sở, ngành TP.HCM tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM cho thuê đất trái các quy định của pháp luật.

Nhà chức trách cáo buộc, trách nhiệm chính trong sai phạm về hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương.

Ông Phan Đăng Tuất thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, do đó chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Phan Đăng Tuất.

Vì vậy Cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về Đảng và chính quyền đối với ông Phan Đăng Tuất là phù hợp.

Ở diễn biến mới nhất, tháng 3/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII đã họp Kỳ thứ hai, trong đó xem xét trách nhiệm liên quan đến các sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Phan Đăng Tuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem