Người dân “đói” thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Công tác công bố quy hoạch khiến việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn khi thông tin không minh bạch
Đất có vấn đề, không biết hỏi đâu
Từ trước tới nay, câu chuyện minh bạch trong công tác thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là các nhà đầu tư.
Mặc dù thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tác động rất lớn tới quyền lợi của người dân và công tác công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định rất cụ thể, là yêu cầu bắt buộc trong Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản pháp lý khác nhau, nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn nhiều hạn chế.
Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, mặc dù các địa phương trên cả nước đã có nhiều chuyển biến trong công tác công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá bồi thường thu hồi đất, song vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Với hơn 14.000 người ở tất cả 63 tỉnh, thành phố được lấy ý kiến, báo cáo PAPI cho thấy, ngoại trừ kết quả năm 2015, việc công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá bồi thường thu hồi đất gia tăng dần trong 5 năm qua, một phần nhờ những quy định cụ thể liên quan trong Luật Đất đai năm 2013, nhưng mức tăng không lớn.
Thiếu minh bạch trong quy hoạch cũng dẫn tới những vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư dự án bất động sản.
Cụ thể, năm 2015 có 17,86% số người được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì con số của năm 2018 tăng lên 21,61%. Tuy nhiên, cũng chỉ có chưa đến 1/3 người có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hệ quả từ việc thiếu thốn các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo ra rủi ro cho các giao dịch chuyển nhượng đất đai, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng. Một trong những ví dụ đơn giản nhất có thể nhìn thấy là việc khi muốn mua quyền sử dụng một mảnh đất, phần lớn người tham gia giao dịch khó kiểm chứng được miếng đất đó có tranh chấp hay giải tỏa gì không.
Theo quy định hiện nay, với thông tin quy hoạch, Phòng Tài nguyên - Môi trường của quận/huyện nơi mảnh đất tọa lạc sẽ nắm thông tin này và sẽ cung cấp thông tin khi có yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để người dân có được thông tin từ cơ quan này.
Theo ông Tuyến, ngoài việc chồng chéo dữ liệu giữa UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên - Môi trường và các phòng/văn phòng công chứng, thì không ngoại trừ trường hợp gây khó dễ để đòi "phí lót tay". Cũng không ngoại trừ một số lãnh đạo địa phương ém nhẹm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không công bố rộng rãi, mà chỉ cung cấp cho một số nhà đầu tư, nhằm đầu cơ trục lợi.
Công khai quy hoạch để giảm khiếu kiện
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được minh bạch thông tin, công khai rộng rãi sẽ góp phần giảm khiếu kiện về đất đai.
Trên thực tế, đã có nhiều bài học về sự buông lỏng quản lý, thiếu định hướng trong quy hoạch, không công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời dẫn đến nhiều hệ lụy, những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài.
Câu chuyện về tuyến phố dài 1,5 km nối đường Nguyễn Văn Cừ và đê Tả ngạn thuộc quận Long Biên (Hà Nội), hay dự án đường Trường Chinh (Hà Nội) mở rộng, tranh chấp tại Khu Ngoại giao đoàn (Hà Nội) là những ví dụ điển hình. Khi người dân bị thu hồi giải phóng mặt bằng hoặc bị chèn lấn không gian sống do thay đổi quy hoạch bức xúc, khiếu kiện đông người, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng mới công bố thông tin, tuyên truyền giải thích.
Cũng theo ông Chiến, việc công khai tất cả các quy hoạch chưa đủ, mà từ quy hoạch theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị bắt buộc phải xác định được chương trình ưu tiên. Từ đó, các nhà đầu tư mới biết được cụ thể trong 3 năm, 5 năm tới sẽ tập trung làm vào đâu. Hiện vẫn còn tình trạng đầu tư theo kiểu vết dầu loang, phong trào, lãng phí nguồn lực đất đai. Nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực còn nhanh chân “xí đất” để bán lại cho nhà đầu tư khác kiếm lời. Đặc biệt, cũng cần công bố cho người dân biết những khu vực nào đến 2030 chưa được “đụng” tới, bởi dự án treo hiện rất nhiều, động đến đâu cũng dính quy hoạch... rất lãng phí đất đai.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, đã hết thời "giấu nhẹm" thông tin quy hoạch để có điều kiện đầu cơ. Bây giờ dân trí đã cao hơn, người dân đã nắm luật rõ hơn và cái họ muốn là thông tin quy hoạch cần được công bố chính xác, thường xuyên. Nếu làm tốt, khiếu kiện về đất đai sẽ được hạn chế, trong đó cần ưu tiên việc công khai quy hoạch trên internet một cách đồng bộ và nghiêm túc hơn.
Các nội dung công khai quy hoạch trên internet phải đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu và có hướng dẫn người dân sử dụng, tra cứu các tài liệu niêm yết, đặc biệt là các khuôn khổ pháp lý cho việc tra cứu thông tin quy hoạch trên internet với người sử dụng, tránh việc làm cho có, hoặc lợi dụng việc công khai để bóp méo, gây loạn quy hoạch hơn.
Thực tế, tại một số địa phương cũng đã đưa vào áp dụng Cổng thông tin quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất do Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý, nhưng quá trình tiếp cận thông tin quy hoạch qua hình thức này thực tế còn rất nhiều hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, trên bản đồ quy hoạch có nhiều ký hiệu chuyên môn, các đồ án quy hoạch phân khu bao hàm các nội dung kỹ thuật, nên người dân khó tiếp cận và khó hiểu các nội dung đồ án quy hoạch.