Ở nơi này, người dân trồng rất nhiều sen, thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 21/05/2022 17:53 PM (GMT+7)
Đó là thông tin tại hội thảo "Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ sen Đồng Tháp" do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hôm nay 21/5. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ lễ hội sen lần thứ nhất năm 2022.
Bình luận 0

Tiềm năng lớn từ cây sen Đồng Tháp

Theo thông tin từ hội thảo, tính đến 30/4 vừa qua, toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích vùng trồng sen thực tế trên 331 ha (tổng diện tích quy hoạch vùng trồng sen được phê duyệt là 461 ha), tập trung chủ yếu tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò,…

Người dân Đồng Tháp trồng rất nhiều sen, thu nhập gấp 3, gấp 4 lần trồng lúa - Ảnh 1.

Hội thảo "Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ sen Đồng Tháp" do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hôm nay 21/5. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhận thấy tiềm năng to lớn từ cây sen, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển.

 Cụ thể, xác định cây sen là nhân tố quan trọng nhất để tạo lập và định vị hình ảnh Đồng Tháp, xác định cây sen là nhân tố quan trọng góp phần thực thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Tài, để góp phần giữ gìn, phát huy danh tiếng và giá trị đặc trưng của cây sen Đồng Tháp, ngày càng nhiều sản phẩm từ sen được các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn chú trọng sản xuất. 

Trong đó nổi bật là các sản phẩm có chất lượng được phân hạng là sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao (hơn 30 sản phẩm của 11 chủ thể).

Đa số các đại biểu cho hay, Đồng Tháp rất phù hợp để phát triển cây sen. Do đó, những năm qua, cây sen đã được trồng nhiều nơi trong tỉnh Đồng Tháp, từ trồng trên ruộng đến trồng trên đường phố và cả trong sân nhà.

Cây sen được trồng ở Đồng Tháp mang lại hiệu quả rất cao (gấp 3-4 lần so với trồng lúa). Do vậy, cây sen đã không ngừng được người trồng cải tiến phát triển, từ đó đã hình thành "nghề trồng sen" cho tỉnh.

Sản phẩm từ cây sen ở Đồng Tháp rất phong phú, không chỉ lấy hoa, lấy gương, lấy ngó, giờ đây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ chè lá sen, tinh dầu sen, đồ thủ công mỹ nghệ về sen, lụa tơ sen,... đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao.

Theo PGS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, việc trồng sen không cần phải đầu tư quá nhiều chi phí vào việc mua giống cho mỗi vụ mới. 

Giống sen chỉ cần trồng một lần vào mùa đầu tiên và sau đó có thể trục, phay đất để kích thích tự tái sinh từ rễ nằm sâu dưới đất, sau khi thu hoạch các vụ mùa trước. Sen trồng ít tốn chi phí sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hơn so với lúa. Mặt khác, thị trường ngành hàng sen cũng ngày càng được mở rộng

Ngoài việc sử dụng hoa sen để trưng bày, trang trí thì ngày nay sen đã được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực ẩm thực (các món ăn từ sen, rượu sen). Khách thập phương về Đồng Tháp sẽ được ăn sen, uống sen, thưởng thức mỹ vị từ sen, đó là nét đặc trưng văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất sen này mà không phải nơi nào cũng có được.

PGS. Đặng Văn Đông nói: "Ở Đồng Tháp không chỉ người dân yêu sen mà lãnh đạo tỉnh cũng rất yêu sen, quý sen, trân trọng cây sen". 

Cụ thể, theo PGS. Đặng Văn Đông, từ năm 2007, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố biểu tượng của tỉnh có biểu tượng theo hình tròn cách điệu của bông hoa sen. Bắt đầu từ năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tổ chức các hoạt động, lễ hội văn hóa để tôn vinh giá trị của sen đồng thời quảng bá, xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là "quê sen", "Thủ phủ sen" hay "đất sen hồng".

"Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng từ sen, nên nhu cầu mua hạt sen, các sản phẩm từ cây sen đã tăng trở lại, nhiều người dân cũng bắt đầu quan tâm đến việc trồng sen và thị trường cũng mở rộng thêm. Các doanh nghiệp cũng đã chú ý hơn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, để chủ động trong kế hoạch liên kết với người dân để sản xuất sen theo chuỗi giá trị" - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả nói thêm.

Cần triển khai các giải pháp nâng cao giá trị sen Đồng Tháp

Trong thời gian tới, ông Tài cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như: Nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số mô hình sản xuất sen ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tốt, an toàn; nghiên cứu, tuyển chọn giống sen chất lượng cao cho Đồng Tháp; mô hình hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất và phát triển chế biến sản phẩm từ cây sen;…

Người dân Đồng Tháp trồng rất nhiều sen, thu nhập gấp 3, gấp 4 lần trồng lúa - Ảnh 2.

Người dân Đồng Tháp trồng rất nhiều sen, thu nhập gấp 3, gấp 4 lần trồng lúa. Ảnh: Mỹ Lý/Báo Đồng Tháp

Theo ông Tài, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trong việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài (tại các thì trường tiềm năng) cho các sản phẩm sen.

Song song đó là tổ chức kết nối doanh nghiệp với các viện, trường, tổ chức cung cấp công nghệ nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh sản phẩm sen và sản phẩm từ sen.

PGS. Đặng Văn Đông cho hay, hiện nay nhiều công trình nghiên cứu khoa học về cây sen cũng đã được nghiên cứu và áp dụng. Cụ thể như nghiên cứu bảo tồn cây sen của Trung tâm Tài nguyên thực vật; nghiên cứu tuyền chọn, lai tạo giống sen của Viện Nghiên cứu Rau quả; nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 trong trồng trọt canh tác sen của Công ty Wether plus kết hợp với FAVRI; nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ sen của Trường Đại học Cần Thơ…

Đồng thời, Đồng Tháp cũng đang xây dựng đề án phát triển hoa sen, đề án tái cơ cấu ngành hàng sen. "Đây là những kết quả khoa học vô cùng quý giá, tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Tháp phát triển cây hoa sen nên tầm cao mới" - PGS. Đặng Văn Đông nhấn mạnh.

Để cho cây sen Đồng Tháp phát triển xứng tầm với tiềm năng, theo PGS. Đặng Văn Đông, cần triển khai một loạt các giải pháp, trong đó có các giải pháp khoa học công nghệ bao gồm: Xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; tuyển chọn và lai tạo được bộ giống sen mới, thích hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; xây dựng cơ sở chuyên ươm tạo, nhân giống sen; nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen và các quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản, chế biến sâu về sen.

Ngoài ra, PGS. Đặng Văn Đông cho biết, cần phải xây dựng các vùng (mô hình) sản xuất sen có quy mô lớn để đảm bảo có thể sản xuất được cây sen theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ; xây dựng một số mô hình sản xuất sen kết hợp với làm du lịch sinh thái; tăng cường đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao cho ngành sen; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "sen Đồng Tháp" cho sản phẩm cây sen Đồng Tháp và đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý "Đồng Tháp" cho sản phẩm sen.

"Nếu tỉnh Đồng Tháp thực hiện được các giải pháp trên, trong tương lai không xa Đồng Tháp sẽ trở thành vùng sản xuất sen lớn nhất cả nước và khu vực, có chất lượng sản phẩm sen cao nhất và là điểm đến hấp dẫn của mọi du khách trong, ngoài nước" - PGS. Đặng Văn Đông thông tin.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ mở rộng diện tích trồng sen lên 1.500 ha (tăng 300 ha so với 2020). Trong đó, sen cao sản lấy hạt khoảng 60-70% diện tích, năng suất bình quân 3,0-3,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 3.000 – 3.500 tấn hạt/năm, còn các loại sen lấy hoa, lấy lá, lấy củ, lấy ngó... chiếm 30-40% diện tích, giá trị sản lượng của các sản phẩm từ cây sen, quy tiền đạt 400 – 500 tỷ đồng/năm, thu nhập người trồng sen tăng 120% so với năm 2021. Đến năm 2030 diện tích tăng 200%, sản lượng tăng 250% so với năm 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem