Người dân Hà Nội "méo mặt" vì giá gas tăng cao

Bùi Ánh - Thanh Hiền Thứ năm, ngày 10/03/2022 13:33 PM (GMT+7)
Giá hàng hóa tăng cùng giá gas cao kỷ lục đang khiến nhiều chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, sinh viên, người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội lao đao.
Bình luận 0

Đầu tháng 3, giá gas tăng 3.500 đồng/kg tương ứng với 42.000 đồng/12 kg khiến giá gas vượt mốc 500.000 đồng/bình 12kg.

Ngày 28/2, các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết giá gas bán lẻ trong nước sẽ tăng trở lại trong ngày đầu tháng 3. Đây là lần tăng thứ 2 từ đầu năm đến nay.

Ông Lê Quang Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) cho biết, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp tăng 3.500 đồng/kg, bình 6 kg tăng 21.000 đồng, bình 12 kg tăng 42.000 đồng, 157.500 đồng/bình 45 kg và 175.000 đồng/bình 50 kg.

Hàng loạt hàng quán ở Hà Nội than trời vì giá gas tăng cao - Ảnh 1.

Trước áp lực giá gas dự kiến còn tăng mạnh, ngoài công nhân, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng lao đao, sợ lỗ vốn vì chi phí chi đầu vào tăng cao. Ảnh Thanh Hiền.

Trước áp lực giá gas dự kiến còn tăng mạnh, ngoài công nhân, người lao động bị ảnh hưởng, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng lao đao, sợ lỗ vốn vì chi phí đầu vào tăng cao, lãi không đủ trả tiền lương cho nhân viên.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Nội than trời trước việc giá gas tăng.

Chị Thư (chủ kinh doanh quán cơm tại đường Trần Quốc Hoàn, Hà Nội) cho biết, trước đó, bình gas loại 12 kg chỉ có giá khoảng hơn 400.000 đồng, nhưng nay đã tăng lên mức 500.000 đồng, trung bình mỗi tháng cửa hàng phải phải gánh thêm gần 2 - 3 triệu đồng tiền gas.

Giá gas tăng kéo theo giá nguyên liệu, mặt bằng, tiền trả cho nhân viên cũng đi lên.

"Quán tôi đã mở được 7 năm nay, muốn giữ chân khách thì mình vẫn phải giữ nguyên chất lượng, chấp nhận lợi nhuận mỏng nhưng với tình hình mọi chi phí đều đi lên, khiến chúng tôi sống chật vật. Mỗi suất cơm bán chỉ lãi được vài nghìn đồng, giờ giá gas còn thế này, buộc mình thông báo tăng mỗi suất lên 5000 đồng, nhưng chỉ ít hôm, khách ít quá lại phải giảm xuống", chị Thư nói.

Hàng loạt hàng quán ở Hà Nội than trời vì giá gas tăng cao - Ảnh 2.

Đầu tháng 3, giá gas tăng 3.500 đồng/kg tương ứng với 42.000 đồng/12 kg khiến giá gas vượt mốc 500.000 đồng/bình 12 kg. Ảnh Thanh Hiền.

Chị Hải Yến (chủ hàng ăn tại đường Nguyễn Phong Sắc) cho hay, nhà chị mỗi ngày dùng 1 - 2 bình ga, với mức tăng hiện tại, mỗi tháng nhà chị phải chi trả thêm vài triệu tiền gas.

Giá gas “nhảy múa” trong những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trưa 9/3, trong căn phòng trọ cấp bốn rộng 8 m2 tại Long Biên, bà Lưu Thị Trường (56 tuổi, quê Khoái Châu, Hưng Yên) quyết định chỉ ăn cơm với trứng luộc.

Mới chuyển lên Hà Nội làm nghề bốc vác tại chợ Long Biên từ sau Tết, công việc bấp bênh do dịch Covid-19 nên cuộc sống bà càng khó khăn.

"Nhà tôi vừa hết gas hai hôm nay, nhìn giá gas cao quá nên chưa dám mua. Trưa thì chịu khó bỏ trứng cắm cùng nồi cơm, chiều tranh thủ nhóm bếp củi cùng mấy chị hàng xóm luộc tí rau, rán tí đậu ăn thôi. Đợi thời gian nữa xem giá gas giảm tôi mới dám mua", bà Trường nói.

Người dân và sinh viên đang có xu hướng chuyển sang dùng bếp điện nhiều hơn trước, một phần là do giá thành, hai là ưu điểm như sạch sẽ, an toàn, tiết kiệm diện tích.

Hàng loạt hàng quán ở Hà Nội than trời vì giá gas tăng cao - Ảnh 3.

Chị Hải Yến (chủ hàng ăn tại đường Nguyễn Phong Sắc) cho hay, nhà chị mỗi ngày dùng 1 - 2 bình ga, với mức tăng hiện tại, mỗi tháng nhà chị phải chi trả thêm vài triệu tiền gas. Ảnh: Thanh Hiền.

Bạn Thanh Mai (sinh viên Học viện Ngoại Giao) chia sẻ: “Mình vừa trở lại Hà Nội sau đợt nghỉ dịch nhưng cảm thấy sốc khi chỉ trong thời gian ngắn giá xăng, rồi giá gas tăng chóng mặt.

Vì giá gas đang tăng cao nên phòng mình tính chuyển sang dùng bếp điện, không biết có ổn không, tại mức giá điện các chủ trọ thu từ 3.500 đồng - 4.500 đồng".

Cũng xót ruột trước giá gas, chị Chu Linh, 28 tuổi, ở Mễ Trì Thượng có ý định mua bếp từ. Nhưng chi phí mua bếp xịn, an toàn khoảng vài triệu, chưa kể đến dùng bếp từ phải thay xoong, nồi, chào khiến chị đắn đo.

Hàng loạt hàng quán ở Hà Nội than trời vì giá gas tăng cao - Ảnh 4.

Bảng giá gas từ 1/3 khiến nhiều người choáng váng. Ảnh Thanh Hiền.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2021 mặt hàng này có gần 10 lần tăng giá. Trong năm 2022, cũng đã tháng thứ hai liên tiếp giá gas tăng vọt.

Nhiều đại lý thừa nhận giá gas đã gần chạm ngưỡng chịu đựng của nhiều gia đình. Những hộ dân dùng điện giá sinh hoạt có thể chuyển sang dùng bếp điện, bếp từ để đỡ chi phí, nhưng những người đi thuê nhà đang phải chịu giá điện tới 4.000 đồng/số sẽ bị ảnh hưởng nặng. Một bộ phận người lao động nghèo kiếm củi đun hoặc chấp nhận quay lại dùng bếp than tổ ong.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí Việt Nam, cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine làm nguồn cung khí đốt bị gián đoạn, giá tăng mạnh. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay vẫn chưa đủ chi phí giá thành nên rất có thể câu chuyện tăng giá chưa dừng lại ở đây.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem