Người dân làng nghề đan giỏ tre Xuân Thới Sơn nỗ lực giữ nghề truyền thống

Quang Sung - Thủy Tiên Thứ tư, ngày 24/08/2022 12:03 PM (GMT+7)
Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) chuyên sản xuất các sản phẩm tre đan thủ công. Dù công việc gặp nhiều khó khăn, thu nhập không cao nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn bám trụ với nghề truyền thống.
Bình luận 0

Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có khoảng 20 hộ tham gia sản xuất với thu nhập bình quân đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng. Lao động tham gia sản xuất chủ yếu là người lớn tuổi, nhàn rỗi.

Những năm gần đây, nghề đan giỏ tre gặp nhiều khó khăn trong khâu tìm nguyên liệu, cho đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Người dân làng nghề đan giỏ tre Xuân Thới Sơn vẫn theo nghề dù khó khăn - Ảnh 1.

Bà Huỳnh Thị Tám có 40 năm làm nghề đan giỏ, hiện bà đang là chủ của một cơ sở đan giỏ trạc ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. Ảnh: Thủy Tiên

Bà Huỳnh Thị Tám (52 tuổi) - chủ cơ sở đan giỏ ấp 6 cho biết, bà đã làm nghề được hơn 40 năm. Con cháu bà không có ai nối nghề vì nghề này cực, lại không có thu nhập ổn định. Đa số người trẻ ở đây đi làm công việc khác, còn lại người giữ nghề tuổi từ 50 đến 60.

Năm ngoái, thời điểm TP.HCM phải phong tỏa vì dịch Covid-19, nghề đan giỏ ở Xuân Thới Sơn bị ảnh hưởng nặng nề. Những sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, dẫn đến tồn đọng nhiều. “Ở dưới thì bị mối ăn, ở trên thì bị mưa dột dẫn đến hư hại nhiều, một lô hàng 50 cái chỉ còn lại được 20 cái là nhiều. Vì vậy, trong đợt dịch tôi đã phải lấy đốt hết. Đốt giỏ cũng phải thuê, lại thêm tốn kém”, bà Tám kể.

Cùng làm nghề đan giỏ tre ở xã Xuân Thới Sơn, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Lứa trẻ bây giờ  không ai theo nghề này nữa đâu, làm dễ bị đứt tay, chai sạn. Như tay của tôi đây đứt hơn trăm dấu rồi. Bây giờ có bao tay thì đỡ hơn chút. Một ngày tôi phải thay 20 đôi bao tay”.

Người dân làng nghề đan giỏ tre Xuân Thới Sơn vẫn theo nghề dù khó khăn - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hoa đang hoàn thiện những công đoạn đầu của một chiếc giỏ trạc làm từ tre . Ảnh: Thủy Tiên

Theo người dân ở làng nghề, giá nguyên liệu (tre) tăng cao, từ 18.000 lên 28.000 đồng, loại tre dạt từ 10.000 lên 14.000 đồng/cây, nhưng giá sản phẩm vẫn không tăng. Do đó đời sống của những người thợ đan giỏ còn nhiều bấp bênh.

Tuy khó khăn, nhưng bà con làm nghề đan giỏ ở Xuân Thới Sơn ở đây vẫn quyết tâm theo nghề. “Tôi làm nghề được hơn 40 năm rồi, ngày xưa đi theo mẹ bán giỏ, rồi học nghề này cho đến bây giờ. Bây giờ không ai làm nữa thì mình làm thôi. Tôi theo được được nghề này là do tôi làm trực tiếp rồi đem đi bán, không qua trung gian nên vẫn có lời”, bà Tám nói.

Thu nhập không cao, nhưng bù lại được thoải mái về thời gian làm việc nên nhiều người ở đây vẫn chọn theo nghề đan giỏ. Công việc đan giỏ không đòi hỏi nhiều sức lao động, nên phù hợp với những người lớn tuổi, phụ nữ nội trợ làm kiếm thêm thu nhập. Bà Hoa chia sẻ: “Nghề này thì thu nhập không cao, nhưng tôi không muốn đổi nghề. Làm nghề này được cái thoải mái, không lệ thuộc vào ai cả. Mùa mưa thì vẫn làm bình thường, mình có thể vào trong xưởng hoặc mang về nhà làm”.

Đối với người dân ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, những mặt hàng thủ công, tuy mộc mạc, giản dị nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cả vùng quê luôn tồn tại trong từng sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem