Người dân phải "lót tay" khi giải quyết công việc, hiện trạng "chung chi" để làm "sổ đỏ" còn phổ biến

Thành An Thứ sáu, ngày 09/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
Hiện tượng người dân phải "lót tay" trong giải quyết công việc, hiện trạng "chung chi" để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới "sổ đỏ" còn phổ biến.
Bình luận 0

Ngày 9/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 7 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.

Xin cấp đổi, cấp mới "sổ đỏ" phải chi "lót tay"

Trình bày báo cáo của tiểu ban theo dõi hoạt động phòng chống tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, công tác này đã có bước tiến mạnh, đột phá.

Năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Trong đó, đã chú trọng xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Đáng chú ý, có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (trong đó xử hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người).

Người dân phải "lót tay", hiện trạng "chung chi" để làm xong việc xin cấp "sổ đỏ" còn phổ biến - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Phạm Thắng

Tuy nhiên, tiểu ban của Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động và trách nhiệm giải trình; vẫn còn để xảy ra nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch…

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn chưa phát huy hiệu quả rõ nét.

"Nhiều địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch và chuyển đổi vị trí công tác theo quy định", ông Cường nói.

Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực; hiện tượng người dân phải "lót tay" trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Người dân phải "lót tay", hiện trạng "chung chi" để làm xong việc xin cấp "sổ đỏ" còn phổ biến - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Tư pháp. Ảnh: Phạm Thắng.

Báo cáo dẫn kết quả của PAPI 2021 nêu, tỉ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công, người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

Điều đáng chú ý là hiện trạng "chung chi" để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy "sổ đỏ" còn phổ biến...

Có vụ chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ thanh tra lại mới phát hiện vi phạm

Với công tác thanh tra, kiểm toán Nhà nước, theo đánh giá của tiểu ban đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện cho cơ quan điều tra.

Nhưng tiểu ban lưu ý, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ vào thanh tra hoặc Ủy ban kiểm tra tiến hành, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.

Điển hình là vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre để xảy ra sai phạm trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền hơn 3,4 tỷ đồng…

Sau khi có kết luận thanh tra, Giám đốc CDC Bến Tre đã nộp lại số tiền nêu trên để khắc phục hậu quả. Qua xem xét kết quả kiểm tra với đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre đã quyết định xử lý kỷ luật Giám đốc CDC Bến Tre và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý.

Cũng trong năm 2022, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự.

Các cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh làm rõ, xử lý nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng kéo dài.

Đặc biệt, nhiều hành vi tham nhũng trước đây rất ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời; tăng cường phối hợp, tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý…".

Đơn cử là ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố vì liên quan đến vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Việt Á...

Bên cạnh kết quả đạt được, tiểu ban chỉ ra, chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn.

Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra…

Khắc phục tình trạng để cơ quan khác phát hiện tham nhũng tại đơn vị đã được thanh tra

Cơ bản tán thành việc Chính phủ đánh giá, năm 2022 "tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.

Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn...", song Tiểu ban của Ủy ban Tư pháp lưu ý, năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước

Nhiều vụ án đã được tiểu ban này dẫn ra như vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra ở Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh...

Ngoài ra, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…

Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

"Đề nghị Chính phủ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ, với các vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra trong công an nhân dân thụ lý điều tra, thiệt hại tài sản là hơn 2.791 tỷ đồng; đã thu hồi trên 2.204 tỷ đồng, kê biên 20 bất động sản các loại.

Với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, thiệt hại xác định trong kỳ là 824 tỷ đồng; thu hồi 815 tỷ đồng (bị can tự nguyện nộp khắc phục hậu quả), kê biên tài sản trị giá 68,8 tỷ đồng, 20 bất động sản các loại trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Còn trong giai đoạn thi hành án, tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền là 88.604,9 tỷ đồng; trong đó có 2.785 việc với số tiền gần 50.366,7 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Nhưng mới thi hành xong 1.493 việc (đạt tỷ lệ 53,61%) với số tiền gần 10.327,73 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,51%).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem