Người dân Tây Nguyên mong muốn Thủ tướng tháo gỡ điều gì ở Hội nghị đối thoại lần thứ 3?

Văn Long Thứ hai, ngày 21/09/2020 13:19 PM (GMT+7)
Nhiều người dân các tỉnh Tây Nguyên mong muốn Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban ngành giải quyết, tháo gỡ những vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, an ninh trật tự, đời sống người nông dân tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tổ chức ngày 28/9 tại Đăk Lăk.
Bình luận 0

Khốn khổ vì bị phá hoại

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tình trạng người dân bị chặt phá, phá hoại cây trồng, nông sản diễn ra liên tục. Các vụ việc luôn được các cơ quan báo chí liên tiếng đưa tin. 

Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm khiến người dân không yên tâm sản xuất. Đặc biệt, tại Lâm Đồng, có gia đình đã bị 9 lần chặt phá cây trồng là cà phê, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được thủ phạm.

Người dân Tây Nguyên mong muốn Thủ tướng tháo gỡ điều gì ở “Hội nghị lần 3” - Ảnh 1.

Người dân tại Tây Nguyên phải đối mặt với tình trạng phá hoại cây trồng, nông sản trong nhiều năm qua.

Chia sẻ với phóng viên với vẻ mặt thất thần, anh Vũ Xuân Hải (ngụ tại thôn 7, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết: "Kể từ năm 2015 đến nay, gia đình tôi đã bị kẻ xấu 9 lần chặt phá cà phê. Chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, tôi đã 2 lần bị chặt, bẻ gãy hàng trăm cây cà phê. Mặc dù gia đình tôi đã báo cáo chính quyền địa phương và Công an huyện Di Linh nhưng vẫn chưa tìm được thủ phạm".

Cầm trên tay những cây cà phê đã héo rũ, anh Hải cho biết thêm, lần thì vài chục cây, lần thì lên đến hơn 100 cây. Toàn bộ diện tích cà phê của gia đình anh bị chặt phá là cà phê tái canh từ 2-3 năm tuổi. Có lần, cà phê của anh Hải bị chặt phá đã ra trái bói, chỉ một thời gian sau sẽ cho thu hoạch.

 "Nhiều lần muốn tái canh nhưng nghĩ đến cảnh bị chặt phá lại nản, không muốn làm. Bao nhiêu công sức người nông dân mới cuốc, trồng và tái canh được cây cà phê đâu phải dễ", anh Hải chia sẻ.

Người dân Tây Nguyên mong muốn Thủ tướng tháo gỡ điều gì ở “Hội nghị lần 3” - Ảnh 2.

Anh Hải thất thần bên những cây cà phê của gia đình bị chặt phá.

"Thông qua Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, chúng tôi mong cơ quan chức năng địa phương và cơ quan báo chí lên tiếng để lấy lại công bằng cho người dân địa phương. Không chỉ riêng tôi mà có rất nhiều người dân tại Tây Nguyên mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết những vụ việc phá hoại nông sản của người dân một cách dứt điểm để chúng tôi yên tâm sản xuất" - anh Hải chia sẻ.

Khó khăn trong nông nghiệp

Là doanh nghiệp đã thiệt hại hơn 2 tỷ đồng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông Trần Huy Đường – Giám đốc Công ty THND Trang trại Langbiang (Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng mong muốn được Thủ tướng và các bộ, ban ngành liên quan giải quyết nhiều vướng mắc trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Người dân Tây Nguyên mong muốn Thủ tướng tháo gỡ điều gì ở “Hội nghị lần 3” - Ảnh 3.

Trang trại của ông Đường đã bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19 vừa qua.

"Cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp cũng như người dân trên mọi miền cả nước, công ty của chúng tôi thiệt hại rất lớn cho dịch Covid-19, do không tiêu thụ được, một lượng hoa rất lớn phải đổ bỏ. Chúng tôi mặc dù làm nông nghiệp nhưng khi vay vốn ngân hàng vẫn phải thế chấp. Trong khi đó, hệ thống nhà kính rất hiện đại, giá trị lên đến tiền tỷ nhưng lại không được các công ty bảo hiểm chi trả nếu xảy ra sự cố. Có một số đơn vị chi trả bảo hiểm nhưng họ lại chỉ bảo hiểm cháy nổ, khong phải bảo hiểm thiên tai" - ông Đường nêu một thực tế.

Người dân Tây Nguyên mong muốn Thủ tướng tháo gỡ điều gì ở “Hội nghị lần 3” - Ảnh 4.

Ông Trần Huy Đường (áo xám) chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của người dân khi làm nông nghiệp công nghệ cao.

Chính vì những khó khăn như vậy mà người nông dân chúng tôi mong Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban ngành có những chiến lược, chính sách để phát triển ngành nông nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp", ông Đường chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Công, HTX Dịch vụ nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, xã Nam Yang (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) rất vui mừng khi Thủ tướng quyết định tổ chức hội nghị tại Đăk Lăk.

Ông Công cho hay, ông đã theo đuổi mô hình trồng tiêu sạch nhiều năm qua. Ông rất trăn trở với nỗi vất vả của nông dân trồng tiêu hiện nay khi giá rớt sâu. Không chỉ tiêu, giá cà phê, cao su…cũng giảm mạnh. 

Nếu được tham dự, ông mong muốn Thủ tướng, ngành chức năng có giải pháp để khôi phục giá nông sản, giúp nông dân Tây Nguyên có cuộc sống ổn định.

Người dân Tây Nguyên mong muốn Thủ tướng tháo gỡ điều gì ở “Hội nghị lần 3” - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Tấn Công, người rất tâm huyết với mô hình trồng tiêu sạch.

Đến nay, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 với chủ đề "Miền Trung - Tây Nguyên - Vượt thách thức, tăng trưởng giá trị nông sản, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" đã nhận được hơn 1.500 câu hỏi khác nhau đến từ: Trực tiếp bà con nông dân, Hội Nông dân các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các phóng viên báo chí… Hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 28/9/2020 tại Đăk Lăk.

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lăk chủ trì; Báo Nông Thôn Ngày Nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem