Người dân thắt chặt chi tiêu do Covid-19, các sàn thương mại điện tử ra sao?

Trung Kiên Thứ bảy, ngày 02/05/2020 14:25 PM (GMT+7)
Lương thưởng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua nhiều chị em công sở đã hạn chế mua những thứ không thực sự cần thiết. Điều này cũng khiến cho lượng truy cập các trang thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam cũng sụt giảm đáng kể trong quý I/2020.
Bình luận 0

Chị Nguyễn Nga (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết mua sắm trực tuyến đang dần trở thành một xu hướng tất yếu với nhiều chị em công sở. Khi quyết định mua một món đồ nào đó, chị thường dạo qua của các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam như Shopee, Lazada, Sendo hay Tiki,... để so sánh giá từ các đơn vị bán hàng. Chị chia sẻ, chỉ cần bỏ ra một chút thời gian tìm hiểu nhưng lại giúp mình tìm mua được những món đồ yêu thích có giá rẻ hơn rất nhiều sản phẩm cùng loại được bày bán ở các cửa hàng truyền thống.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến chị bị giảm 25% lương, vì thế thời gian qua chị đã hạn chế rất nhiều trong việc mua sắm những sản phẩm thời trang hay mĩ phẩm. Thay vào đó, những sản phẩm được chị tìm mua nhiều là mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay khô và nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Chị thừa nhận, do thu nhập giảm, chị phải tính toán các khoản chi tiêu sao cho hợp lý nên thời gian để “săn khuyến mãi” từ các trang thương mại điện tử cũng đã giảm hẳn.

img

Xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số

Tương tự, chị Duyên (nhân viên kế toán một công ty tại Thanh Xuân) chia sẻ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến thu nhập của cả hai vợ chồng chị đều giảm. Do đó, để tiết kiệm chi tiêu, thời gian qua chị cũng hạn chế mua sắm những món đồ không thực sự cần thiết như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi xách,… Thời gian và tần suất “săn khuyến mại” từ các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo hay Tiki,... cũng đã giảm hơn rất nhiều so với trước đây.

Theo "Bản đồ Thương mại Điện tử Việt Nam quý I/2020" do iPrice và SimilarWeb công bố thì ba trên bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đều có lượng truy cập website giảm. Hiện chỉ còn Shopee Việt Nam có lượt truy cập website tăng và tiếp tục dẫn đầu thị trường, với 43,16 triệu lượt mỗi tháng.  

Trong quý I/2020, số lượt truy cập của Lazada Việt Nam giảm còn 19,8 triệu lượt truy cập/tháng. Trong khi lượt truy cập của Sendo giảm còn 17,6 triệu lượt/tháng. Lượng truy cập của hai sàn thương mại điện tử này giảm lần lượt 7,3 triệu lượt và 9,6 triệu lượt mỗi tháng với quý IV/2019. Do đó, hai sàn này xuống đứng sau Tiki với 23,99 triệu lượt truy cập mỗi tháng, giảm nhẹ 500.000 lượt mỗi tháng so với quý IV/2019.

Dữ liệu của iPrice Group cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã giúp ngành hàng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hưởng lợi đầu tiên khi các sản phẩm này được tìm mua nhiều trong tháng 2. Sang đến tháng 3, đến lượt ngành bách hóa trực tuyến lên ngôi khi người dân hạn chế ra ngoài mua sắm để tránh dịch.

img

Lượng truy cập các sàn thương mại điện tử lại đang giảm mạnh – Thống kê của IPrice

Ngược lại, các ngành trước đây là "gà đẻ trứng vàng" của thương mại điện tử như thời trang và điện máy thì bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong 3 tháng đầu năm, các website ngành thời trang bị sụt giảm trung bình 38% lượng truy cập so với quý trước. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành điện máy trong tháng 2 giảm 17% so với tháng 1.

Chị Na (chủ một gian hàng thời trang trên các trang thương mại điện tử) thừa nhận lượng khách hàng mua sắm đã giảm rất nhiều trong mùa dịch Covid-19. Chị cho biết, dù đã nỗ lực đẩy mạnh quảng cáo trực tuyến nhưng doanh thu của cửa hàng vẫn không khả quan. Các chị em công sở ở nhà nhiều nên không có nhu cầu mua sắm quần áo, mỹ phẩm. Theo chị, những mặt hàng thời trang, mỹ phẩm chủ yếu bán được khi họ đi du lịch, đi ăn uống với bạn bè rồi chụp ảnh “sống ảo” cùng với bạn bè. Chị Na cũng thừa nhận, trước đây thường xuyên mua sắm trực tuyến, nhưng do doanh thu từ hoạt động kinh doanh sụt giảm nên thời gian qua cũng chỉ mua những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống gia đình.

Bên cạnh việc chị em công sở thắt chặt chi tiêu, thì một yếu tố khiến lượng truy cập của các sàn thương mại điện tử giảm sút thời gian qua một phần đến từ nạn “lừa đảo” của một số chủ gian hàng khi nhiều người nhận được hàng không đúng như sản phẩm đặt mua. Về vấn đề này, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương cho biết đến ngày 24/4, Cục đã xử lý khoảng 17 nghìn gian hàng trên các sản thương mại điện tử và khoảng 38,4 nghìn sản phẩm vi phạm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem