dd/mm/yyyy

Người dân Tô Múa có của ăn của để từ chăn nuôi đại gia súc

Những năm gần đây nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, là điều kiện thuận lợi để đồng bào vùng cao xã Tô Múa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực tế, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người nông dân nơi đây.

Nghề chăn nuôi đàn đại gia súc như: Trâu, bò, dê… đã không còn quá xa lạ đối với người dân vùng cao xã Tô Múa (Vân Hồ). Tuy nhiên nghề chăn nuôi ở nơi đây còn manh mún, chưa có định hướng rõ ràng, đa số người dân chỉ nuôi làm tài sản trong gia đình. Chỉ khi nào bà con có việc cần thiết mới bán lấy tiền trang trải cuộc sống, chứ chưa biết chăn nuôi theo hướng hàng hoá. 

Nắm bắt được những "nút thắt" kìm hãm sự phát triển kinh tế và thu nhập của người dân, hàng năm xã Tô Múa đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư, khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ mở các lớp tập huấn trồng các loại cây làm thức ăn phục vụ chăn nuôi, như: Ngô, cỏ voi và các loại rau màu khác.

Người dân Tô Múa có của ăn của để nhờ nuôi những con này - Ảnh 1.

Trước đây chăn nuôi trâu, bò, dê ở xã Tô Múa còn manh mún, người dân chưa biết chăn nuôi theo hướng hàng hoá nên thu nhập cuộc sống còn thấp.

Bên cạnh đó, xã Tô Múa còn tập trung hướng dẫn các hộ dân xây dựng chuồng trại kiên cố, tuyên truyền bà con vệ sinh và phòng trừ dịch bệnh cho trâu, bò nuôi nhốt chuồng. Đồng thời giúp đỡ, tư vấn người chăn nuôi lựa chọn, phát triển các loại vật nuôi giống tốt để lai tạo, nhân giống; tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn để đầu tư chăn nuôi đại gia súc. Nhờ cách làm hay và thực tế, vài năm trở lại đây số lượng đàn đại gia súc không ngừng được phát triển. Đời sống của người dân cũng được cải thiện nhờ nuôi trâu, bò, dê.

Người dân Tô Múa có của ăn của để nhờ nuôi những con này - Ảnh 2.

Sở hữu cánh đồng ruộng rộng lớn, sau mỗi vụ thu hoạch lúa người dân lại tích trữ rơm rạ vào kho cho đàn đại gia súc. Đây có thể coi là thế mạnh giúp, bà con nông dân phát triển chăn nuôi.

Trao đổi với PV, ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa, (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho hay, nhận thấy cơ sở có nhiều cỏ mọc ở đồi núi, ruộng đồng nhiều, người dân có kinh nghiệm nuôi đại gia súc, xã quyết định chọn chăn nuôi là hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Những nguồn lực từ chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới… được chú trọng hỗ trợ người dân theo hướng này. Để khuyến khích bà con chăn nuôi đàn đại gia súc, xã đã tuyên truyền, vận động các nông hộ tận dụng đất nương, đồi để trồng cỏ voi và các loại phụ phẩm sau thu hoạch làm thức ăn cho trâu, bò, dê… Hướng dẫn người dân lựa chọn con giống có chất lượng tốt, sức đề kháng dịch bệnh cao để phát triển chăn nuôi.

Đồng thời xã cũng vận động bà con thay đổi tập quán chăn thả rông và khuyến khích các hộ xây dựng mô hình chăn nuôi theo kiểu gia trại và nuôi nhốt chuồng. Đến hết năm 2020, xã đã chuyển đổi trên 20 ha đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để phục vụ chăn nuôi đại gia súc, nâng tổng diện tích trồng cỏ voi của xã lên 61 ha. Đây có thể coi là vùng thức ăn dồi dào tạo bước phát triển cho nghề chăn nuôi trên địa bàn xã.

Người dân Tô Múa có của ăn của để nhờ nuôi những con này - Ảnh 4.

Chăn nuôi đại gia súc giúp gia đình bà Phan Thị Khánh, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ có của ăn của để.

Theo thống kê, hiện nay xã Tô Múa có gần 3.000 con gia súc các loại, chủ yếu là trâu, bò được các hộ dân chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Gia đình bà Phan Thị Khánh bản Yên Hưng , (xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) là một trong những hộ có số lượng bò nuôi lớn trong xã. Những năm gần đây, nhu cầu thị trường tiêu thụ thực phẩm sạch ngày càng tăng, nên gia đình bà Khánh đã vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại mua giống bò về nuôi, chuyển đổi hơn 2 ha các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, ngô làm thức ăn để nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Bà Khánh cho biết "Gia đình tôi nuôi bò cũng được gần 10 năm nay, tôi duy trì nuôi từ 18 con - 24 con trâu, bò về vỗ béo để bán. Một năm tôi có doanh thu từ 200 triệu đồng - 300 triệu đồng/năm từ việc bán bò ra thị trường.

Người dân Tô Múa có của ăn của để nhờ nuôi những con này - Ảnh 5.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò giúp gia đình anh Cường, bản Liên Hưng có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Cường, bản Liên Hưng, xã Tô Múa chia sẻ: Được xã và huyện tập huấn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, nên tôi đã có kinh nghiệm nuôi trâu, bò nhốt chuồng và phòng chống dịch bệnh. Tôi thường xuyên duy trì nuôi từ 30 con - 40 con trâu, bò, trong đó có 10 con bò sinh sản. Bên cạnh đó tôi còn mua thêm trâu, bò về vỗ béo để bán, sau khi trừ chi phí doanh thu từ 600 triệu đồng-700 triệu đồng/năm. Ngoài ra tôi còn tạo việc làm cho 2 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy chăn nuôi đại gia súc ở xã Tô Múa đã chuyển biến tích cực, tuy nhiên một số bản ở vùng cao vẫn nuôi, nhốt gia súc dưới sàn nhà, gần nhà không bảo đảm vệ sinh môi trường. Thời gian tới, cần chú trọng kiểm soát kỹ chất lượng con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với chính sách hỗ trợ, bám sát quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp từng xã. Từ đó, tạo điều kiện cho người nông dân gắn bó với nghề chăn nuôi và phát triển kinh tế ổn định tại cơ sở.

Người dân Tô Múa có của ăn của để nhờ nuôi những con này - Ảnh 6.

Nhiều năm qua, nghề chăn nuôi trâu bò đã mang lại lợi ích kinh tế cho người dân xã Tô Múa, huyện Vân Hồ.

Theo ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa, huyện Vân Hồ cho biết, trong năm 2021, xã sẽ tiếp tục chuyển đổi 67 ha cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc. Tiếp tục tập trung khai thác nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với triển khai các biện pháp an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm; chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Hà Hoàng