dd/mm/yyyy

Người dân vùng cao khao khát được trồng cây dược liệu

Đây là ước muốn của nhiều hộ dân ở xã vùng cao Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) khi trao đổi với phóng viên Trang trại Việt về hướng giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Trồng cây dược liệu để thoát nghèo

Co Mạ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, với độ cao trên 1.500 mét so với mặt nước biển. Đồng bào nơi đây chủ yếu là bà con người dân tộc Mông, sinh sống trên những đỉnh núi cao chót vót, quanh năm mây mù bao phủ.

Tìm đến bản Hua Ty (Co Mạ), chị Vừ Thị Sua đang gùi trên lưng một gùi củi (lu cở) to gấp đôi thân người. Thả lu cở củi nặng chịch xuống đất, lau mồ hôi nhễ nhạt trên chán, chị Sua bảo: Bà con vùng này khổ lắm. Quanh năm suốt tháng chỉ biết trồng cây ngô, cây lúa nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng.

 Nhiều người dân ở xã vùng cao Co Mạ khao khát được trồng cây dược liệu không những để lưu giữ các phương thuốc quý mà góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Khoát tay chỉ về phía những dãy núi mờ sương phủ, chị Sua nói tiếp: Vùng đất này, cây ngô, cây lúa chỉ trồng được từ 2 đến 3 vụ. Từ vụ thứ 4, đất hết chất dinh dưỡng, 1 sào chỉ thu được vài ba bao thóc, bao ngô. Muốn mảnh nương có được sản lượng như ban đầu, người dân phải chuyển sang khai phá mảnh nương khác rồi đợi từ 8 – 10 năm sau quay trở lại mảnh nương cũ canh tác. Bởi vậy, bà con nơi đây mong muốn tìm được cây trồng khác có giá trị kinh tế cao để cuộc sống bớt nhọc nhằn.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Sua tâm sự: Ở đây có khu rừng đặc dụng khá lớn. Cách đây khoảng 10 năm, khu rừng già này bạt ngàn cây dược liệu. Bà thường vào rừng “săn” cây dược liệu đem bán lấy tiền mua gạo ăn. Hộ nào đông anh em, mỗi ngày cũng kiếm được từ 2 – 3 triệu đồng/ngày. Theo tôi, ở vùng đất này, muốn xóa đói, làm giàu chỉ có cách là trồng cây dược liệu. Hiện nay, các hộ dân ở bản Hua Ty và bản Hua Lương ở gần khu rừng đặc dụng nên bà con đều mong muốn được Nhà nước hỗ trợ trồng cây dược liệu để thoát nghèo.

 Trước thực trạng cây dược liệu đang bị khai thác tràn lan, một số hộ dân vào rừng đào cây thuốc về trồng để làm giống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thào A Chứ - Trưởng bản Hua Ty, chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của người dân nơi đây. Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính là do bà con chưa tìm được hướng đi đúng trong phát triển sản xuất. Đối với vùng đất có khí hậu mát lạnh, ẩm, quanh năm sương mù phủ kín như bản Hua Ty chỉ thích hợp với cây chè, cây táo mèo, đặc biệt là trồng cây dược liệu.

Trong câu chuyện với ông Chứ, được biết: Hiện tại, diện tích cây táo mèo cho thu hoạch của bản là 9,3ha. Do chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu nên mấy năm trở lại đây, giá cả bất bênh, đầu ra không ổn định khiến nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây táo.

Với diện tích rừng đặc dụng được Nhà nước giao khoán cho bản quản lý gần 500 ha, bà con mong muốn được trồng cây dược liệu để cải thiện sinh kế. Việc này vừa giúp bà con nâng cao thu nhập, lại giảm thiểu tình trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên dược liệu vốn có. Đồng thời nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng của người dân.

Cần mô hình liên kết để phát triển.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nhiều xã vùng cao trong tỉnh nói chung, xã Co Mạ nói riêng có tiềm năng rất lớn trong trồng và phát triển và nhân rộng các loại cây dược liệu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu rừng đặc dụng ở xã Co Mạ có nguồn tài nguyên dược liệu khá phong phú. Có thể kể đến như: Lan kim tuyến, lan phi điệp, cây sài đất, cây đẳng sâm, cây máu chó, nấm linh chi, ngọc cẩu, hà thủ ô, cam thảo đất, na rừng… Nhưng đến nay, tình trạng người dân khai thác quá mức khiến nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt.

 

Na rừng - một trong những loại dược liệu được sử dụng trong các phương thuốc cổ truyền trong việc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao. Ảnh Vừ A Ly

Ông Và Sua Thào, bản Hua Lương – một trong những người khao khát được trồng cây dược liệu để bảo vệ nguồn gen quý hiếm, nói: Từ năm 2008 đến nay, cứ vào tháng 7 hằng năm, từng đoàn người ở các bản trên địa bàn xã lại nối đuôi nhau vào rừng đặc dụng săn lùng cây lan kim tuyến. Có những thời điểm, thương lái thu mua cây lan kim tuyến dao động từ 1,2 triệu – 1,5 triệu/kg, bà con mạnh ai người ấy khai thác, nên loài cây này gần như cạn kiệt.

“Từ thời xa xưa các cụ đã biết kết hợp các loại cây dược liệu để tạo ra những bài thuốc quý, chữa được nhiều căn bệnh mà y học hiện đại ngày nay cũng chật vật như: Xơ gan cổ trướng, ung thư gan, ung thư phổi, xương khớp, dạ dày, thận, gút… Lo sợ những bài thuốc quý đó đang bị mai một nên vợ chồng tôi vào rừng hái một số cây dược về trồng trong vườn để làm giống và nhân rộng nhưng không có rừng nên chúng phát triển rất kém. Tôi tha thiết đề nghị nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cây dược liệu cho chúng tôi” – ông Thào bày tỏ.

 Với diện tích rừng đặc dụng lớn, xã Co Mạ có nhiều tiềm năng trong phát triển cây dược liệu. 

Theo ông Sùng A Nó, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ: Ngoài tiềm năng, lợi thế sẵn có, để nhân giống và phát triển được cây dược liệu ở xã Co Mạ, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải có cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong khâu cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm thì mới phát triển bền vững được.

“Cần phải có quy hoạch vùng trồng dược liệu rõ ràng. Và để nâng cao thu nhập cho người dân thì nên nghiên cứu trồng những cây nào, hạn chế những cây nào; áp dụng kỹ thuật nào để trồng; khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ ra sao? Nếu giải quyết được những câu hỏi này, không những giúp bà con giữ gìn, bảo vệ được những bài thuốc cổ truyền vốn có mà còn góp phần hoàn thành mục tiêu trong công cuộc xóa đói, làm giàu” – ông Nó đặt vấn đề.

Tuệ Linh