Một ông nông dân được công nhận là người định danh loài cây "nữ hoàng" ở Lạng Sơn

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 15/10/2022 18:30 PM (GMT+7)
Đối với nông dân trồng cây mắc ca ở Lạng Sơn, không ai là không biết tới ông Lục Văn Bằng (trú ở thôn Nà Tâm, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Bởi họ đều thừa nhận rằng, ông Bằng chính là người có công "định danh" cây mắc ca ở xứ Lạng.
Bình luận 0

Ông Lục Văn Bằng (trú ở thôn Nà Tâm, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn) chia sẻ kinh nghiệm chọn giống mắc ca. 

Gắn nghiệp vào cây mắc ca

Tôi và ông Lục Văn Bằng gặp nhau nửa ngày, cũng ngần đó thời gian ông nói về cây mắc ca. Điều đó khiến tôi có cảm giác như giống cây trồng được mệnh danh là cây nữ hoàng, có xuất xứ từ Úc, đã ngấm vào máu, vào óc của người đàn ông dân tộc Nùng này. 

Ông Bằng kể, ông trước làm nghề xây dựng. Một lần về quê, bạn bè có hỏi, sắp về hưu rồi, không có gì để chơi à?

"Thế là tôi nghĩ, mình là người đồng rừng, mà không có một mảnh vườn nào thì thật là không phải. Mà bây giờ trồng được cây gì? Nếu vẫn trồng cây bản địa như các cụ thì cũng không thành tấm, thành món được. Suy nghĩ nâng lên đặt xuống rất nhiều ngày tháng, tôi phát hiện cây mắc ca được trồng thử nghiệm ở Lạng Sơn" - ông Bằng cho hay. 

Ông Bằng Mắc Ca xứ Lạng - Ảnh 1.

Ông Lục Văn Bằng bên giống mắc ca QN phù hợp với thổ nhưỡng vùng Đông Bắc. Ảnh: Gia Tưởng

Sau 3 năm nghiên cứu, từ tài liệu đến tham quan các vườn giống, năm 2012, ông quyết định trồng 7ha mắc ca ở xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng.

Trong quá trình trồng và chăm sóc mắc ca, ông nhận thấy cây mắc ca là một cây trồng khó tính, đòi hỏi nông dân phải tinh tường trong chăm sóc. Đặc biệt, khâu chọn giống là khâu quan trọng nhất, sẽ quyết định đến sự thành bại của loại cây này.

Ông Bằng chia sẻ thêm, hiện nay trên thị trường đang có hơn 20 loại giống mắc ca, như: OC, QN1, A38, 900. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của ông, với chất đất như vùng Đông Bắc, chỉ có giống mắc ca QN1, A16, 816 là trồng phù hợp, cho năng suất cao và chất lượng dầu tốt, thơm ngon, béo ngậy.

Ví dụ như giống mắc ca QN1 là giống Quế Nhiên do Trung Quốc thuần dưỡng. Khi trồng trên đất Lạng Sơn, cây thích nghi với khí hậu, chăm bón dễ, đặc biệt cho năng suất và chất lượng hạt rất thơm ngon. 

"Có một vị giáo sư đầu ngành về mắc ca của nước ta đã nói, mắc ca của Lạng Sơn ngon nhất cả nước, vì ở đây có một nền thổ nhưỡng phù hợp để cây mắc ca cho chất lượng hảo hạng" - ông Bằng kể. 

Ông Bằng Mắc Ca xứ Lạng - Ảnh 2.

Ông Bằng giới thiệu một cây giống mắc ca hoàn chỉnh có thể xuất bán. Ảnh: Gia Tưởng

Sau cả tiếng đồng hồ hào hứng chuyện trò quanh câu chuyện mắc ca, ông Bằng thoáng trầm lại nói: "Sau khi trồng 7ha mắc ca, tôi mới phát hiện ra rằng, cây mắc ca muốn có năng suất và chất lượng thì không trồng được từ cây thực sinh là cây trồng từ hạt. Phải có cây mẹ tốt, rồi cắt mắt để ghép vào thì cây con sẽ giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ."

Bởi ông dự kiến sẽ thu mua, chế biến hạt mắc ca trên địa bàn Lạng Sơn, nên ông quyết định phải làm giống cây mắc ca, để tạo ra những vườn mắc ca có chất lượng đồng đều trên xứ Lạng.

Chia sẻ miễn phí về cây mắc ca

Nếu ai chưa trò chuyện mà mới gặp ông Bằng lần đầu, thì người ta nghĩ ông già hơn cái tuổi 60 của mình rất nhiều. 

Ông kể, năm 2020, Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam nhờ ông lên tỉnh Lai Châu để trao đổi kỹ thuật, cải tạo những vườn trồng mắc ca ở đó, với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Nhưng ông Bằng không đi, ông chọn đi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây mắc ca miễn phí cho bà con nông dân khắp tỉnh Lạng Sơn.

Ông Bằng cho biết: "Nói với bà con mình cũng phải cẩn thận lắm. Mình muốn họ trồng mắc ca thì mình không được chê những cây truyền thống, phương thức canh tác cũ. Mà phải bảo bà con, nếu nuôi con gà để bán thì cũng phải mất công cho ăn ngô, thóc. Cái cây cũng thế, phải chăm sóc, bón phân thì mới trở thành hàng hóa được. 

Việc bón phân cho cây mắc ca rất khó vì giống cây này bón nhiều quá thì bị ngộ độc, cũng không phát triển được. Trong khi đó, bà con hay có thói quen bón một lần cho xong. Do đó, phải chỉ bà con chịu khó bón phân nhiều lần nhưng ít một. Mình phải thấu hiểu tâm lí của đồng bào thì họ mới thay đổi được."

Ông Bằng Mắc Ca xứ Lạng - Ảnh 3.

Ông Bằng ghép cây giống mắc ca hằng ngày. Ảnh: Gia Tưởng

Ông Bằng cho biết thêm, hiện nay, từ vườn ươm giống mắc ca ở Nà Tâm, mỗi năm ông Bằng có thể cung cấp được 50.000 cây giống, với mức giá khoảng 60.000 đồng/cây. 

Từ ngày tham gia sản xuất cây giống, ông Bằng đã góp công tạo ra 140ha vườn mắc ca có chất lượng giống đảm bảo, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Lạng Sơn.

Ông Bằng Mắc Ca xứ Lạng - Ảnh 4.

Một cây mắc ca chăm sóc đúng kỹ thuật sau 2 năm trồng. Ảnh: Gia Tưởng

Ông Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Những kiến thức về canh tác cây mắc ca ở vùng Đông Bắc của ông Lục Văn Bằng nên viết lại một cuốn cẩm nang cho bà con nông dân học tập và làm theo. Ông Bằng có kiến thức sâu sắc về cây mắc ca, có cách trình bày dễ hiểu. 

Nhưng trên hết, ông Bằng có một tấm lòng nhiệt huyết, đam mê cây mắc ca rất lớn. Ông Bằng đã góp phần đưa cây mắc ca phát triển đúng với tiềm năng ở Lạng Sơn, giúp bà con sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa, để làm giàu từ nông nghiệp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem