Người dùng có chấp nhận mua điện thoại Huawei mà không có ứng dụng Google?
Thực tế, Huawei tuyên bố sẽ không thay đổi lịch trình giới thiệu dòng smartphone Honor 20 được tổ chức tại London (Anh) ngày 21/5 trước họp báo ra mắt tại thị trường nội địa ngày 31/5 sắp tới. Đây được xem như động thái cứng rắn của Huawei nhằm đáp trả lệnh hạn chế thương mại và những cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia mà Mỹ áp đặt lên đế chế viễn thông Trung Quốc này.
Tuyên bố của Huawei đưa ra ngay sau khi Google hưởng ứng lệnh hạn chế thương mại đối với Huawei và 68 thực thể pháp lý trong danh sách đen, theo đó đình chỉ chuyển giao mọi phần mềm, phần cứng và dịch vụ kỹ thuật trước khi có sự cho phép của chính phủ Mỹ. Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Qualcomm, Intel… cũng đang tìm cách tuân thủ lệnh hạn chế thương mại của chính quyền ông Trump.
“Chúng tôi đang xem xét và tuân thủ lệnh hạn chế thương mại của chính phủ cũng như lệnh nới lỏng hạn chế thương mại mới đây. Về phía người dùng dịch vụ Google Play và Google Play Protect, các nền tảng này sẽ tiếp tục hoạt động trên mọi thiết bị Huawei hiện có” - một phát ngôn viên của Google cho biết. Tuy vậy, ông này không hề đề cập đến các thiết bị Huawei trong tương lai có hay không nền tảng Google và Google Play.
Liệu người dùng vẫn sẽ mua điện thoại Huawei mà không có ứng dụng Google?
Huawei hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới (sau Samsung và vượt mặt của Apple), với thị phần lên tới 19%. Hệ điều hành smartphone Huawei hiện phụ thuộc vào nền tảng Android Google. Cụ thể, Android là một hệ điều hành nguồn mở dành riêng cho các thiết bị màn hình cảm ứng như smartphone, tablet…; được phát triển bởi Công ty Android với sự hỗ trợ tài chính của Google. Việc Google tuân thủ lệnh hạn chế thương mại mới đây từ chính phủ Hoa Kỳ gần như đồng nghĩa với việc các thiết bị thông minh trong tương lai của Huawei sẽ không có quyền truy cập vào những nền tảng ứng dụng phổ biến của Google như Google Play, Gmail và thậm chí cả Youtube. Liệu người dùng vẫn sẽ mua điện thoại Huawei mà không có ứng dụng Google?
Kiranjeet Kaur, giám đốc nghiên cứu cao cấp của IDC Châu Á - Thái Bình Dương nhận định: những động thái hạn chế áp đặt từ phía Mỹ là cơn ác mộng tồi tệ nhất với bất kỳ công ty nào, không riêng gì Huawei. Tất nhiên, gã khổng lồ viễn thông có thể đã chuẩn bị những bản sao lưu, phát triển nền tảng hệ điều hành riêng thay thế nhưng thói quen của người tiêu dùng không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.
Kaur nói thêm rằng, không phủ nhận việc Huawei có bước tiến lớn với doanh số khổng lồ ở nhiều quốc gia nhờ dòng Nova và Honor ưu việt, nhưng nhu cầu về các thiết bị này chắc chắn sẽ giảm đáng kể nếu dịch vụ của Google không có trên các sản phẩm tương lai của Huawei.
“Huawei đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển và tăng trưởng của hệ điều hành Android trên toàn thế giới. Là một trong những đối tác toàn cầu quan trọng của Android, Huawei đã hợp tác chặt chẽ với nền tảng này để phát triển một hệ sinh thái viễn thông có lợi cho ngành công nghiệp điện tử cũng như người dùng cá nhân.” Một phát ngôn viên của đế chế sản xuất dịch vụ viễn thông lớn nhất hành tinh cho hay trong tuyên bố ngày 20/5. “Công ty sẽ tiếp tục cung cấp bản cập nhật bảo mật mới nhất kèm dịch vụ hậu mãi cho mọi sản phẩm smartphone và máy tính bảng Huawei - Honor hiện có, bao gồm những sản phẩm đã được bán ra và cả những sản phẩm hiện đang lưu kho trên toàn cầu.”
Cũng trong một tuyên bố mới đây, nhà sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi tiết lộ: “HiSilicon, công ty con thuộc đế chế Huawei chuyên về lĩnh vực linh kiện bán dẫn và chip thông minh, đã dành nhiều năm chuẩn bị cho các động thái ứng phó với kịch bản Mỹ cắt quyền truy cập vào ứng dụng, chip và công nghệ tiên tiến”.
Một hệ điều hành độc quyền dành riêng cho smartphone và các thiết bị thông minh của Huawei cũng được phát triển như kế hoạch dự phòng trong trường hợp chính phủ Hoa Kỳ gây sức ép hạn chế thương mại.
Ngay cả khi bị chính quyền Tổng thống Donald Trump chĩa mũi nhọn, Huawei vẫn dành nhiều kỳ vọng cho dòng điện thoại Honor 20 Series tại thị trường châu Âu, một trong những thị trường lớn nhất của Huawei ngoài thị trường nội địa. Tính đến quý IV năm 2018, Huawei nắm giữ 23,6% thị phần trên thị trường châu Âu, tăng tới 14,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, doanh số tại thị trường Châu Âu của hai đối thủ “máu mặt” là Samsung và Apple đều giảm trong quý IV năm 2018, theo báo cáo của Canalys tháng 2/2019.
Thực chất, việc bị mất quyền truy cập ứng dụng Google trên các thiết bị Huawei không phải vấn đề lớn tại thị trường nội địa Trung Quốc - nơi người dùng vốn dĩ quen thuộc hơn với các nền tảng trình duyệt trong nước như Baidu. Tuy nhiên, xét trên thị trường ngoài đại lục, đây lại là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.
Jean Baptiste Su, nhà phân tích kinh tế từ Atherton Research nhận định: "Huawei có thể giảm thiểu các nguy cơ trên thị trường Châu Âu bằng cách hợp tác với các công ty cung cấp ứng dụng ngoài thị trường Mỹ. Smartphone và máy tính bảng từ thương hiệu Huawei và Honor cần phải tốt hơn và rẻ hơn đáng kể so với đối thủ Samsung hoặc thương hiệu nội địa khác như Oppo, Xiaomi...để thuyết phục người dùng sử dụng dù không có ứng dụng và kho ứng dụng của Google."
Kho dữ liệu thống kê IDC cho thấy, chỉ tính trong năm 2018, doanh số tiêu thụ thiết bị điện tử thông minh của Huawei đạt khoảng 206 triệu chiếc, trong đó chỉ có 105 triệu chiếc được bán ra tại thị trường Trung Quốc đại lục. Về cơ bản có thể thấy, khoảng 50% sản phẩm tiêu thụ trong tương lai của Huawei sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc đình chỉ hợp tác với Google.
Huawei hiện đang rơi vào tình huống tương tự như “người đồng hương” ZTE, đối mặt với lệnh hạn chế thương mại khắc nghiệt sau khi bị Chính phủ Mỹ cáo buộc vi phạm các điều khoản trừng phạt. Liệu người dùng có chấp nhận mua điện thoại của Huawei mà không có ứng dụng Google; đó sẽ là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo đế chế viễn thông Trung Quốc phải tìm lời giải đáp.
Thùy Dung/ Theo SCMP