img img
img
img

imgimgặp ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trong Lễ trao giải báo chí toàn quốc Tự hào nông dân Việt Nam 2018 – 2019 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt thực hiện, lập tức chúng tôi đã bị ấn tượng mạnh với phong cách của ông. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ do ông và đội ngũ lãnh đạo tỉnh dày công thực hiện trên đất lửa đã được vinh danh trong loạt bài viết đoạt giải A của giải báo chí năm nay.

Được mời lên chia sẻ về hành trình nâng tầm hạt gạo trên đất lửa, vị Phó Chủ tịch tỉnh không ngần ngại cầm bao gạo trên tay tranh thủ “tiếp thị” sản phẩm trước mặt rất nhiều đại biểu. Ông say sưa nói về quá trình “trải thảm đỏ” mời doanh nghiệp về đầu tư trên đất khó, về quá trình vận động nông dân đổi mới phương thức sản xuất để làm ra hạt gạo ngon và sạch, về hương vị riêng có của bát cơm chắt chiu từ nắng, gió Quảng Trị.

Nhưng ông Hà Sỹ Đồng không chỉ góp phần làm vang danh hạt gạo quê mình, bởi trước đó, ông còn góp phần giúp những cánh rừng dọc dải Trường Sơn hồi sinh sau bom đạn chiến tranh. Còn trên nghị trường Quốc hội, ông lại nổi tiếng với những chất vấn, những góp ý, thảo luận thẳng thắn về những vấn đề đang nóng hoặc gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Sau tất cả những việc làm lớn lao vì những người nông dân Quảng Trị, những người từng biết về con người ông Hà Sỹ Đồng đều có chung nhận xét: Đó là một người có vẻ phong trần, quyết đoán của một người lính, hào sảng của một doanh nhân nhưng vẫn giữ được sự lãng mạn của người con với tình yêu mảnh đất Quảng Trị da diết khi nghe ông cháy hết mình với những bài thơ, những ca khúc về miền Trung ruột thịt…

imgimg
 

Tính đến thời điểm này, ông đã có 8 năm ngồi trên ghế nghị trường Quốc hội (đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ông cũng được mọi người đặt cho biệt danh là “người hay hỏi”, tại sao lại có biệt danh này, thưa ông?

- Tôi nghĩ việc truyền đạt các băn khoăn, trăn trở, ý kiến của cử tri trước Quốc hội là một trong những trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, vì vậy tôi sẵn sàng phát biểu ý kiến, nêu câu hỏi để nhận được những câu trả lời xác đáng mà các cử tri quan tâm.

Ở nhiều kỳ họp của khóa trước, tôi hay chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trên thực tế, ở Quốc hội khóa XIII, lãi suất các ngân hàng vọt lên rất cao, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp phải giải thể tăng chóng mặt. Tôi là đại biểu đầu tiên đưa ra câu hỏi trước Quốc hội, làm sao để giảm lãi suất, nếu giữ lãi suất ngân hàng quá cao, làm sao người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi.

img
img
 

Cũng thời điểm đó, các ngân hàng mọc lên như nấm sau mưa, việc cho thành lập quá nhiều ngân hàng sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chạy đua lãi suất, lãi suất ngầm trong khi hệ thống thể chế chưa hoàn thiện.

Tôi đã đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các thành viên Chính phủ làm thế nào để ổn định tình hình, ổn định kinh tế vĩ mô, những vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp, cả việc nợ đọng văn bản, nợ đọng lời hứa.

Tất cả những câu hỏi sau đó đều nhận được các câu trả lời, có câu chưa được như ý nhưng những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra đã được tiếp thu. Sau đó, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước diễn ra mạnh mẽ.

Đến cuối nhiệm kỳ, tôi nhận thấy các vấn đề căng thẳng, nhức nhối đã hạ nhiệt, có chuyển biến đáng kể, đời sống của người dân được nâng lên, đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân phát triển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được cải thiện.

Tại Quốc hội khóa XIV, tôi cũng có bài phát biểu về sự cố môi trường biển ở miền Trung đang để lại nhiều bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Không chỉ riêng tôi, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn gay gắt, đề nghị xử lý nghiêm vi phạm. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ai cũng mong muốn khoảng cách từ lời nói đến việc làm được rút ngắn chứ không phải là con đường dài nhất.

Ngay tại kỳ họp này, điều gì trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội còn khiến ông trăn trở, muốn đặt những câu hỏi?

- Ngay tại kỳ họp này, theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri cả nước và qua tiếp xúc cử tri, ai cũng nhận thấy bức tranh sáng của nền kinh tế, 12 chỉ tiêu tăng trưởng đều đạt và vượt, đời sống của người dân được cải thiện, các nút thắt cơ chế, thể chế được tháo gỡ.

Nhưng tôi thấy, chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường lại nhức nhối như hiện nay. Dù các chỉ tiêu về môi trường đều được đánh giá hoàn thành nhưng cuộc sống của người dân ảnh hưởng như thế nào thì cần có đánh giá cụ thể.

Đơn cử như vụ cháy Công ty Rạng Đông hay nguồn nước sông Đà ô nhiễm, không khí ở Hà Nội, TP.HCM có những cảnh báo đáng lo ngại. Những vấn đề này nếu không giải quyết dứt điểm sẽ khiến lòng dân không yên, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, mức độ an toàn của cuộc sống chưa được đảm bảo.

Theo tôi, cần có những quan tâm, đánh giá, tăng cường nguồn lực cho môi trường, đặt thêm các trạm quan trắc tại thành phố lớn, khu dân cư, khu công nghiệp để đánh giá chất thải, chất lượng không khí ra sao, đồng thời có biện pháp mạnh mẽ yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội, đóng phí môi trường đầy đủ.

Bên cạnh đó, dù ngân hàng hoạt động tốt, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng nhưng nạn tín dụng đen vẫn hoành hành, lãi suất cao, nhiều người mất nhà ở, tài sản vì tín dụng đen, phải xa quê làm ăn. Điều đáng nói là có nhiều vụ việc chưa được phát hiện, vẫn âm ỉ trong xã hội. Nếu được, tôi rất muốn được hỏi những người có trách nhiệm những câu hỏi đó.

img img

Thưa ông, là đại biểu Quốc hội 2 khóa, theo ông vai trò của đại biểu thể hiện như thế nào với những vụ việc nóng, bức thiết trong xã hội?

- Đại biểu Quốc hội khi ứng cử là đại biểu của dân có nghĩa là đại diện cho tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, chuyển tải ý chí đó đến Quốc hội, cơ quan chức năng để đẩy lùi những nhức nhối trong xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong phát triển kinh tế xã hội, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh.

Cuộc sống diễn ra nhiều điều tốt đẹp, chúng ta cần phải ghi nhận người tốt, mô hình hay phản ánh đến nghị trường để khi báo cáo kinh tế xã hội, báo cáo chuyên đề lồng vào để có tiếng nói từ thực tiễn.

Tôi nghĩ, đã là đại biểu Quốc hội thì trước bất cứ vấn đề gì, ở đâu cũng phải thể hiện vai trò của mình, luôn lắng nghe, có vấn đề cử tri hiểu chưa đúng thì chia sẻ trở lại để hiểu đúng hơn hoặc nếu có phản ánh thì phải phản ánh đúng và trúng.

img
 

Tóm lại, phải nắm bắt thông tin ở nhiều kênh, sau đó tổng hợp lại và phản ánh lại khi tham gia họp, làm việc tại các ủy ban của Quốc hội chứ không chờ đến 2 kỳ họp.

Mới đây trong phiên thảo luận Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ câu chuyện một số đại biểu nói thẳng, nói mạnh đã bị tỉnh chấn chỉnh, thậm chí có đại biểu chất vấn xong Bộ trưởng còn bị Bí thư Tỉnh ủy phê bình “cháy mặt”. Ông có suy nghĩ gì về chuyện này? Bản thân ông cũng hay phát biểu thẳng và thật, có bao giờ ông gặp tình huống như vậy?

- Tôi có nghe thông tin này, một số đại biểu ở địa phương phát biểu rất mạnh, thẳng thắn phê phán thành viên Chính phủ. Điều này cũng có ý nghĩa tích cực, thể hiện trách nhiệm của người đại biểu trước nhân dân.

Việc một số tỉnh, cơ sở phản ứng sợ mất lòng, gây khó khăn cho địa phương tôi nghĩ đó là ứng xử chưa chuẩn mực, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội vì họ phải thực hiện trách nhiệm của mình với cử tri.

Với tỉnh Quảng Trị, trước mỗi kỳ họp, đoàn đại biểu Quốc hội đều tổ chức gặp mặt với lãnh đạo tỉnh để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, các vấn đề tỉnh còn trăn trở thì đoàn tiếp thu, phản ánh trở lại.

Có những vấn đề chúng tôi đề nghị tỉnh giải quyết, xử lý, có những vấn đề gửi đến Quốc hội. Chúng tôi nói thẳng nhưng nói đúng, trúng nên chưa xảy ra việc tỉnh can thiệp vào hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Thưa ông, liên quan đến Luật sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có ý kiến tranh luận tăng số đại biểu chuyên trách lên con số cao hơn 35% dù hiện tại chưa đạt được con số này, các lãnh đạo tỉnh, bộ trưởng không nên tham gia để thuận lợi hơn cho công tác đại biểu. Cá nhân ông vừa là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa là đại biểu, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Câu hỏi rất hay, tôi nghe có nhiều người đồng tình với ý kiến đó. Theo tôi tất cả vấn đề của đất nước nếu có sự tham gia của người giám sát và người phản biện thì Quốc hội sẽ mạnh hơn, nếu chỉ có giám sát với nhau thì có những vấn đề không thể hiểu sâu được.

Ví dụ, Quốc hội thảo luận vấn đề có liên quan, bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh là đại biểu ở đó có thể giải trình luôn, không cần chờ đến phiên chất vấn. Việc có đầy đủ các thành phần với cơ cấu hợp lý sẽ giúp chất lượng hoạt động của Quốc hội cao hơn.

img img
imgimg
 

Những cánh rừng Quảng Trị có lẽ là nơi ông Hà Sỹ Đồng gắn bó nhiều nhất và lâu nhất, từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bởi ở đó có những ngày thanh xuân trong quân ngũ, có những ngày lăn lộn cùng cán bộ, nhân viên Công ty Lâm nghiệp Bến Hải và người dân trồng rừng theo một quy trình chưa từng có.

Ông Đồng nhớ lại, những năm sau chiến tranh, độ che phủ rừng ở Quảng Trị chỉ còn 19%, những cánh rừng tan hoang sau bom đạn. Trước áp lực phát triển kinh tế xã hội vẫn tiếp tục mở cửa rừng tự nhiên nên rừng bị suy kiệt.

Làm quản lý ở Công ty Lâm nghiệp Bến Hải ông đã rất trăn trở làm sao phát huy tốt chức năng của rừng, nâng cao sinh kế cho người dân sống gần rừng mà vẫn bảo tồn đa dạng sinh học. Và kết quả của những ngày tháng vất vả là hàng chục nghìn hecta rừng đạt được chứng chỉ rừng bền vững (FSC) vô cùng uy tín, Công ty Bến Hải mà đại diện là ông Hà Sỹ Đồng là đơn vị chủ rừng đầu tiên ở Việt Nam nhận được chứng chỉ quý giá này.

img img

Xin được quay trở lại với những cánh rừng ở Quảng Trị, nơi ông đã có thời gian gắn bó và có những đóng góp vô cùng to lớn để đưa Quảng Trị là địa phương đầu tiên đạt được chứng chỉ rừng bền vững. Làm thế nào để tỉnh phát triển được hơn 22.000ha rừng có chứng chỉ, thưa ông?

- Thời làm quản lý ở Công ty Lâm nghiệp Bến Hải tôi rất đau đáu về chuyện này, Suy nghĩ nhiều lắm tìm hướng đi. Sau đó, tôi tham gia đoàn học tập kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ rừng ở các nước và năm 2006 được tiếp cận với chứng chỉ rừng bền vững (FSC) đã được Hội đồng Quản trị rừng thế giới áp dụng ở nhiều nước. Nhận thấy sự ưu việt của chứng chỉ này nên Công ty Bến Hải quyết tâm áp dụng.

Nhưng phải nói thật là chúng tôi không lường hết được những khó khăn. Việc áp dụng chứng chỉ FSC ở Việt Nam đã khó, ở Quảng Trị càng khó hơn, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ nhà quản lý, doanh nghiệp đến người dân, tất cả phải vào cuộc mạnh mẽ, xây dựng kế hoạch phát triển rừng bền vững.

Khó là bởi, tiếp cận với FSC có nghĩa chúng tôi phải trồng, chăm sóc rừng theo một nguyên tắc hoàn toàn mới với 10 nguyên tắc, 56 tiêu chí liên quan, không chỉ những diện tích rừng của công ty phải đảm bảo nguyên tắc này mà cả người dân cũng phải đồng thuận.

img
img

Năm 2008, Hội đồng quản trị rừng thế giới đánh giá mô hình của Bến Hải và nhận xét còn nhiều lỗi, chưa đạt, chúng tôi vẫn quyết tâm đi theo con đường này và may mắn năm 2010 thì thành công, Bến Hải trở thành đơn vị chủ rừng đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC.

Từ thành công này, các đơn vị khác cũng học tập, mang lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo quyền lợi hài hòa của các bên tham gia trồng rừng, quan trọng là bảo tồn rất tốt đa dạng sinh học.

Việc phát triển vốn rừng ở một nơi có nhiều tàn tích chiến tranh như Quảng Trị hẳn không hề đơn giản, đúng không, thưa ông?

- Quảng Trị là mảnh đất chịu hậu quả nặng nề của bom đạn chiến tranh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông, lâm nghiệp, trong quá trình phủ xanh rừng dễ gặp rủi ro. Với quan điểm coi tính mạng con người là trên hết nên trước khi triển khai trồng rừng chúng tôi thuê các đơn vị có năng lực rà phá bon mìn, nơi nào nhạy cảm khoanh vùng lại.

Khó khăn thứ hai chính là tâm lý nghi ngại của người dân về chứng chỉ FSC. Theo quy trình cũ, người dân trồng rừng theo phương thức rất đơn giản, nhưng theo quy trình mới, bà con phải ghi nhật ký trồng, chăm sóc, thậm chí vào rừng cũng phải có trang phục khác.

Trước bà con khai thác chu kỳ ngắn nhưng nay phải phân kỳ để giữ độ che phủ, bảo vệ những loại động thực vật dễ tổn thương.

Nhưng vượt qua được khó khăn ấy, trồng rừng theo FSC sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về kinh tế và môi trường. Hiệu quả kinh tế có thể tăng 30 – 40%, thậm chí 50% do rừng khai thác là rừng gỗ lớn.

Nhưng điều quan trọng hơn, tham gia FSC, sức khỏe của người trồng rừng được bảo vệ, môi trường không bị tổn thương, gỗ có nguồn gốc xuất xứ nên tiêu thụ thuận lợi, ở đâu cũng được. Đây chính là một trong những động lực để người dân, chủ rừng mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ FSC ở Quảng Trị lên đến 20.000ha.

imgimg
 

Ít ai biết ở nơi đất lửa, hạt gạo hấp thụ tinh túy của đất trời, cộng với quy trình canh tác hữu cơ chặt chẽ đã tổng hợp được hai hợp chất quý đó là Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng hỗ trợ điều trị các loại bệnh liên quan đến chuyển hóa như tiểu đường, béo phì, bệnh gút và đã được Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản) xác nhận. Nói về thành quả này, ông Hà Sỹ Đồng chỉ nói ngắn gọn: Đó là công của những người nông dân hai sương một nắng…

img img
img
img

Được biết, Quảng Trị đang trong quá trình phát triển rất mạnh mẽ các mô hình sản xuất hữu cơ, gạo hữu cơ Quảng Trị đã trở thành sản phẩm nổi tiếng. Xin ông cho biết kết quả phát triển các sản phẩm hữu cơ của tỉnh hiện nay ra sao?

- Thế giới ngày càng coi trọng những sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, trong khi đó, nông dân nhiều nơi vẫn lạm dụng quá nhiều các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chưa bao giờ tôi thấy người tiêu dùng lại hoang mang đến vậy, ăn cái gì cũng sợ. Đây là một tồn tại, nhức nhối trăn trở, vì vậy chúng tôi xác định phải hướng dẫn người nông dân sản xuất sạch, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm.

img

Để làm được điều này, Quảng Trị đã làm tốt công tác quy hoạch, rà soát lại diện tích đất đai, đất bạc màu, đồng khô cỏ cháy, nhiễm phèn được cải tạo lại, tích tụ thành cánh đồng lớn và đặt mục tiêu các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn hữu cơ, bắt đầu thí điểm với lúa gạo, sau đó là thực hiện trên cây cam, chanh leo, dứa,...

Chúng tôi thực thực thí điểm từ năm 2016, trên cơ sở đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với bộ cây - con chủ lực được xác định theo từng tiểu vùng khí hậu. Quy mô làm từ hộ gia đình đến hợp tác xã, sau đó lan tỏa đến xã, đến huyện với các chính sách đi kèm. Điều đáng mừng là, sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị sau khi kiểm nghiệm đều đạt chất lượng tốt.

Theo phân tích của Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản), bên cạnh việc đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, gạo hữu cơ Quảng Trị còn có 2 hợp chất có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, gút, đó là Momilactone A và Momilactone B. Chúng tôi cũng xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã vạch truy xuất nguồn gốc với quan điểm có vấn đề gì về chất lượng sản phẩm thì từng đơn vị liên đới chịu trách nhiệm.

Hiện, diện tích nông sản hữu cơ của tỉnh đã tăng lên 1.000ha. Sản xuất lúa hữu cơ cũng như các sản phẩm khác, nông dân Quảng Trị không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh, chỉ sử dụng phân hữu cơ nhưng vẫn cho năng suất ngang và cao hơn sản xuất truyền thống.

Chúng tôi sẽ kết hợp với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để đưa sản phẩm ra thị trường, muốn làm được điều này phải liên kết với doanh nghiệp, mà muốn xây dựng chuỗi liên kết thì phải tạo được niềm tin với doanh nghiệp.

Để có niềm tin, người dân phải sẵn sàng hợp tác, đội ngũ cán bộ từ tỉnh xuống cơ sở phải vào cuộc quyết liệt. Chúng tôi hy vọng với mối liên kết chặt chẽ của nhiều “nhà”, Quảng Trị sẽ mở rộng được nhiều cánh đồng hữu cơ, gắn với nhà máy chế biến và hệ thống tiêu thụ khép kín.

img img

Ông có thể nói gì về hai hợp chất quý được phát hiện ở gạo hữu cơ Quảng Trị?

- Đây là điều bất ngờ, đất không phụ lòng người Quảng Trị đã dày công một nắng hai sương. Từ kết quả này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh thâm canh để có thêm những sản phẩm an toàn chắt lọc tinh túy của đất trời Quảng Trị cung cấp cho người tiêu dùng. Tôi nghĩ, công này phần lớn thuộc về người nông dân, chính họ đã làm hồi sinh những cánh đồng chết.

img
img

Quảng Trị cũng rất thành công trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đội ngũ lãnh đạo tỉnh có bí quyết gì để “giữ chân” được doanh nghiệp ở nơi được đánh giá còn nhiều khó khăn?

- Ở đâu có môi trường kinh doanh tốt thì doanh nghiệp tìm đến, đất lành thì chim đậu. Xác định chủ trương như vậy nên ngoài những chính sách ưu đãi đầu tư chung, Quảng Trị cũng có chính sách riêng về thuế, nguồn nhân lực, đặc biệt là về đất đai.

Để tích tụ được đất đai chúng tôi tập hợp những nông dân tiên phong, thành lập hợp tác xã, hỗ trợ kinh phí để hợp tác xã hoạt động, muốn sản xuất hữu cơ, phải có cánh đồng liền vùng liền thửa, phải có sự đồng thuận giữa các hộ, nên việc thành lập hợp tác xã là bắt buộc.

Cứ như vậy, từ dưới làm lên, từ trên làm xuống, từ trong làm ra từ ngoài làm vào, dù chưa thành công 100% nhưng Quảng Trị đã hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng.

Vụ Đông Xuân 2018 - 2019 là vụ thứ 4 tỉnh Quảng Trị thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên cơ sở liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam.

Với gần 500 ha lúa hữu cơ, sản lượng lúa tươi thu được gần 3.000 tấn, tổng thu nhập của mô hình 24 tỷ đồng, lãi toàn mô hình là 13 tỷ đồng, với hai giống chủ lực là ST24 và RVT. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha lúa hữu cơ/2 vụ là 96 - 110 triệu đồng. Đó là chưa kể, môi trường cực kỳ trong lành, do không sử dụng hóa chất nên ruộng lúa đầy tôm, cá.

Định hướng của tỉnh trong thời gian tới về phát triển nông nghiệp hữu cơ là gì, thưa ông?

- Hiện diện tích sản xuất hữu cơ của tỉnh đạt 1.000ha, năm 2020 nâng lên 2.000ha và nâng theo lũy tiến hàng năm với các cây hồ tiêu, lúa, chanh leo, dứa, cam, một số vật nuôi như bò, heo, tôm… Nhân đây, tôi kiến nghị Bộ NNPTNT sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ để nông dân, doanh nghiệp áp dụng cho hiệu quả. Mục đích cuối cùng của việc xây dựng những cánh đồng hữu cơ cũng là để nâng cao thu nhập người dân, biến mọi vùng quê của Quảng Trị thành những miền quê đáng sống.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem