Người lao động chịu khốn khổ vì ăn "bánh vẽ" từ xuất khẩu lao động

Thùy Anh - Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 05/03/2021 13:40 PM (GMT+7)
Xuất khẩu lao động ngỡ sẽ làm đổi thay cuộc đời của người nghèo, nhưng trong nhiều vụ việc lại khiến họ đã nghèo, nay càng nghèo hơn. Ngoài nguyên nhân khách quan, thì có những nguyên nhân chủ quan đến từ chính công tác quản lý về xuất khẩu lao động.
Bình luận 0

Lao động ôm cục nợ vì "sơ suất" trong quản lý xuất khẩu lao động

Ngày 4/3 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ LĐTBXH và UBND 6 tỉnh thành.

Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2018, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm.

Một trong những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của lao động đó là, Cục Quản lý lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản. Điều này dẫn đến, trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000 - 8.000 USD/1 lao động); Đồng thời tham mưu ban hành nhiều văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật bản.

Đang làm công nhân tại Công ty Sam Sung Thái Nguyên với mức thu nhập khoảng 12-14 triệu/tháng, anh Vũ Ngọc Đức (32 tuổi, quê thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) quyết định xin nghỉ với mong muốn đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản để sau này có vốn làm ăn, vợ con đỡ vất vả.

Năm 2019, anh nộp số tiền 15 triệu học phí cho một công ty xuất khẩu lao động tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, phía công ty hứa hẹn sẽ có suất cho anh đi lao động bên Nhật với mức lương hấp dẫn.

“Tin lời họ tôi nộp tiền đăng ký học nhưng việc đào tạo mình họ lại giao cho một công ty khác. Tôi học tiếng mất hơn nửa năm. Trong quá trình học, họ yêu cầu tôi đóng thêm 1.000 USD nói là trình sang Nhật Bản để tôi được sang bên đó lưu trú”, anh Đức kể lại.

xuất khẩu lao động

Anh Đức ngậm ngùi khi tin việc sẽ được đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Ảnh: Gia Khiêm

Năm 2020, anh Đức nhiều lần ngỏ ý hỏi bao giờ tới lượt mình đi nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ công ty xuất khẩu lao động. “Họ nói do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tôi không thể sang được. Suốt gần 2 năm qua, tốn bao nhiêu công sức học tập giờ thành ra không được một việc gì.

Số tiền tôi đặt cọc 1.000 USD để trình sang Nhật làm thủ tục tôi muốn lấy lại nhưng sau nhiều lần hứa hẹn họ thông báo tôi chỉ nhận lại được 500 USD. Một nửa còn lại họ nói đó là mất lệ phí. Tôi không hài lòng với cách làm đó nên đang yêu cầu họ trả lại toàn bộ cho mình”, anh Đức nói.

Hiện tại, sau nhiều ngày tháng bỏ công sức học đi Nhật Bản bất thành, anh Đức cũng chỉ đành ở nhà tìm kiếm công việc mới để lo cho vợ con. Không chỉ riêng anh Đức mà còn rất nhiều trường hợp người lao động cũng chung tình trạng tương tự như anh.

Người lao động chịu khốn khổ vì ăn "bánh vẽ" từ xuất khẩu lao động - Ảnh 2.

Anh Đức chia sẻ tờ hóa đơn đóng tiền đi XKLĐ.

“Giờ công việc xuất khẩu lao động bỏ dở nên sắp tới tôi sẽ tìm công việc mới để làm. Tôi cũng mong không bị mất oan số tiền mồ hôi công sức mình đã bỏ ra”, anh Đức chia sẻ thêm.

Cùng chung nỗi niềm, anh Lê Văn Sáng (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) từng là nạn nhân của bên môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Anh sáng cho biết, năm 2014, anh đi học tiếng Nhật, sau đó được một người quen làm môi giới XKLĐ giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài qua Công ty H.L tại Long Biên. Sau 6 tháng học tiếng, anh được cấp visa đi làm việc ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tổng số tiền phí, tiền học để anh có thể đi Nhật lên tới hơn 200 triệu đồng.

Anh Sáng kể: "Sau hơn 1 tháng làm việc tại Nhật Bản thì công ty nói tôi vi phạm kỷ luật lao động, hành vi được xem là vi phạm của tôi không được đề cập trong hợp đồng. Tuy nhiên công ty vẫn ép tôi về nước và không trả tiền cọc chống trốn lên tới 100 triệu đồng của tôi".

Sau nhiều tháng, nhờ sự giúp đỡ của báo chí, phía công ty mới chịu làm thủ tục đề nghị ngân hàng thanh toán tiền và trả lại tiền ký quỹ cho anh Sáng. May mắn được lấy lại khoản tiền ký quỹ, nhưng anh đã mất hơn 100 triệu đồng. Toàn bộ khoản tiền chi phí đi anh đều phải vay mượn và không có khả năng trả nợ.

"Suốt 3 năm qua tôi phải đi làm phụ hồ, làm thuê mướn, tích cóp mãi với đủ tiền trả nợ ngân hàng", anh Sáng nói.

Công ty nói gì về việc thu phí dịch vụ đi xuất khẩu lao động giá cao?

Một đại diện của Công ty XKLĐ Lacoli (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, trong suốt một thời gian dài, người lao động không được cung cấp thông tin minh bạch về phí dịch vụ đi XKLĐ. Mỗi công ty thu một kiểu, với nhiều mức phí khác nhau.

xuất khẩu lao động

Lao động Việt Nam đi XKLĐ tại Nhật Bản. Ảnh: N.Tạ

Trước đó các văn bản hiện hành không có quy định cụ thể về mức phí dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chính vì thế, có đơn vị thu phí dịch vụ cao gấp 5-7 lần tiền lương cơ bản tháng của người lao động (khoảng từ 20-25 triệu đồng/tháng), tương đương từ 5.000 -7.000 USD (khoảng từ 130 -150 triệu đồng).

"Giữa mặt bằng chung tất cả doanh nghiệp đang thu phí cao, nếu bạn thu phí dịch vụ, chi phí đi thấp thì người lao động lại không tin. Nguyên nhân vẫn là do lao động không có thông tin chính thống".

Đại diện Công ty XKLĐ Lacoli

Lý do các công ty này thu phí cao là bởi công ty chi quá nhiều cho đội ngũ cò mồi, môi giới lao động. Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí và nguy cơ lừa đảo lao động.

Là đơn vị XKLĐ, công ty Lacoli đưa ra mức phí rất thấp (3.600 USD), tính cả tiền ăn học và chi phí bay chỉ  hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí thấp không đồng nghĩa với việc sẽ tuyển được nhiều lao động. Không thông qua cò mồi, môi giới, việc tuyển lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Đôi khi chi phí thấp, lao động vẫn không tin tưởng, không đi.

"Tôi kiến nghị Bộ LĐTBXH nên tiếp tục có văn bản hướng dẫn về thu phí dịch vụ với các doanh nghiệp XKLĐ. Đặc biệt, cần truyền thông, công bố thông tin mức phí rộng rãi hơn tới người lao động ở tất cả địa phương để lao động biết đến các công ty XKLĐ có mức phí thấp, làm ăn chất lượng cho lao động được biết", vị đại diện này kiến nghị.

Khoản 4 Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ được phép thu từ người lao động như sau:

- Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển, mức trần là không quá 1,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc.

- Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động.

- Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng, thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động;

- Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức trần tiền dịch vụ thấp hơn các quy định trên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem