Người lao động nên được nghỉ Tết âm lịch ít nhất 8 ngày?

Theo Lao Động Thứ sáu, ngày 30/09/2022 17:41 PM (GMT+7)
Năm nào cũng vậy, vào khoảng quý III các bộ, ngành lại bàn, tính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định năm nay người lao động (chủ yếu là công chức, viên chức và công nhân) được nghỉ bao nhiêu ngày vào dịp tết âm lịch.
Bình luận 0

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đơn vị vận tải, người lao động xa quê… lại ngóng trông xem Thủ tướng quyết định cho nghỉ bao nhiêu ngày để sắp xếp kế hoạch sản xuất kinh doanh và công việc cá nhân. Tôi thấy cách làm này không chỉ mất thời gian của các cơ quan quản lý mà còn gây nên sự bị động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và  kế hoạch cá nhân của người lao động (hợp đồng sản xuất kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có thể được các doanh nghiệp ký trước hàng năm). 

Người lao động nên được nghỉ Tết âm lịch ít nhất 8 ngày? - Ảnh 1.

Người lao động cần có thêm ngày nghỉ để di chuyển.

Chúng ta biết rằng thời gian nghỉ tết âm lịch thuộc nhóm chính sách cơ bản của nhà nước tác động đến toàn thể xã hội nên không thể thỏa mãn được nhu cầu riêng biệt của tất cả mọi người. Người lao động muốn nghỉ dài ngày nhưng các doanh nghiệp lại không muốn, vì họ phải trả lương nhiều ngày người lao động không làm việc.

Thời gian nghỉ tết dài cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, nguồn thu của ngân sách…(tất nhiên có những ngành được hưởng lợi như vận tải, du lịch…). Vì vậy, thời gian nghỉ tết âm lịch phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp và xã hội.

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ tết cũng phải tính đến thời gian di chuyển bằng các phương tiện khác nhau của người dân giữa các vùng miền trong cả nước (máy bay, tàu hỏa, xe khách đường dài... vì không phải ai cũng đủ điều kiện để đi máy bay)  và năng lực của ngành vận tải.

Từ những suy nghĩ trên tôi kiến nghị các phương án nghỉ tết áp dụng cho tất cả các năm. Nếu năm nào có sự thay đổi thì Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ ngành và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quý II để các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động chủ động trong công việc. Phương án tôi kiến nghị dựa trên các nguyên tắc sau đây:

- Người lao động được nghỉ tết âm lịch ít nhất 8 ngày, bao gồm 2- 3 ngày giáp tết và từ 2-3 ngày sau ngày mùng 3 tết. Cần phân định như vậy vì tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) có những năm chỉ có 29 ngày. Nguyên tắc này đảm bảo người lao động được nghỉ 3 ngày tết và có ít nhất 2-3 ngày trước tết và 2-3 ngày sau tết để di chuyển. Trong thực tế phần lớn người lao động di chuyển bằng phương tiện thông thường là xe khách đường dài, tàu hỏa. Đường bộ từ các tỉnh biên giới phía bắc đến TP. Cà Mau khoảng trên dưới 2.000km (TP. Cà Mau-Tam Đường, Lai Châu: 2.363 km; TP. Cà Mau- Móng Cái:2.241 km; TP. Cà Mau-Bắc Mê, Hà Giang: 2.342km…) xe khách đường dài chạy với vận tốc trung bình 50km/giờ sẽ hết khoảng từ 38-48 tiếng nên cho nghỉ ít nhất 2 - 3 ngày để di chuyển đối với những người di chuyển xa là hợp lý (những trường hợp thuộc xã biên giới, hải đảo…sẽ áp dụng chính sách đặc thù).

- Nguyên tắc nghỉ bắc cầu: Khi đã thỏa mãn điều kiện người lao động được nghỉ 2- 3 ngày trước ngày mùng 1 tết và 2-3 ngày sau ngày mùng 3 tết, nếu có một ngày xen kẹt giữa ngày nghỉ tết và ngày lễ thì cho nghỉ liên tục và sẽ làm bù vào trước hoặc sau tết. Đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp sự nghiệp công lập thống nhất phương án làm bù trước tết, đối với các doanh nghiệp và tổ chức khác thì tự thỏa thuận thời gian làm bù với người lao động. Thời gian làm bù cần đảm bảo người lao động được nghỉ đủ 5 ngày làm việc và đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp (người lao động nếu được nghỉ quá dài so với các nước khác cũng sẽ giảm tính cạnh tranh trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam).

- Nếu trước tết tính từ ngày thứ 7 (theo tuần) cuối cùng của năm âm lịch đến ngày mùng 1 tết mà quá 4 ngày thì cho làm bù vào ngày thứ 7 này luôn và nghỉ tết từ ngày Chủ nhật.

- Nguyên tắc lấy ngày mùng một tết để căn (lấy ngày mùng 1 làm chuẩn, làm trung tâm) và cho các ngày từ thứ 2 đến Chủ nhật lần lượt rơi vào ngày mùng 1 tết để tính các ngày nghỉ trước và sau ngày mùng 1 tết (tức là ngày mùng 1 tết không vào ngày thứ 2 thì sẽ vào các ngày còn lại trong tuần). Như vậy từ thứ 2 đến Chủ nhật có 7 ngày thì sẽ có 7 trường hợp xảy ra. Ngoài ra tháng Chạp có năm thiếu chỉ có 29 ngày nên mỗi trường hợp sẽ được tính cho cả tháng Chạp đủ và tháng chạp thiếu.

         PHƯƠNG ÁN CỤ THỂ NHƯ SAU:

I.Năm âm lịch ngày mùng 1 tết là ngày thứ 2

1.1 Nghỉ từ 29 Chạp đến hết ngày 7 tết là 9 ngày 

 1.2. Nghỉ từ 28 tháng Chạp đến hết ngày 7 tết là 9 ngày (đối với tháng Chạp thiếu)

 II.Năm âm lịch ngày mùng 1 tết là ngày thứ 3

2.1 Nghỉ từ 28 tháng chạp đến hết ngày 06 tết  là 9 ngày

 2.2.Nghỉ từ ngày 27 tháng Chạp đến hết ngày 6 tết là 9 ngày (đối với tháng Chạp thiếu)

III. Năm âm lịch ngày mùng 1 tết là ngày thứ 4

3.1. Nghỉ từ ngày 27 tháng Chạp đến hết ngày 5 tết là 9 ngày

 3.2. Nghỉ từ ngày 26 tháng Chạp đến hết ngày 5 tết là 9 ngày (đối với tháng Chạp thiếu)

 IV. Năm âm lịch ngày mùng 1 tết là ngày thứ 5

4.1. Nghỉ từ ngày 27 tháng Chạp đến hết ngày ngày 5 tết là 9 ngày

 4.2. Nghỉ từ ngày 26 đến hết ngày 5 tết là 9 ngày (đối với tháng Chạp thiếu)

 V. Năm âm lịch ngày mùng 1 tết là ngày thứ 6

5.1. Nghỉ từ  ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày ngày 6 tết là 8 ngày

 5.2. Nghỉ từ ngày 28 tháng chạp đến hết ngày ngày 6 tết là 8 ngày (đối với tháng Chạp thiếu)

 VI. Năm âm lịch ngày mùng 1 tết là ngày thứ 7

6.1. Nghỉ từ ngày 28 tháng chạp đến hết ngày ngày 5 tết là 8  ngày

6.2. Nghỉ từ ngày 27 tháng chạp đến hết ngày ngày 5 tết là 8 ngày (đối với tháng Chạp thiếu)

VII. Năm âm lịch ngày mùng 1 tết là ngày Chủ nhật

7.1. Nghỉ từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày ngày 8 tết là 10 ngày

7.2. Nghỉ từ ngày 28 tháng chạp đến hết ngày ngày 8 tết là 10 ngày (đối với tháng Chạp thiếu)

Trên đây là các phương án tính ngày nghỉ tết theo ý kiến của cá nhân tôi dựa trên quy định nghỉ 5 ngày vào dịp tết Nguyên đán. Còn về số ngày nghỉ tết tôi muốn được tăng thêm từ 2-3 ngày vì đối với người Việt nghỉ tết có yếu tố tâm linh nên được mọi người  quan tâm nhiều hơn nghỉ phép hàng năm.

Nếu tổng thời gian nghỉ trong năm của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác thì giải quyết bằng phương án làm bù hoặc giảm thời gian nghỉ phép nhằm tạo thuận lợi cho người lao động xa nhà và giảm áp lực về giao thông vận tải.

Mong rằng số ngày nghỉ tết năm nay sẽ đáp ứng được nguyện vọng của nhiều người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem