Người lính mù huyền thoại…

Thứ tư, ngày 30/04/2014 08:37 AM (GMT+7)
Trong chuyến lên thăm và tặng quà cho đồng bào Cơ Tu nghèo ở huyện Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi được ghé thăm nhà Alăng Bhuôch (SN 1933) trú tại thôn Aruung, xã Bhalêê - Anh hùng Lực lượng vũ trang, một huyền thoại trên đỉnh Trường Sơn.
Bình luận 0
Trước đó, chúng tôi đã được nghe kể về ông, một thanh niên bị mù từ nhỏ nhưng lại là một dân công hoả tuyến trực tiếp “gùi” 180 tấn lương thực, vũ khí… phục vụ chiến trường những năm đánh Mỹ. Sau chiến tranh, người đàn ông mù ấy lại mò mẫm khai hoang xây dựng đời sống mới…

Gia đình Alăng Bhuoch đi làm về.
Gia đình Alăng Bhuoch đi làm về.

Già Bhuôch kể rằng: Năm lên 7 tuổi, ông bị một trận sốt ác tính. Sau trận sốt, đôi mắt ông bị mù và từ đó sống trong bóng tối, cây gậy là bạn đồng hành để ông đi lại, đi gùi nước, gùi củi… giúp mẹ. Sau năm 1954, miền Nam trở thành tiền tuyến lớn, đồng bào Cơ Tu hăng hái gia nhập dân công, du kích, hợp sức đánh Mỹ - ngụy. Mắt ông tuy mù nhưng vẫn quyết tâm làm những gì mà cách mạng cần. Và thế là ông tham gia dân công, trực tiếp gùi hàng phục vụ cho chiến trường đánh Mỹ.

Năm 1958, với chiếc gùi bằng mây song của mẹ trao cho và chiếc gậy trên tay, ông đã cùng đoàn dân công các xã Avương, Anông, Ba Đun, Atiêng, Cơgiêr trực tiếp chuyển lương thực ngược lên vùng Arơch, Voòng, Dâm... liên tục 3 năm trời. “Mình còn nhớ, những ngày đầu dò đường, trên vai hàng nặng khoảng 30-40kg, đi không kịp, đã nhiều lần bị đơn vị bỏ lại sau, mình buồn lắm, nhưng với sự kiên trì, dần thành quen nên mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao”- ông Bhuôch nhớ lại. Vào những năm 1963 - 1968, Alăng Bhuôch được điều động đi vận chuyển súng đạn. Sau này về đoàn Trung Sơn, trực thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, ông còn nhớ có đợt 3 tháng liền hầu như không trọn giấc ngủ. Ngày đêm ông gùi vũ khí, đạn dược trên vai với trọng lượng bình quân 60-100kg.

Theo thành tích lưu lại trong hồ sơ xét công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thì từ năm 1958 - 1972, ông Bhuốch đã gùi được hơn 180 tấn hàng các loại, trong đó 120 tấn vũ khí, 62 tấn lương thực, để phục vụ chiến trường. Có lần ông đã gùi cả thân và đầu khẩu DKZ nặng gần trăm cân, trong khi cơ thể thì gầy nhom chỉ nặng có 50kg, lại còn mù 2 mắt. Ông cũng đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được đi báo cáo điển hình trong toàn quân.

Năm 1972, do sức khỏe giảm sút, ông về nghỉ. Nhưng về quê, Alăng Bhuôch lại tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp lương thực cho cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mãi sau năm 1975, ông mới cưới một đồng đội cùng tham gia dân công hoả tuyến nhưng vì bị chất độc da cam nên bà không thể sinh con, bà đã tìm vợ khác cho ông, cũng là một đồng đội của 2 người, và họ đã có 2 người con đặt tên là Nước và Núi.

Ông Alăng Đàn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang khẳng định: Chính Alăng Bhuốch là người đầu tiên làm cuộc "cách mạng" đưa mô hình lúa nước vào sản xuất ở Tây Giang. Từ đó, đồng bào ai cũng học tập theo và từng bước đẩy lùi được cái đói nghèo. Ông còn được mệnh danh là “người hùng trên mặt trận chống đói nghèo” trên dãy Trường Sơn.
Lê Quốc Kỳ (Lê Quốc Kỳ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem