Người mua bằng giả của Đại học Đông Đô có bị liên đới trách nhiệm?

Quang Minh Thứ năm, ngày 23/12/2021 14:08 PM (GMT+7)
Hôm nay (23/12), Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa 10 bị cáo trong vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô ra xét xử sơ thẩm. Ở góc độ pháp lý, những người mua bằng giả của Đại học Đông Đô có bị liên đới trách nhiệm?
Bình luận 0

Người mua bằng giả sẽ bị xử phạt hành chính

Nêu quan điểm về vụ việc người mua bằng giả ở Đại học Đông Đô, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc học giả, bằng thật, năng lực kém, thiếu kỹ năng chuyên môn dẫn đến rất nhiều hệ lụy, tổn hại nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và công chức...

Nếu bác sĩ không có chuyên môn mà thăm khám, cấp phát thuốc, chữa bệnh sẽ nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người, giáo viên không có bằng cấp mà đứng lớp cũng sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, để những cán bộ thiếu trình độ tồn tại trong bộ máy Nhà nước là điều không thể chấp nhận được.

Theo luật sư Tùng, đối với những đối tượng tạo ra những văn bằng chứng chỉ giả, cần phải xử lý nghiêm. Người mua bằng giả cũng sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi mua bằng giả.

Cụ thể, tại khoản 3 điều 21 Nghị định 04/2021/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ.

Người mua bằng giả của Đại học Đông Đô có bị liên đới trách nhiệm? - Ảnh 1.

Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: Nguyễn Đức.

"Như vậy, không chỉ người cung cấp, mà cả người tham gia mua bằng cấp cũng phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật bởi hành vi đều là gian lận để được cấp chứng chỉ, văn bằng", luật sư Tùng nói.

Ngoài ra, người mua bằng còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung buộc hủy bỏ văn bản có nội dung trái pháp luật; hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ được cấp lại không đúng quy định của pháp luật hiện hành về nội dung hoặc thẩm quyền đối với hành vi vi phạm.

Một số trường hợp được cấp văn bằng giả sử dụng văn bằng đó để để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, thi nâng ngạch thanh tra viên hoặc kê khai hồ sơ cán bộ. Những trường hợp này còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Cụ thể, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Hiệu trưởng có thể bị phạt đến 7 năm tù

Luật sư Tùng cho biết thêm, đối với Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô và 9 đồng phạm cũng sẽ bị truy tố ở tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, với mức phạt tù có thể từ 03 năm đến 07 năm.

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 539 Bộ luật hình sự 2015, những người này còn phạm tội "Giả mạo trong công tác": Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm; làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Như vậy, tùy vào mức độ hành vi vi phạm của từng người mà mức xử phạt có thể lên tới 23 năm tù.

Người mua bằng giả của Đại học Đông Đô có bị liên đới trách nhiệm? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa.

Đối với bị cáo Trần Khắc Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, ngoài phải chịu các tội danh nêu trên, khi bị bắt còn phải chịu thêm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử được quy định tại Điều 386 Bộ luật hình sự 2015. Với các tội danh trên, bị cáo Hùng có thể bị phạt lên tới 26 năm tù.

Chia sẻ quan điểm về vụ việc bạn đọc Thanh Tùng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, hiện tượng sử dụng bằng giả và "chạy" bằng cấp đã gây nhiều bức xúc trong xã hội trong suốt thời gian qua. Đây không phải chuyện mới nhưng tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều, cần phải xử lý nghiêm minh nhằm bảo đảm sự công bằng và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ một cách thiết thực nhất.

"Việc học hành phải đến nơi đến chốn, phải trải qua thi cử nghiêm túc, vốn tri thức phải được rèn luyện, bồi đắp theo thời gian. Chính vì vậy, tôi mong rằng cơ quan chức năng phải làm nghiêm, xử lý mạnh tay đối với những người vi phạm", anh Thanh Tùng nói.

Sáng nay (23/12), Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã đưa 10 bị cáo trong vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô ra xét xử sơ thẩm. Theo cơ quan tố tụng, vẫn còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú.

10 bị cáo hầu tòa trong vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô hôm nay có 3 lãnh đạo nhà trường, gồm:

Dương Văn Hòa – Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô, Trần Kim Oanh – Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục; Lê Ngọc Hà – Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện 4.0.

Ngoài các bị cáo trên, các bị cáo: Trần Ngọc Quang – Phó trưởng Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Nguyễn Thị Huệ - Trưởng phòng Tài vụ; Phạm Vân Thùy – nhân viên Viện Đào tạo liên tục; Nguyễn Thị Ngọc Thái – nhân viên Viện Đào tạo liên tục; Lê Thị Thanh Tâm – nhân viên Viện 4.0; Lê Thị Lương – nhân viên Viện 4.0 và cuối cùng là Ngô Quang Hiển – nhân viên Viện Đào tạo liên tục là những người còn lại bị đưa ra xét xử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem