Người mua nhà ở xã hội vay gói tín dụng 30.000 tỷ kêu cứu vì dịch Covid-19

Huyền Anh Thứ hai, ngày 23/03/2020 08:25 AM (GMT+7)
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Khi đó, thu nhập của nhiều người lao động giảm, thậm chí có người mất việc. Không ít người mua nhà ở xã hội từ gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng “kêu cứu” bởi mất thanh khoản thanh toán gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng.
Bình luận 0

Khách hàng vay gói tín dụng 30.000 tỷ "kêu cứu"

Vợ chồng chị Linh vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mua được một căn chung cư tại An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội. Chung cư của gia đình chị Linh có giá hơn 1 tỷ đồng, trong đó 70% đi vay ngân hàng lãi suất hiện tại là 5%/năm. Thời gian trả là 15 năm.

Hiện tại, bình quân mỗi tháng, cả gốc và lãi khoảng 6 triệu đồng/tháng. Gần 5 năm qua, chưa tháng nào gia đình chị Linh chậm trễ thanh toán khoản vay này.

Thế nhưng, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến cho thu nhập của gia đình chị Linh không ổn định và bắt đầu mất khả năng thanh toán cho khoản nợ.

"Cả 2 vợ chồng tôi đều làm trong ngành khách sạn, du lịch nên nghỉ không lương cả 2 tháng nay. Hiện đang xoay sở chi tiêu bằng khoản tiền tiết kiệm. Tôi cũng đã có ý kiến lên ngân hàng để xin giãn nợ trong mấy tháng dịch bệnh Covid-19 khoản tiền vay mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng. Ngoài giãn nợ, lãi suất của khoản vay cần giảm từ 5% xuống còn 2% mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của gia đình", chị Linh chia sẻ.

Người mua nhà ở xã hội từ gói tín dụng 30.000 tỷ kêu cứu vì Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân mua nhà ở xã hội từ gói tín dụng 30.000 tỷ kêu cứu vì Covid-19 (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Đức Chung (Long Biên – Hà Nội) cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Anh Chung là chủ một cửa hàng kinh doanh nhỏ trong nội thành Hà Nội, chị Hoa (vợ anh Chung) là nhân viên kế toán cho một công ty tư nhân trên địa bàn. Thu nhập bình quân thời gian trước của gia đình khoảng 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên cửa hàng của anh Chung không có khách hàng qua lại, anh Chung phải tạm thời đóng cửa chống dịch Covid-19.

"Gia đình 5 người bây giờ phụ thuộc vào đồng lương của vợ tôi, nên không thấm vào đâu so với chi tiêu hàng tháng. Việc trả nợ vay ngân hàng cũng bắt đầu khó khăn và trở thành áp lực với gia đình. Chúng tôi cũng đã làm đơn gửi tới ngân hàng trình bày vừa xin giãn nợ vừa xin giảm lãi để vượt qua thời kỳ khó khăn này và đang được ngân hàng xem xét. Tôi cũng thấy bạn bè cùng vay gói tín dụng 30.000 tỷ này đang "kêu cứu" giống như trường hợp của gia đình tôi vì đây cũng là lý do bất khả kháng", anh Chung cho hay.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều người mua nhà vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang lao đao về việc trả nợ ngân hàng khi thu nhập bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trên nhiều diễn đàn, nhiều nhóm cư dân mua nhà đang kêu gọi ngân hàng cùng các chủ đầu tư giãn nợ, khoanh nợ cho người mua nhà.

Giảm lãi suất cho vay từ 1 đến 2 điểm phần trăm

Trước lời "kêu cứu" của nhiều khác hàng, đến nay chưa có ngân hàng chính thức đưa ra động thái hỗ trợ cho nhóm khách hàng mua nhà vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này.

Theo khảo sát của Dân Việt, đến thời điểm hiện nay đã có một số ngân hàng đang xem xét làm tờ trình xin chính sách giãn nợ trong mấy tháng dịch bệnh Covid-19 cho khách hàng vay gói tín dụng này, tuy nhiên số ngân hàng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, hầu hết ngân hàng thương mại đều đang có kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp là chủ yếu.

Một số ngân hàng khác đang có chính sách ưu đãi cho khách hàng cá nhân, nhưng lại dành cho khách hàng mới. Nhiều ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất ưu đãi, giảm 2%/năm cho khách hàng cá nhân mới.

Nhìn nhân về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, việc đưa ra mức ưu đãi cho khách hàng mới là không hiệu quả, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu vay mới không tăng, thậm chí còn giảm mạnh so với những năm trước.

Tăng trưởng tín dụng tính đến đầu tháng 3 chỉ tăng 0,1% trong khi đó cùng kỳ năm ngoái mức tăng này lên tới 0,85% là một ví dụ điển hình.

Vì vậy, thay vì giảm lãi cho các khoản vay mới, các ngân hàng nên tập trung nguồn lực vào việc giãn nợ, cơ cấu, thay đổi thời gian kỳ hạn, giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân đang có dư nợ tại ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

"Hiện tại theo thống kê có rất nhiều ngành nghề ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 như vận tải, khách sạn, du lịch… nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, rồi chờ phá sản. Nhiều người lao động bị tạm nghỉ, mất việc, giảm thu nhập. Do đó, kế hoạch trả nợ của đối tượng này bị ảnh hưởng. Với nhóm đối tượng này cần phải được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất trong dịch Covid-19", chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Đồng quan điểm, các chuyên gia khác cũng cho rằng việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân nói chung và khách hàng vay gói tín dụng 30.000 tỷ nói riêng không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng, mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế. Bởi nếu các ngân hàng cứ áp dụng duy trì mức trả nợ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ rơi vào cảnh nợ xấu. Bài học về nợ xấu trong nhiều năm qua đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của các ngân hàng và nền kinh tế.

Riêng đối với nhóm khách hàng vay gói mua nhà 30.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, một số chuyên gia cho rằng cần phải có những chính sách "đặc biệt" hơn không chỉ dừng lại ở việc giãn nợ.

"Gói ưu đãi vay mua nhà ở xã hội trị giá 30.000 tỷ được Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, thời gian cho vay lên tới 15 năm với lãi suất cố định chỉ 5%/năm. Vì vậy, tại thời điểm khó khăn như hiện nay, Chính phủ và ngân hàng nên xem xét giảm thêm từ 1 đến 2 điểm phần trăm lãi suất cho những khách hàng của gói vay này để giảm gánh nặng trả nợ cho người mua nhà thu nhập thấp", một chuyên gia khuyến nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem