Người nuôi cá tra “khát” vốn

Thứ sáu, ngày 11/02/2011 19:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Góp phần đem lại hàng tỷ USD mỗi năm cho đất nước, nhưng nông dân nuôi cá tra – basa ở ĐBSCL lại ngày càng bị “siết chặt” hướng tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng.
Bình luận 0

Ngân hàng siết nợ, lấy đất…

Ông Nguyễn Văn Công - nông dân nuôi trên 4.000m2 cá tra ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), than thở: từ cuối năm 2009 đến nay, ngân hàng liên tục vào nhà siết nợ, kiểm kê đất đai tài sản thế chấp… vì món nợ 200 triệu đồng mà ông vay để thả nuôi vụ cá năm đó.

img
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL hiện nay rất khó tiếp cận được vốn vay.

Một phần vì dịch bệnh, một phần vì giá thức ăn tăng vọt liên tục mà giá cá lại rớt tận đáy (chỉ dưới 13.000 đồng/kg so với giá hiện nay trên 23.000 đồng/kg – PV), nên vụ cá đó là ông thua lỗ nặng nề. Toàn bộ vốn liếng gia đình của ông Công mất sạch đã đành, mà còn món nợ ngân hàng 200 triệu đồng.

Món nợ cũ đáo hạn, rồi quá hạn, và rồi chuyển sang “nợ xấu” (!). Thế là ông cứ khất lần khất lựa nhiều lần cho đến năm 2010, ngân hàng đưa vụ việc ra cơ quan thi hành án để tiến hành kê biên tài sản thế chấp và phát mãi đất. Ông Công thở dài: “Toàn bộ hơn 5 công đất vườn, hơn 4.000m2 ao cá, kể cả cái nhà cấp 4 nữa, cũng thế chấp cho ngân hàng hết rồi...”.

Tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên (An Giang), dân nuôi cá lâu đời ở đây còn “rùng mình” kể về câu chuyện vợ chồng đại gia kia bỗng chốc trắng tay chỉ sau 2 vụ cá thua lỗ. Một khách sạn hoành tráng và nhiều ha đất ao đều bị bán sạch để trả nợ ngân hàng. Bà vợ ngoài 30 tuổi đã bỏ nhà lên chùa...

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, một trong những địa phương có phong trào nuôi cá tra mạnh nhất của ĐBSCL, nhận định: “Rất đông nông dân nuôi cá đều vướng nợ ngân hàng và tài sản thế chấp đều thuộc về ngân hàng sau các vụ cá thua lỗ hồi năm 2008 - 2009. Điểm khác nhau giữa các hộ này là các ngân hàng của họ vay chọn phương án giãn nợ, giảm lãi suất hay siết nợ, lấy đất...”.

“Cấm” cho người nuôi cá vay

img Sau mấy vụ thua lỗ, người nuôi cá tra đã kiệt sức. Cứ tiếp tục để họ nợ nần và bỏ ao trống nuôi như vậy mãi, đến lúc nào đó thiệt hại sẽ không chỉ là nông dân mà cả ngành sản xuất - chế biến và xuất khẩu cá tra của chúng ta sẽ lãnh đủ! img

Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó GĐ Sở NN&PTNT Sóc Trăng

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Agribank Vĩnh Long, mức cho vay (theo Nghị định 41) phục vụ cho đối tượng này là khá cao. Tuy nhiên, ở khu vực nông nghiệp - nông thôn, người dân thực chất chưa có nhiều dự án tốt, dự án khả thi để được các ngân hàng chấp nhận cho vay, cho vay miễn thế chấp và hưởng ưu đãi từ nguồn vốn theo Nghị định 41.

Cũng vì lý do đó, dù trong năm 2010 vừa qua Agribank Vĩnh Long được Ngân hàng Nhà nước cấp vốn trên 400 tỷ đồng cho vay phục vụ mục tiêu này, nhưng đến cuối năm chỉ giải ngân được 200 tỷ đồng.

Tại Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), nơi được mệnh danh là “Cù lao Tỷ phú” với hàng trăm hộ trúng tiền tỷ, phất lên nhanh chóng vì cá tra những năm 2005-2007, nhưng nay khu vực này chỉ còn vài hộ duy trì được vùng nuôi quy mô tương đối lớn. Một số hộ khác tập trung vào 2 hợp tác xã để giảm chi phí, cầm cự với giá thức ăn tăng bất thường…

Ngày trước, dân ở đây cho biết, xe ngân hàng cứ chạy vào chạy ra vùng này để thăm hỏi, động viên và ký kết các hợp đồng tín dụng tiền tỷ với nông dân nuôi cá…

Đến cuối năm 2007 và năm 2008, cá tra thua lỗ nặng nề, ngày nào cũng thấy cán bộ tín dụng và pháp chế ngân hàng chạy vào chạy ra để nhắc nợ, siết nợ, kiểm kê tài sản thế chấp của các hộ dân vay vốn…

Sau đó là “lệnh” khóa van tín dụng của đa số ngân hàng đối với các hộ nuôi cá tra, đặc biệt là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Một cán bộ tín dụng ngân hàng lớn tại Cần Thơ cho biết: “Hiện nay các ngân hàng đều rất ngán ngại cho các hộ nuôi cá tra vay vốn đầu tư”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem