Người tung tin đồn nghệ sĩ Công Lý bị nhập viện vì đột quỵ có thể bị xử lý sao?

Nguyễn Đức - Huy Minh Thứ năm, ngày 22/07/2021 15:05 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí có thể là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Trước đó, tối 21/7, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin cho biết, NSND Công Lý phải nhập viện cấp cứu vì bị đột quỵ.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, người thân của NSND Công Lý cho biết, tối 21/7, khi đi vào nhà vệ sinh thì nam nghệ sĩ không may bị trượt chân ngã. Cú ngã khá mạnh khiến anh bị choáng và chấn thương nhẹ ở vùng đầu. Gia đình đã lập tức đưa anh vào bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra. 

Ở thời điểm hiện tại, sức khoẻ của NSND Công Lý đã ổn hơn nhưng vẫn phải ở bệnh viện để theo dõi thêm.

Ngay trong tối qua, những thông tin đồn đoán thất thiệt trên mạng xã hội cũng đã nhanh chóng gỡ xuống.

Người tung tin đồn nghệ sĩ Công Lý bị nhập viện vì đột quỵ có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

NSND Công Lý trong tạo hình nhân vật Vụ ở phim "Hướng dương ngược nắng". Ảnh: VFC.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc đưa thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội có xu hướng tăng, nhất là trong thời gian gần đây.

Để có được sự nổi tiếng, một số người đã bất chấp đạo đức xã hội, bất chấp quy định pháp luật để đưa những tin giả, tin sai sự thật nhằm tăng lượng tương tác, trục lợi cá nhân. Một số người đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, việc thông tin sai sự thật lại càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội. 

Hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Bộ luật hình sự 2015.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi "cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân."

Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác".

Người tung tin đồn nghệ sĩ Công Lý bị nhập viện vì đột quỵ có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Ngoài ra, Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem