Người Việt đã chi hơn nghìn tỷ mua đồ H&M trước khi kêu gọi tẩy chay hãng này

H.Phúc Thứ bảy, ngày 03/04/2021 17:57 PM (GMT+7)
Người Việt đang đồng loạt lên tiếng kêu gọi tẩy chay H&M sau thông tin hãng thời trang này thay đổi bản đồ online có sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp. Vào Việt Nam hơn 3 năm, có năm, doanh thu H&M hơn nghìn tỷ đồng.
Bình luận 0

Rất được lòng giới trẻ Việt Nam nhưng cộng đồng mạng, đặc biệt là những khách hàng tiềm năng của H&M đang đồng loạt lên tiếng kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang đến từ Thuỵ Sỹ này.

H&M bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2017 và được đánh giá là một trong số chỉ vài "ông lớn" thời trang toàn cầu thành công tại Việt Nam.

H&M làm ăn ra sao tại Việt Nam?

Tháng 9/2017, H&M chính thức có cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Việt Nam là thị trường thứ 68 trên toàn cầu và là thị trường thứ tư tại khu vực Đông Nam Á của H&M.

Vào Việt Nam sau Zara khoảng 1 năm, cửa hàng đầu tiên của H&M nằm trong trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), với vị trí gần như cạnh tranh trực tiếp với Zara. Hôm khai trương, người dân TP.HCM mà đặc biệt là giới trẻ đã xếp hàng dài, phủ kín các khu vực bên ngoài trung tâm thương mại chỉ để chờ đến lượt vào H&M mua sắm.

Người Việt chi hơn nghìn tỷ mua đồ H&M trước khi kêu gọi tẩy chay hãng này - Ảnh 1.

Cửa hàng H&M đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Hồng Phúc.

Chỉ 2 tháng sau, H&M đã quyết định Bắc tiến với một cửa hàng thứ hai đặt trong trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City. Sau hiệu ứng tại TP.HCM, giới trẻ Hà Nội cũng không thua kém, rồng rắn xếp hàng để trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của H&M.

Kết quả, đến cuối năm 2017, dù chỉ với 2 cửa hàng, H&M Đồng Khởi mới bán được 4 tháng, H&M Royal City bán được 2 tháng nhưng doanh thu của H&M tại Việt Nam lên đến 227 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 10 tỷ đồng.

Sau "tuần trăng mật", sức hút của H&M vẫn chưa hạ nhiệt trong năm 2018. Bằng chứng là hãng vẫn mở rộng số lượng cửa hàng khá đều đặn tại TP.HCM và Hà Nội. Ngay tháng 1/2018 khai trương H&M Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP.HCM); tháng 7/2019 mở H&M Vincom Times City (Hà Nội), 2 tháng sau có thêm H&M Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), H&M Crescent Mall (TP.HCM). 

Song song mở mới, số lượng người Việt đến mua sắm tại các cửa hàng H&M luôn khá đông, những dịp lễ, sự kiện mua sắm trong năm, các cửa hàng H&M gần như quá tải. Theo báo cáo thường niên của H&M, năm 2018, doanh thu tại thị trường Việt Nam đạt hơn 760 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng.

Năm 2019 được xem là năm ăn nên làm ra nhất của H&M tại Việt Nam, doanh thu lên đến 1.116 tỷ đồng, tức bán thời trang nhanh mỗi ngày mang về 3 tỷ đồng. Lợi nhuận của H&M dù có cải thiện nhưng cũng bị đánh giá là khá thấp so với doanh thu, chỉ 57 tỷ đồng.

Hiện H&M đang có 12 cửa hàng tại Việt Nam, gồm 5 ở Hà Nội, 4 ở TP.HCM và 3 cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Hạ Long (Quảng Ninh).

H&M liên tục dính lùm xùm

Thời gian qua, H&M liên tục vướng tai tiếng trên thị trường toàn cầu vì bị cho rằng phân biệt chủng tộc, lỗi sản xuất, hàng tồn kho "chất thành núi", bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay.

Năm 2018, dòng áo hoodie của H&M có dòng chữ "Coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: Con khỉ ngầu nhất rừng) do mẫu nhí là người da đen mặc, trong khi một cậu bé da trắng mặc chiếc áo cùng dòng có chữ "Jungle survivor" (tạm dịch: Sống sót ra khỏi rừng).

H&M đã phải lên tiếng xin lỗi vì dòng áo hoodie gây tranh cãi này và giải thích: "Chúng tôi đã phạm lỗi và chúng tôi đồng ý rằng ngay cả khi vô tình hay trong tình thế bị động, sự kỳ thị chủng tộc nói chung cần bị loại trừ ở mọi nơi".

img
img

Người Việt kêu gọi tẩy chay H&M trê mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Năm 2018, H&M cũng gây chú ý khi tiết lộ giá trị hàng tồn kho toàn cầu quý II tới 4 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017 và lợi nhuận hãng giảm 28% trong nửa đầu năm. Các nhà phân tích cũng cho rằng việc H&M chậm chạp trong đổi mới nhất là sang thương mại điện tử đã khiến hãng bị chững và tụt lại phía sau.

Trước tác động của của Covid-19, năm 2020, H&M lại lao đao trên thị trường toàn cầu tức cùng chung số phận với nhiều hãng thời trang lớn khác. Tại Thuỵ Điển, hàng trăm cửa hàng H&M đã phải đóng cửa ngay chính quê nhà.

Mới đây nhất, H&M chịu sức ép bị tẩy chay tại Trung Quốc sau những căng thẳng gần đây giữa quốc gia này và phương Tây liên quan vấn đề tại khu tự trị Tân Cương. Sau đó, vị trí các cửa hàng H&M bị xóa khỏi bản đồ online của Trung Quốc, thậm chí, một số cửa hàng cũng bị yêu cầu đóng cửa.

Từ đêm qua đến nay, cộng đồng mạng Việt Nam đang đồng loạt kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của thương hiệu H&M sau tin đồn hãng thời trang này thay đổi bản đồ online có sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp.

Theo AP,  cơ quan quản lý Trung Quốc hôm 2/4 thông báo, website của thương hiệu thời trang H&M đã đồng ý thay đổi "bản đồ có vấn đề" sau khi người dùng mạng Trung Quốc phát hiện H&M đăng tải bản đồ mà theo họ là "không hiển thị đúng về lãnh thổ Trung Quốc". 

Cũng theo AP, trong thông báo, chính quyền thành phố Thượng Hải không nêu ra các chi tiết cụ thể, nhưng các thương hiệu bị áp lực phải thay đổi một số điều, trong đó có các khu vực nhạy cảm khác mô tả trên web của họ. Phía H&M chưa đưa ra phản hồi gì thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem