Nguồn vốn Ngân hàng CSXH tạo sức bật giúp nông dân Tuyên Quang làm giàu

Thu Hà Thứ ba, ngày 22/11/2022 18:40 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có thêm điều kiện để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Nguồn vốn phát huy hiệu quả đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng hành cùng nông dân trẻ

Gia đình anh Nguyễn Năng Thuận (ở thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn), là một trong những điển hình sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả. Anh Thuận cho biết, thông qua tín chấp Hội Nông dân xã, anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để trồng hơn 2.000 gốc bưởi Diễn. Đến nay, vườn bưởi của gia đình đã cho thu hoạch, mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại quê hương.

Nguồn vốn Ngân hàng CSXH tạo sức bật giúp nông dân Tuyên Quang làm giàu - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH, anh Nguyễn Văn Luyện (ngoài cùng bên trái) thôn 20, xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) xây dựng mô hình cây ăn quả. Ảnh: Đoàn Thư

Nhận thấy tiềm năng tại địa phương thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, anh Nguyễn Văn Hiếu (thôn Bản Thác, xã Yên Hoa, huyện Na Hang) đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu vỗ béo và dê nhốt chuồng. Hiện gia đình anh có thu nhập 200 triệu đồng/năm, trở thành gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng ở địa phương.

Anh Hiếu cho biết, năm 2019 thông qua Đoàn xã, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Na Hang để đầu tư mô hình. Gia đình anh vừa xuất chuồng 12 con trâu vỗ béo và đang nuôi nhốt 30 con dê. Để có thêm nguồn thu nhập, anh còn đầu tư mua máy xúc để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Từ mô hình phát triển kinh tế này, mỗi năm cho gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 1 lao động với thu nhập 9 triệu đồng/tháng.

Nguồn vốn tạo sức bật giúp nhà nông xứ Tuyên làm giàu - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH, anh Vũ Đức Anh (thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đầu tư trang trại chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Quốc Việt

Đến hết tháng 10/2022, tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh đạt trên 3.600 tỷ đồng. Nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời được nguyện vọng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cần có vốn vay sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt…

Ưu tiên vốn vay Ngân hàng CSXH cho hộ nghèo

Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang đang triển khai 18 chương trình tín dụng tại 138 điểm giao dịch các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh. Nguồn vốn tín dụng được ưu tiên triển khai thực hiện tại những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, các xã thuộc vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Phan Vỹ - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, Chi nhánh đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo Ban đại diện các cấp làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định các đối tượng vay vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Chi nhánh còn chỉ đạo các Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với các Tổ Tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc quy định về việc bình xét công khai khi vay vốn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Đến hết tháng 10/2022, tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh đạt trên 3.600 tỷ đồng. Nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời được nguyện vọng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cần có vốn vay sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống.

Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng CSXH đã ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên). Hiện, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.556,6 tỷ đồng, chiếm 99,54% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH.

Ông Nguyễn Phan Vỹ - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục khai thác các nguồn vốn, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ và hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem