Nguy cơ chiến tranh tiền tệ: Việt Nam ứng xử thế nào với tỷ giá?

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 13/08/2019 17:03 PM (GMT+7)
Trước tác động từ tính bất định của thương chiến Mỹ Trung và động thái giảm giá Nhân dân tệ từ Trung Quốc, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần có chế độ tỷ giá cần linh hoạt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu đối với một chế độ tỷ giá không thao túng tiền tệ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Bình luận 0

img

Cuộc đấu trí Donald Trump-Tập Cận Bình lo ngại tạo ra tác động tiêu cực đối với kinh tế  toàn cầu. (Ảnh minh hoạ)

Nỗi lo “Bom rơi đạn lạc” từ cuộc đấu trí Donald Trump-Tập Cận Bình

Ngày 13/8/2019 ghi nhận phiên thứ tư liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thiết lập tỷ giá tham chiếu của Nhân dân tệ thấp hơn ngưỡng 7 đổi 1 USD sau khi rớt ngưỡng này lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008.

Cụ thể, tỷ giá tham chiếu của Nhân dân tệ ngày 13/8 ở mức 7.0326 Nhân dân tệ đổi 1 USD, yếu hơn so ngày trước đó.

img

Đường đi tỷ giá CNY/USD trong thời gian qua qua. (Ảnh: CNBC)

Những diễn biến nêu trên là sự tiếp nối của chuỗi những căng thẳng mới trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung, bùng nổ từ đầu tháng 8/2019, sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột dừng đình chiến thương mại với Trung Quốc.

Lúc này, giới đầu tư và phân tích trên toàn thế giới đang theo dõi sát sao tỷ giá CNY/USD sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc. Và thay vì phản đối, Trung Quốc hầu như thừa nhận sẽ sử dụng công cụ tiền tệ để làm vủ khí quan trọng trong chiến thương mại Mỹ-Trung.

Thị trường tài chính thế giới gần như ngay lập tức có phản ứng tiêu cực với chiến tranh thương mại Mỹ Trung và nỗi lo chiến tranh tiền tệ khi giá vàng tăng vượt qua ngưỡng 1.460 USD/Oz, một diễn biến mà những dự báo lạc quan nhất về giá vàng tăng cũng không đề cập tới. Đồng USD sau đợt tăng khá mạnh vào tháng 7, thì đã giảm mạnh trong các ngày đầu tháng 8. Còn các chỉ số chứng khoán ở nhiều thị trường giảm điểm.

img

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. (Ảnh: Moit)

Tại Việt Nam, trong một buổi làm việc về tình hình xuất nhập khẩu được Bộ Công Thương tổ chức gần đây, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ Trung, từ xung đột thương mại đã chuyển sang xung đột công nghệ và tiền tệ khiến cho diễn biến càng phức tạp và vượt qua khả năng đánh giá, nghiên cứu phân tích của cơ quan chức năng.

"Xung đột hiện nay phức tạp, cần giao cho Vụ châu Mỹ nghiên cứu và báo cáo ngay. Cụ thể là cần nghiên cứu xem theo luật pháp Mỹ nếu coi một nước thao túng tiền tệ thì Mỹ sẽ sử dụng biện pháp nào để từ đó mới đánh giá được tác động", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

img

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Moit)

Còn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong 6 tháng đầu năm 2019, bối cảnh quốc tế tương đối phức tạp, diễn biến khó lường, đặc biệt từ hai đối tác kinh tế lớn của toàn cầu. Do đó cần phải đánh giá diễn biến tiền tệ, tỷ giá khi Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ thì hệ luỵ lớn trong thời gian tới ra sao, liệu đã dừng chưa hay sẽ tiếp tục để có biện pháp ứng phó.

"Nhân dân tệ mất giá thì có gì đảm bảo các đồng tiền khác tiếp tục phá giá, các đối tác phá giá thì thế nào và đồng Việt Nam phá giá thì ra sao, liệu ta tính đến nguy cơ thế nào khi mà năng lực cạnh tranh và tính bền vững còn hạn chế.

Hoạt động xuất nhập khẩu ta còn phụ thuộc vào thị trường lớn, ngành hàng trọng điểm còn phụ thuộc vào một số doanh nghiệp, nên chỉ hắt hơi sổ mũi vài ông sản xuất hay điều chỉnh chính sách thì thương mại và xuất nhập khẩu sẽ gặp khó khăn", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Việt Nam ứng xử ra sao trước nguy cơ chiến tranh tiền tệ?

Là một trong số các chuyên gia sớm có cảnh báo về nguy cơ chiến tranh tiền tệ, trước thời điểm thương chiến Mỹ Trung leo thang, TS. Võ Trí Thành cho biết, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thanh khoản đã tăng rất mạnh và thế giới chưa kịp quay lại một chính sách tiền tệ bình thường, thì nay một số nền kinh tế phát triển lại tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Điều này có nguy cơ kéo theo nhiều quốc gia khác cũng thực hiện chính sách này, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt bằng chính sách tiền tệ.

“Nguy cơ chiến tranh tiền tệ là có thật, nhưng các quốc gia vẫn đang kiểm soát chặt chẽ động thái điều chỉnh sách tiền tệ của mình, nên nguy cơ này chưa đáng ngại. Tuy nhiên, nếu nhiều quốc gia trên thế giới đều đồng loạt thực hiện nới lỏng tiền tệ hoặc phá giá tiền tệ, thì chiến tranh tiền tệ sẽ bùng nổ”, TS. Võ Trí Thành cho biết.

img

TS. Võ Trí Thành.

Theo ông Thành, trong ngắn hạn, tác động từ tính bất định của thương chiến Mỹ Trung khá lớn. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần đặt ra nhiều kịch bản để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, trong đó không thể bỏ qua tình huống môi trường bên ngoài xấu đi.

“Bên cạnh kiên trì mục tiêu lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN cần linh hoạt hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ, để tùy cơ ứng biến, đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với các cam kết quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng. Tới đây, chế độ tỷ giá cần linh hoạt hơn trong điều hành. Điều này, để đảm bảo các yêu cầu đối với một chế độ tỷ giá không thao túng tiền tệ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu”, TS. Võ Trí Thành nói.

“Khả năng chống chịu cần bao gồm ba yếu tố: độ linh hoạt của chính sách tiền tệ; bộ đệm tài khóa và lành mạnh hóa hệ thống tài chính, trong đó có việc thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế mà Việt Nam đang làm”.

Về khía cạnh quan hệ thương mại Việt Mỹ, TS. Võ Trí Thành cho hay, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,3%, chủ yếu nhờ một số thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Song hiện Việt Nam phải đối mặt với hai vấn đề: Thặng dư thương mại lớn với Mỹ; Nằm trong danh sách các quốc gia bị Mỹ theo dõi thao túng tiền tệ.

"Điều tốt là chúng ta đã ứng xử rất kịp thời, chu đáo nên cho đến nay mọi việc vẫn tương đối ổn thỏa. Việt Nam không bị xếp vào nhóm thao túng tiền tệ. Dù ông Donald Trump nói gay gắt về thặng dư thương mại với Việt Nam nhưng chúng ta đã giải trình rõ ràng với Mỹ.

Chúng ta sẽ còn phải nỗ lực giải trình, nỗ lực chống gian lận thương mại, vì thế cần hạn chế nói việc dùng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại. Rất đáng buồn khi có nhiều kiến nghị về tỷ giá lại chỉ nhìn khía cạnh thương mại, cứ bảo phải phá giá đồng tiền bao nhiêu phần trăm. Tôi nhấn mạnh là chúng ta còn phải giải trình, không chỉ là câu chuyện tỷ giá mà kể cả những việc nhỏ như mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối", ông Võ Trí Thành nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem