Nguy cơ “đứt gãy” cung - cầu thị trường lao động

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 27/03/2020 15:14 PM (GMT+7)
Dịch bệnh đang tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động, hoạt động sản xuất cung ứng tại nhiều doanh nghiệp (DN) đang bị đình trệ. Điều này cũng tác động không nhỏ tới hoạt động dạy và học đặc biệt là hoạt động cung ứng lao động, bởi có nguy cơ một bộ phận lao động sau đào tạo sẽ chưa thể ra nhập thị trường lao động.
Bình luận 0

Học nghề online

Cũng như giáo dục phổ thông, giáo dục nghề thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình đào tạo và cung ứng lao động do tác động của dịch Covid -19.

img

Giờ học tiếng Nhật của lao động Việt Nam trúng đơn hàng lắp ráp ôtô tại Nhật. Ảnh: T.N

"Thời gian qua có khá nhiều lao động, công dân Việt Nam trở về nước. Điều này sẽ tạo áp lực trong việc giải quyết việc làm. Sau khi hết dịch, có thể sẽ có một bộ phận lớn không đi XKLĐ nữa, vì thế cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng công việc cho họ".

Ông Phạm Minh Huân -
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

Cô Võ Thị Hường - giảng viên khoa Công nghệ thông tin Trường Cơ điện Hà Nội cho biết, chương trình học đã bị gián đoạn gần 2 tháng nay. Kể từ ngày 24/3 nhà trường bắt đầu áp dụng chương trình đào tạo trực tuyến E- Learning vào giảng dạy.

"So với giảng dạy trực tiếp, giảng dạy online cũng không có gì khác biệt nhiều. Việc giảng dạy vẫn đảm bảo yếu tố tương tác giữa học sinh và giảng viên thông qua việc chia sẻ màn hình của giảng viên. Học sinh qua đó, cũng có thể chia sẻ thao tác của mình trên máy với giáo viên" - cô Hường phân tích. Mặc dù vậy, đúng là có một số kỹ năng mà học sinh cần phải học trực tiếp mới có thể tiệm cận được.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dự án đào tạo trực tuyến E-Learning đã được nhà trường nghiên cứu thực hiện trong 3 năm nay, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Hệ thống đào tạo trực tuyến được xây dựng riêng biệt giúp trường vận hành kể cả khi dịch bệnh Covid -19 kéo dài. Do được thiết kế riêng biệt nên hệ thống có những tính năng ưu việt dành cho việc đào tạo lý thuyết của các môn học nghề theo đặc thù của trường.

Ông Ngọc cũng cho biết thêm, trước khi tổ chức đào tạo trực tuyến, nhà trường đã cân nhắc rất kỹ, phân tích những nội dung môn học, học phần có thể ứng dụng đào tạo trực tuyến, đào tạo theo công nghệ thực tế ảo.

"Hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning đã giải quyết được tất cả những hạn chế của các phần mềm miễn phí sẵn có trên mạng internet, đảm bảo hệ thống quản lý, quản trị. Đặc biệt, E-Learning còn giúp cho nhà trường tổ chức hoạt động đào tạo linh hoạt, năng động và làm chủ công nghệ. Nhờ công nghệ này, nhà trường có thể dạy học không biên giới, có thể tiếp cận và mời các giảng viên giỏi trên toàn thế giới, tiếp cận và đào tạo sinh viên ở bất kỳ nơi nào, học bất kỳ không gian, thời gian, địa điểm chỉ cần có mạng" - ông Ngọc chia sẻ thêm.

Tuy vậy, ông Ngọc cũng thừa nhận, với một số môn học liên quan đến chuyên ngành, cần quan sát máy móc thật, có trải nghiệm vật lý thì dạy trực tuyến chưa giải quyết được.

Giải bài toán việc làm sau học nghề

Dịch Covid -19 còn tác động xấu, có nguy cơ làm đứt, gãy và gián đoạn quá trình cung ứng, cung - cầu lao động. Theo đó, nhiều khả năng một bộ phận lao động sau học nghề sẽ gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm, tham gia thị trường lao động.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và hỗ trợ việc làm (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội) cho biết, trường đang có hợp tác với hơn 100 đối tác trong lĩnh vực đào tạo cũng như cung ứng lao động. Tuy vậy, dịch bệnh đang khiến cho quá trình hợp tác cung ứng lao động của nhà trường và các công ty, tập đoàn bị gián đoạn.

"Các chương trình hợp tác đang bị tạm dừng hoặc triển khai trong phạm vi hẹp. Một số khác thì được đẩy lùi thời gian hoặc quy mô. Đây thật sự là khó khăn không hề nhỏ đối với công tác dạy nghề, tạo việc làm của nhà trường" - ông Tuấn nói.

Thừa nhận những khó khăn này, ông Đồng Đại Ngọc cũng cho rằng, không chỉ chuỗi cung ứng lao động trong nước gặp khó khăn, ngay cả chuỗi cung ứng lao động đi xuất khẩu cũng gặp khó. Hiện nay nhà trường tiếp nhận đào tạo chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ cho một số đối tác tuyển lao động đi XKLĐ tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, rất có thể số lao động sau khi tốt nghiệp sẽ chưa đi ngay được do tình hình dịch bệnh.

"Tuy vậy, đây cũng chỉ là khó khăn tạm thời, chắc chắn sau khi dịch Covid -19 kết thúc thị trường tuyển dụng việc làm lại sẽ sôi động trở lại. Lao động, nhà trường và cả Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ tổ chức dạy và học để đón đợi thời cơ gia nhập lại thị trường lao động" - ông Ngọc nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem