Nguy cơ mít Thái cần được hỗ trợ tiêu thụ, sau thanh long

K.Nguyên Thứ hai, ngày 17/01/2022 15:24 PM (GMT+7)
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sau thanh long, mít Thái có thể sẽ phải hỗ trợ tiêu thụ bởi sản lượng tập trung quá lớn trong quý I/2022.
Bình luận 0

Mít Thái có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy kết nổi tiêu thụ, chế biến trái cây, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, do sản lượng tập trung nhiều trong quý I/2022 nên sau thanh long, mít Thái có thể là loại trái cây cần được hỗ trợ tiêu  thụ.

Cụ thể, theo thống kê của Cục Trồng trọt, tổng sản lượng mít (chủ yếu là mít Thái) cần tiêu thụ trong quý I/2022 là 158.700 tấn, trong khi cả năm 2021, sản lượng mít của cả nước là 524.000 tấn.

Đáng chú ý, sản lượng mít Thái tuy lớn nhưng lại tập trung ở một số địa phương, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 80% sản lượng. 

"Trong 3 tháng đầu năm 2022, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Sau thanh long, mít Thái có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ" - ông Lê Thanh Tùng nhận định.

Trên thực tế, không phải đợi đến khi xuất hiện sự ùn tắc của hàng nghìn container chở nông sản tại các cửa khẩu chờ thông quan sang Trung Quốc, giá mít Thái mới giảm mà từ cuối năm 2021, mít Thái đã có dấu hiệu giảm độ "hot" khi giá giảm dần.

Hiện tại, giá mít Thái chỉ còn khoảng 3.000 - 7.000 đồng/kg (tùy loại), trong khi giá thành sản xuất mít Thái khoảng 10.000 đồng/kg thì với mức giá này, nông dân cầm chắc lỗ.

Mít Thái có thể sẽ phải hỗ trợ tiêu thụ, sau thanh long - Ảnh 1.

Do sản lượng tập trung nhiều trong quý I/2022 nên sau thanh long, mít Thái có thể là loại trái cây cần được hỗ trợ tiêu thụ. Ảnh: BCT.

Không nên mở rộng diện tích trồng mít Thái 

Để giải quyết việc tiêu thụ mít Thái và các loại trái cây khác một cách căn cơ, lãnh đạo Cục Trồng trọt đề xuất phương án quy hoạch theo tiểu vùng.

Theo ông Tùng, hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 80% sản lượng mít (chủ yếu là mít Thái) của cá nước do vậy những tiểu vùng khác có thể chuyển sang cây trồng khác, thay vì tập trung vào mít.

Thực tế, chỉ trong mấy năm trở lại đây, diện tích mít Thái ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng quá "nóng".

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong năm 2020, diện tích mít cả nước tăng thêm 16.881ha, nâng tổng diện tích trồng mít (chủ yếu là mít Thái) cả nước đạt 58.511ha. Trong đó riêng Đồng bằng sông Cửu Long có đến 30.045ha, 

Trong khi đó, ông Tùng cho rằng, rất khó ước tính nhu cầu tiêu dùng trái cây, trong đó có mít Thái trong nước, bởi sở thích, tập quán, và thói quen tiêu dùng của người dân khác nhau. 

Trong khi đó, sản lượng cây ăn quả ở miền Nam rất lớn, thời gian bảo quản lại rất hạn chế.

“Suốt một tuần qua, Cục Trồng trọt liên tục cập nhật, theo dõi sản lượng các loại cây ăn quả. Đề nghị các tỉnh phía Nam theo dõi, để chủ động liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, các tỉnh phía Nam cần dự báo chính xác sản lượng, chất lượng các loại trái cây, trong đó có mít Thái, đồng thời đánh giá, cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói; xây dựng kế hoạch tiêu thụ; kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất; đẩy mạnh công nghệ chế biến, nhất là chế biến sâu.

“Để tránh rơi vào tình trạng chữa cháy như thời gian qua, sau khi trái cây đã thu hoạch, các cơ quan quản lý Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân lên kế hoạch trước ít nhất 3 tháng”, ông Tùng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem