Nguy cơ thiếu hụt 600.000 - 800.000 tấn đường, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị khẩn Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

P.V Thứ sáu, ngày 07/10/2022 15:03 PM (GMT+7)
Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa có công văn số 67/CV-HHS gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị về chính sách nhập khẩu đường thô và đường tinh luyện theo hạn ngạch thuế quan năm 2022.
Bình luận 0

Trên cơ sở sản lượng đường nhập khẩu và sản xuất trong nước, Hiệp hội Sữa Việt Nam ước tính số lượng nguyên liệu đường thiếu hụt trong nước đến tháng 12/2022 là khoảng 600.000 – 800.000 tấn.

Từ thực tế đó, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị Chính phủ tăng cường thiết lập cơ chế nhập khẩu đối với đường thô và đường tinh luyện linh hoạt hơn so với các chính sách hiện hành. 

Đối với số lượng và số đợt tổ chức đấu giá giao hạn ngạch, theo tính toán của Hiệp hội Sữa Việt Nam, tổng nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước ước đạt gần 2 triệu tấn; tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đường trong nước sản xuất chỉ ước đạt 741.000 tấn, tổng sản lượng đường nhập khẩu từ tháng 01/2022 đến tháng tháng 06/2022 ước khoảng 600.000 tấn. 

Nguy cơ thiếu hụt 600.000 - 800.000 tấn đường, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị khẩn Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Ảnh 1.

Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa có công văn số 67/CV-HHS gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị về chính sách nhập khẩu đường thô và đường tinh luyện theo hạn ngạch thuế quan năm 2022. Ảnh: LĐTT

Để bù đắp lượng đường thiếu hụt khoảng 600.000 - 800.000 tấn, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bổ sung lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thêm 600.000 – 800.000 tấn để đảm bảo nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước (tỷ lệ phân bổ 70% đường thô và 30% đường tinh luyện). 

Về thời gian tổ chức phận giao hạn ngạch: tổ chức thêm 02 đợt đấu giá giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường vào tháng 10/2022 và tháng 11/2022. 

Công văn số 67 của Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng nêu rõ, ngày 15/6/2021 vừa qua, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%.

Ngày 1/8/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trên cơ sở mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp được quy định tại Quyết định 1578.

Nhiều thành viên của Hiệp hội Sữa nhận thấy, thay vì chú trọng vào các biện pháp phòng vệ thương mại như hiện nay, Chính phủ có thể cân nhắc ban hành các chính sách mang tính định hướng chiến lược đối với ngành mía đường nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại thường chỉ mang lại tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất ngành mía đường trong nước nhưng lại tác động và ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có sử dụng đường như một nguyên liệu để sản xuất.

"Đối với sản phẩm sữa đặc có đường mà một số thành viên của Hiệp hội đang sản xuất, đường là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ra thành phẩm với tỷ lệ đường trong sản phẩm chiếm đến khoảng 40-45%. Do đó, khi đường bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp làm cho giá đường nguyên liệu tăng cao, dẫn đến giá thành một hộp sữa đặc có đường 380 gram đã tăng gần 10% so với trước đây", Hiệp hội Sữa Việt Nam thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem