Nguy cơ “vỡ trận” cây có múi (bài 3): Thất thu vì sâu bệnh hại, bất lực với bệnh "cam ngơ", vàng lá

Minh Ngọc -Thiên Hương Thứ sáu, ngày 08/01/2021 14:55 PM (GMT+7)
Diện tích cam, bưởi, chưa kể chanh, quất tăng "nóng", trong khi cơ cấu sản xuất mùa vụ chưa đồng đều, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ, cây giống không đảm bảo sạch bệnh nên tại nhiều vùng cây có múi đã xuất hiện những loại sâu bệnh hại.
Bình luận 0

Nghệ An được đánh giá là tỉnh có diện tích trồng cam tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, năm nay nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là dịch bệnh hoành hành trên cây cam.

Đau đầu với "cam ngơ"

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) chia sẻ, giai đoạn 2010 - 2015 người trồng cam ở Minh Hợp có thể thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí hộ có diện tích lớn doanh thu cả tỷ đồng. 

Cũng bởi mang lại nguồn thu nhập lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nên diện tích trồng cam ở xã Minh Hợp không ngừng gia tăng theo từng năm. Theo ông Dũng, đỉnh điểm ở địa phương có lúc phát triển trên 2.000ha cây ăn quả, trong đó cam khoảng 1.600ha (chiếm 80%), có gần 1.000 hộ trồng.

Nguy cơ “vỡ trận” cây có múi (bài 3): Thất thu nặng vì sâu bệnh hại - Ảnh 1.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây cam tại Quảng Yên. Ảnh: Nguyễn Thị Hằng

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Viện BVTV cho biết, bệnh Greening và bệnh vàng lá thối rễ cùng gây hại phổ biến ở các vùng trồng cây có múi, chủ yếu trên giống cam đường Canh. Những vườn cam đường Canh trồng khoảng 5 năm tuổi trở lên thường bị nặng, đặc biệt là những vườn trồng dày nhưng chăm sóc kém hoặc trồng trên chân đất thoát nước kém.

Gia đình anh Hoàng Văn Đức (xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp) trồng 250 gốc cam. Sau 2 năm chăm sóc, cây cam phát triển xanh tốt. Nhưng đến cuối năm 2018, toàn bộ vườn cam xuất hiện bệnh, biểu hiện vàng lá, héo rũ, tiếp đến rụng quả sau đó chết dần. Anh Đức đã áp dụng đủ mọi cách những vẫn phải chặt bỏ 70 cây.

Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, vụ này anh Đức đã áp dụng nhiều phương pháp chăm sóc để thu hoạch cam sớm tránh sâu bệnh. Tuy nhiên do quả cam không đạt kích cỡ như mong muốn nên cả vườn chỉ thu được khoảng 4,5 tấn, bán ra 4.500 đồng/kg.

Đặc biệt với nhiều vườn cam ở Quỳ Hợp, bệnh "cam ngơ" đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của người dân trồng cam mà còn là sự sống còn của thương hiệu Cam Vinh. Biểu hiện của bệnh này là quả cam kém chất lượng, cây hay bị rụng quả non, lá rụng nhiều…

Theo thạc sĩ Phan Anh Thế - chuyên gia ngành sinh học, qua tìm hiểu, kiểm tra các mẫu quả cho thấy một số nguyên nhân gây nên hiện tượng "cam ngơ", đó là do nông dân thường phối trộn nhiều loại thuốc BVTV với nhau, sử dụng liều cao ở giai đoạn quả non nên đã làm ức chế sự phát triển của quả. 

Nhiều vườn cam để nhiều quả, bộ lá kém phát triển, thiếu dinh dưỡng, thông thường để nuôi một quả cam cần khoảng 60 lá, nếu để quả quá nhiều cũng gây nên quả nhỏ và rụng sinh lý.

Một số vườn cam bị bệnh Greening (còn gọi vàng lá gân xanh), quả phát triển kém và rụng. Bên cạnh đó, mưa nhiều và nắng đột ngột cũng khiến cây cam bị sốc nước, gây nên hiện tượng rụng quả. Mưa nhiều cũng dễ khiến sâu bệnh hại, các loại nấm và vi khuẩn phát sinh, tấn công cây cam.

Bệnh vàng lá lan nhanh

Báo cáo của Cục BVTV (Bộ NNPTNT), trong vài năm trở lại đây, dịch bệnh đang bùng phát trên cây cam, điển hình là bệnh vàng lá thối rễ. Đến nay, diện tích cam bị vàng lá thối rễ là 1.416ha, nhiễm nặng 53ha, tập trung tại các tỉnh trọng điểm như Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An… Dịch bệnh đang trực tiếp đe dọa tới nhiều diện tích của bà con, gây thất thu nặng.

Ông Bùi Quang Bệ - Chủ tịch UBND xã Hợp Phong (huyện Cao Phong, Hòa Bình) cho biết, tổng diện tích cây ăn quả của xã hiện vào khoảng 331ha, phần lớn là cam, nhưng diện tích cho hiệu quả kinh tế thấp và dự kiến phá bỏ lên tới 102ha. 

"Phải đến 50% diện tích trong số này bị bệnh vàng lá, rất khó khắc phục, đặc biệt là ở diện tích cam non mới trồng 4 - 5 năm tuổi. Cam xuống giá lại thêm sâu bệnh thế này càng làm người dân chán nản"- ông Bệ nói.

Vườn nhà anh Bùi Thanh Long (ở xóm Chằng Ngoài) có hơn 600 gốc cam thì đã phải cưa trên 100 gốc, đống củi xếp cao có ngọn ở một góc để đun nấu. Anh bảo, vụ năm vừa rồi bị lỗ mất hơn 100 triệu nên đang phải tranh thủ đi làm thuê để trả nợ.

Ông Nguyễn Đình Bang - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong cũng khẳng định, bệnh vàng lá diễn ra khoảng 5 năm nay nhưng từ năm 2019 đến giờ nặng nhất, ước khoảng 50% diện tích xuất hiện bệnh này. Một số vườn đã xóa sổ hoàn toàn như vườn 3ha trồng năm thứ 3 của ông Tạ Đình Đào ở khu 6. 

Dịch bệnh xuất hiện nhiều, người trồng lại càng phải sử dụng nhiều thuốc BVTV. Nhưng theo ông Bang, bây giờ nông dân cũng đã có ý thức hơn, tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Hiện nay, nhiều nông dân vùng Bắc Trung Bộ đã ứng dụng mô hình trồng cây ăn quả có múi theo hướng VietGAP như vùng trồng cam Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn (Nghệ An); Vũ Quang (Hà Tĩnh)… Nông dân hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học; áp dụng quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây có múi, dùng bẫy bả, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem