Nguy cơ “vỡ trận” cây có múi (bài 4): Tăng trưởng nhanh nhưng bất ổn

Minh Huệ Thứ bảy, ngày 09/01/2021 06:05 AM (GMT+7)
Nghiên cứu của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho thấy, hầu hết người dân trồng cây có múi tự phát, chạy theo số đông. Trong khi đó, các loại quả từ cây có múi chủ yếu là dùng ăn tươi, chưa có sản phẩm chế biến sâu, cũng chưa có nhà máy nào đầu tư chế biến mặt hàng này.
Bình luận 0

10 năm trở lại đây, diện tích và sản lượng cây có múi ở các tỉnh miền Bắc tăng chóng mặt. Trong khi đó, các loại quả từ cây có múi chủ yếu là dùng ăn tươi, chưa có sản phẩm chế biến sâu, cũng chưa có nhà máy nào đầu tư chế biến mặt hàng này, dẫn đến mỗi khi vào mùa chín rộ là tồn ứ, giá cả lao dốc...

Thiếu vắng doanh nghiệp

Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), đến năm 2019, diện tích cây có múi cả nước 257.000ha, chiếm 24,07% tổng diện tích cây ăn quả. Trong đó riêng miền Bắc, các loại cây có múi hơn 122.000ha, chiếm 47,5% diện tích cây có múi cả nước, mà chủ yếu là bưởi, cam.

Đứng tốp đầu về diện tích trồng bưởi lớn ở miền Bắc là Bắc Giang với 5.182ha, tiếp đó là Tuyên Quang 4.867ha, Hòa Bình 4.833ha, Phú Thọ 4.346ha… Sản lượng bưởi ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc gần 165.000 tấn/năm, chiếm 40,6% sản lượng bưởi toàn vùng; chưa kể sản lượng vô cùng lớn từ các loại cam, quýt…

Nguy cơ “vỡ trận” cây có múi (bài 4): Tăng trưởng nhanh    nhưng bất ổn  - Ảnh 1.

Mô hình trồng bưởi của ông Lưu Đình Liên (Diễn Châu, Nghệ An) chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả. Ảnh: T.L

Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt quy mô sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích không theo quy hoạch. Các địa phương tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cây có múi, điều chỉnh cơ cấu giống và quản lý chặt chất lượng cây giống.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nghiên cứu của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho thấy, hầu hết người dân trồng cây có múi tự phát, chạy theo số đông. 

Nhiều vùng đất dốc, chân đất thấp, khó làm đường thoát nước, bà con vẫn cố trồng cây có múi và kết quả là cho hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng, cây bị chết hoặc cho năng suất rất thấp, quả xấu.

Về mặt tiêu thụ, cam và bưởi là hai loại cây chủ lực, được trồng nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc cũng như cả nước, nhưng sức mua chính lại từ thị trường nội địa, phục vụ nhu cầu ăn tươi. 

Trong khi đó, cả nước chỉ có khoảng 9.600ha trồng chanh, chiếm chưa đến 8% diện tích cây có múi nhưng lại cho giá trị xuất khẩu lên tới 41,6 triệu USD (năm 2019), chiếm 94,4% giá trị xuất khẩu quả có múi.

Đến năm 2019, cả nước có trên 157 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp và hàng nghìn cơ sở chế biến nhỏ, hộ gia đình, nhưng chưa có bất cứ doanh nghiệp nào chuyên chế biến quả có múi. Mới chỉ có một số doanh nghiệp chế biến kiểu kết hợp với các sản phẩm khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm thành nước cam tươi, bưởi tươi, nước cam cô đặc, mứt, cùi cam bưởi sấy, rượu vang...

Sở dĩ các nhà máy chế biến chưa quan tâm đến mặt hàng này, theo ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt là do nước ta chưa có giống quả có múi phù hợp cho chế biến, nhiều giống vỏ dày, nhiều hạt; giá thành sản xuất cây có múi còn cao, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo, sản xuất nhiều nhưng phân tán...

Ngoài chanh, sản phẩm bưởi da xanh Việt Nam cũng được nhiều nước ưa chuộng và nhập khẩu quả tươi. Năm 2019, xuất khẩu bưởi đạt gần 4,8 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu bưởi đạt 10,9 triệu USD, tăng 246,2% so cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, quả bưởi da xanh gần như "tắc đường" sang Trung Quốc do thị trường này kiểm soát chặt, chỉ cho phép 9 loại trái cây được phép nhập khẩu chính ngạch, trong khi quả bưởi vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Nguy cơ phải giải cứu?

Để phát triển cây có múi theo hướng bền vững, hiệu quả, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, các tỉnh cần rà soát, xác định quy mô và vùng sản xuất bưởi tập trung, gắn với quy hoạch thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác; tổ chức lại sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo chất lượng, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc cả khi xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị bưởi trồng tập trung (từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu); xây dựng kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho bưởi xuất khẩu (cấp mã số vùng trồng; cơ sở xử lý bưởi xuất đi EU), Trung Quốc (mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... để xuất khi bưởi được phép nhập khẩu chính ngạch); đẩy mạnh sản xuất rải vụ. Cơ cấu chín sớm 30 - 40%, chính vụ và muộn 60 - 70%; tập trung nhóm bưởi ngọt.

Còn nhớ tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trả lời đại biểu Quốc hội về phát triển cây ăn quả có múi hiện nay có phù hợp với quy hoạch hay không và có nguy cơ phải giải cứu hay không, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, diện tích cây ăn quả của Việt Nam khoảng 1,1 triệu ha, sản lượng 13-15 triệu tấn; có 15 loại cây ăn quả chính, trong đó có cây có múi. 

"Riêng về nhóm cây có múi đang là tồn tại chung của chúng ta, bởi vì hầu hết diện tích phát triển hiện nay chủ yếu ăn tươi, chế biến rất kém. Công tác giống nhìn chung ở nhóm cây có múi còn hạn chế, kể cả bưởi, chanh, quýt" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, thời gian tới, công tác giống phải rà soát lại hết để có được những bộ giống tốt, chống chịu được bệnh và đảm bảo thâm canh. Hai là, quy trình canh tác cũng phải thay đổi lại theo hướng hữu cơ. Ba là phải tăng cường khâu chế biến, nếu chỉ chờ ăn tươi thì chắc chắn hiệu quả rất thấp, cứ phát triển thêm diện tích lại bão hòa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem