Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng và những chuyện ít biết

Lương Kết Thứ tư, ngày 05/10/2022 14:15 PM (GMT+7)
Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đã qua đời, thọ 83 tuổi. Ngày mai (6/10) Lễ tang của ông sẽ tổ chức theo nghi thức cấp cao. Sinh thời, ông rất gắn bó với báo chí và từng kể với PV Dân Việt về những chuyện ít người biết.
Bình luận 0

Vị lãnh đạo liêm khiết

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên tôi đến nhà nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng để phỏng vấn ông. Nghe tôi giới thiệu ở báo Dân Việt/Nông Thôn Ngày nay, ông hỏi vui: Anh có biết làm ruộng không? Tôi cười bảo, cháu sinh ra ở tỉnh miền núi nhưng ở thị trấn nên cũng không rành chuyện đồng ruộng.

Ông bảo: Tôi khác anh. Tôi nay hơn 70 tuổi, đi thoát ly từ rất lâu nhưng về quê vẫn có thể leo lên lưng trâu ngồi vắt vẻo, điều khiển trâu theo ý muốn của mình. Ông còn nói thêm một vài từ mà người nông dân vẫn dùng để điều khiển trâu cày bừa rồi cười xòa: Nói như thế để thấy tôi vốn là con nhà nông dân, gắn bó với nông dân đi lên.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng và những chuyện ít biết - Ảnh 1.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng từ trần ngày 2/10/2022, thọ 83 tuổi. Ảnh X.H

Ông Vũ Quốc Hùng sinh 1940, quê gốc Sơn Tây, Hà Nội, sau gia đình chuyển lên Tuyên Quang. Khi trưởng thành được sang Liên Xô đào tạo và tốt nghiệp kỹ sư luyện kim.

Khi về nước, theo phân công ông sẽ về làm việc ở Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Tuy nhiên, do Nhà máy bị đánh phá (chiến tranh phá hoại của Mỹ) nên năm 1968 ông viết đơn xin đi bộ đội.

Vào quân ngũ, ông được giao làm công tác kỹ thuật tại đơn vị là tiền thân của Học viện Kỹ thuật Quân sự hiện nay. Sau đó được đưa đi nghiên cứu sinh 3 năm ở Liên Xô (lấy bằng phó tiến sĩ nay gọi chung là tiến sĩ).

Về nước công tác được một thời gian ông được tổ chức đưa ra ngoài quân đội làm cán bộ Đoàn. Từ năm 1980 -1987, ông làm Bí thư Trung ương Đoàn. Khi thấy tuổi đã nhiều nghĩ không thể làm cán bộ Đoàn được nữa ông Hùng có ý nguyện xin quay về trường Kỹ thuật Quân sự để tiếp tục công tác. Thế rồi cơ duyên đưa ông đến với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và gắn bó với cơ quan này cho tới khi nghỉ hưu.

Ông Vũ Quốc Hùng từng kể với PV Dân Việt: Vốn là người "ngoại đạo" nên khi về Ủy ban Kiểm tra Trung ương công tác, ông đã dành nhiều thời gian để tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Ông đã được nhiều đồng nghiệp tại cơ quan giúp đỡ, các vị lãnh đạo ân cần dìu dắt. Đặc biệt là đội ngũ chuyên viên, theo ông họ là những người tham mưu trung thực, nên ông luôn coi như những người thầy của mình.

Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Văn Sửu –nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ông có thời gian công tác và là cấp dưới của ông Vũ Quốc Hùng. "Có thể nói, ông Hùng là một trong những cán bộ lãnh đạo tận tình, có trách nhiệm, luôn sâu sát công việc. Ông có nhiều ý kiến rất tốt giúp cho việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt là ông là cán bộ lãnh đạo liêm khiết, không có điều tiếng gì", ông Ngô Văn Sửu cho biết.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng và những chuyện ít biết - Ảnh 2.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương trong một buổi tọa đàm khoa học "Người đứng đầu với công tác phòng, chống tham nhũng"do Ban Nội chính Trung ương tổ chức tháng 9/2020. Ảnh Ban Nội chính

Rất buồn khi phải kỷ luật đồng chí, người quen

Cùng có chung nhận xét như ông Sửu, bà Nguyễn Thị Bích Ngà (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI, XII) khẳng định, ông Hùng là người trong sáng, trách nhiệm với công việc, luôn giữ vững nguyên tắc. Đối với anh chị em thì ông rất tình cảm, luôn nhẹ nhàng, từ tốn khi trao đổi.

"Khi nghỉ hưu nhưng ông vẫn dành sự quan tâm cho đội ngũ cán bộ đang công tác. Nhiều khi không gặp gỡ trực tiếp được thì ông gửi tin nhắn để động viên và nhắc nhở. Năm mới, tôi đều được ông đều gửi tin nhắn chúc mừng nhưng kèm theo đó là lời nhắc nhở luôn giữ vững lòng trung với Đảng, trách nhiệm với công việc. Tôi được biết nhiều người trong cơ quan cũng nhận được tin nhắn như vậy từ ông", bà Ngà kể.

Theo ông Ngô Văn Sửu, khi nghỉ hưu ông và ông Hùng tiếp tục gắn bó với nhau. Ông Hùng là người đứng ra tập trung các cán bộ hưu trí thỉnh thoảng viết góp ý, kiến nghị đề xuất với Bộ Chính trị, Trung ương.

Đối với báo chí, có thể nói ông Hùng rất cởi mở, thường hay trả lời phỏng vấn trên báo về những đề tài xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác cán bộ hoặc những vấn đang gây bức xúc xã hội khác.

Tôi cũng có nhiều lần được phỏng vấn ông. Lần nào ông cũng hỏi cặn kẽ xem mục đích của bài viết thế nào; vấn đề mở rộng tới đâu; tác động của bài báo giúp vấn đề được nêu ra sẽ thế nào. Rồi ông bảo: Tôi với nhà báo cùng suy nghĩ để bài viết sao cho thuyết phục, chứ không phải chỉ nói khơi khơi được.

Có lần tôi nói với ông: Công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XII được làm rất quyết liệt. Ông nói ngay: Công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng là công việc thường xuyên trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước đây việc này cũng đã được làm quyết liệt, có điều thời kỳ trước chưa công khai như hiện nay nên báo chí cũng như người dân không biết nhiều.

Ông kể qua những vụ việc lớn trước đây đã kiểm tra, xử lý mà chính ông là người trong cuộc. Đáng chú ý là kiểm tra xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan tới 3 vụ án lớn là vụ Năm Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh và vụ Thủy cung Thăng Long.

Vụ Lã Thị Kim Oanh khởi tố năm 2001, có liên quan tới những cán bộ đương chức và nguyên chức, trong đó có trường hợp nguyên là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực nông nghiệp (xin không nêu tên). Ông bị xem xét trách nhiệm trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

"Theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, tôi mời vị nguyên Phó Thủ tướng sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc. Thời điểm này ông mới đi Trung Quốc chữa bệnh tim. Buổi làm việc có đại diện một số cơ quan chức năng. Khi vị nguyên Phó Thủ tướng đến, tôi rót nước mời. Sau đó tôi nói, kính thưa anh, hiện Trung ương đang xử lý vụ Lã Thị Kim Oanh, được sự ủy nhiệm của Ban Bí thư, tôi mời anh đến để làm rõ cho chúng tôi những vấn đề liên quan đến vụ việc và trách nhiệm của anh, xin phép anh được ghi âm cuộc làm việc này. Vị nguyên Phó Thủ tướng này cũng thẳng thắn nói những vấn đề liên quan", ông Hùng kể.

Sau buổi làm việc đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Bộ Chính trị và đề xuất cách hết chức vụ "nguyên" của vị này. Tuy nhiên sau đó Bộ Chính trị thảo luận và cho rằng, hiện ông này đang bị bệnh tim, sức khỏe yếu nên chỉ thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

"Sau vụ việc này, anh trai tôi là ông Vũ Quang, nguyên Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn có gọi tôi tới nhà. Ông hỏi: Sao chú đối xử với anh ấy thế (chỉ nguyên Phó Thủ tướng - PV). Tôi bảo, em cũng quý anh ấy chứ không phải ghét gì, nhưng vì phép công phải làm", ông Hùng kể.

Ông Hùng nói thêm, trong quá trình công tác phải nhiều lần kiểm tra và xử lý, đề nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vốn là chỗ thân quen khiến ông rất buồn nhưng vì phép công phải làm. Đáng chú ý như vụ Thủy cung Thăng Long (xét xử năm 2001), có vị cán bộ lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ bị kiểm tra, kỷ luật Đảng.

"Anh này cùng tôi lớn lên ở Tuyên Quang, sau đi công tác cũng có những kỷ niệm gắn bó, nay phải đi kiểm tra để thi hành kỷ luật anh, tôi rất buồn. Nhưng để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng thì vẫn phải làm. Ông này sau đó bị kỷ luật cảnh cáo và Quốc hội miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng", ông Vũ Quốc Hùng cho biết.

Ông Vũ Quốc Hùng sinh ngày 14/01/1940 (tức ngày 06 tháng chạp năm Kỷ Mão), quê quán: thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Ông tham gia cách mạng năm 1960, nghỉ hưu năm 2006; đã kinh qua các chức vụ: nguyên Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; nguyên ủy viên UBKT Trung ương các khóa VI, VII, VIII, IX; nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX; nguyên Trưởng Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 lần 2 khóa IX; nguyên Bí thư Đảng ủy khối I các cơ quan Trung ương (nay là Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương), Ủy viên Ban cán sự đảng ngoài nước;

Ông được tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, Ba; Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Kiểm tra của Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem