Nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình để Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỷ ra sao?

Nguyễn Ngân (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 23/03/2018 14:52 PM (GMT+7)
Ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao chuyên trách về xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) nhưng thiếu trách nhiệm đã để cho Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngày 22.3, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đặng Thanh Bình, nguyên phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình vì tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" tại Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng, VNCB).

Cụ thể, ông Đặng Thanh Bình liên quan đến đại án Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Ông Đặng Thanh Bình là ai?

Cùng với ông Đặng Thanh Bình còn có hàng loạt cán bộ, trong đó có các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát VNCB nhưng thiếu trách nhiệm, để ông Phạm Công Danh và các đồng phạm rút tiền của VNCB bằng các hành vi phạm tội để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng này.

img

Ông Đặng Thanh Bình bị truy tố liên quan đến đại án Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). (Ảnh: IT)

Ông Bình và các đồng phạm đã để xảy ra sai phạm tại ngân hàng Đại Tín (Trustbank, tiền thân của ngân hàng Xây dựng, VNCB).

Trước khi bị khởi tố vào ngày 8.9.2017 về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án kinh tế làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng.

Tính đến thời điểm nghỉ hưu, ông Đặng Thanh Bình (sinh 1954) có 30 năm công tác trong ngành tài chính ngân hàng, trong đó có 25 năm trải qua rất nhiều vị trí quan trọng tại NHNN. Về hưu năm 2014 và sau 4 năm thì bị truy tố.

Ông Bình đã làm phó Thống đốc NHNN trong 9 năm (từ tháng 5.2005) và nghỉ hưu từ giữa năm 2014 do đến tuổi. Trước khi giữ cương vị Phó Thống đốc NHNN, ông Bình từng làm Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo của NHNN (từ 2002), Vụ trưởng vụ Pháp chế (từ 1997), Vụ trưởng vụ Các định chế tài chính từ năm 1994.

Ông Đặng Thanh Bình cũng có thời gian khoảng 1 năm kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ông Bình cũng là Chủ tịch đầu tiên của VAMC.

Tuy nhiên, đảm nhiệm vị trí người đứng đầu VAMC chưa đầy một năm, ông Bình đã thôi nhiệm, chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐTV tại công ty mua bán nợ này cho ông Nguyễn Quốc Hùng vào tháng 5.2014, đồng thời ông cũng thôi nhiệm vai trò Phó thống đốc NHNN vì đến tuổi nghỉ hưu.

Tính đến cuối tháng 6.2014, gần một năm ông Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại VAMC, tổng số nợ xấu đã được công ty mua lại vào khoảng 51.000 tỷ đồng. Con số này đến cuối năm đã tăng hơn gấp đôi, đạt 123.000 tỷ đồng dư nợ gốc, trong đó, VAMC đã xử lý nợ xấu được hơn 4.000 tỷ đồng.

Thời điểm làm Phó Thống đốc, ông Bình phụ trách công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; phòng chống rửa tiền; thông tin tín dụng; công tác pháp chế; hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của các hiệp hội trong ngành ngân hàng. Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Trung tâm Thông tin tín dụng. Ông được giao chuyên trách về nợ xấu và có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có VNCB.

Ông cũng là người đảm nhiệm vị trí Trưởng ban trù bị thành lập công ty VAMC. Có thể nói, ông Bình gắn bó cả quãng đời công tác với ngành ngân hàng, là một lãnh đạo kỳ cựu về pháp chế, thanh tra trong lĩnh vực này cho đến khi nghỉ hưu và nay bị truy tố.

Bị truy tố vì không làm đúng chức năng, nhiệm vụ

Theo cáo trạng truy tố, ông Bình được NHNH giao phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế. Ông có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có VNCB.

Tháng 8.2012, ông ký tờ trình trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp nhận chủ trương. Ông Bình đã ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với những hoạt động tại VNCB và được bầu làm tổ trưởng. Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm cổ đông Thiên Thanh) nhận chuyển nhượng Trustbank từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, VNCB được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.

Kết quả điều tra cho thấy có đủ căn cứ kết luận ông Bình đã có hành vi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN đã trình Thủ tướng, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác với thực trạng năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, mà vẫn quyết định để Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành VNCB để Danh sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm.

Cáo trạng kết luận, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thông qua các giao dịch chuyển tiền gây thiệt hại cho VNCB, trong đó có trách nhiệm của thành viên Tổ giám sát.

Thời điểm này, VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát. Tuy nhiên, ông Bình không thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho nhóm Thiên Thanh đứng đầu là Phạm Công Danh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.

4 bị can còn lại gồm các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB được giao nhiệm vụ, quyền hạn và chủ động tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm và yêu cầu ngân hàng này báo cáo, cung cấp tài liệu, làm việc với mọi cán bộ có thẩm quyền, đối chiếu trực tiếp với khách hàng, chủ nợ… Mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên tại VNCB phải có ý kiến của tổ giám sát nhưng những người này không thực hiện nhiệm vụ, lơ là tạo diều kiện cho Phạm Công Danh cùng đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Cáo trạng xác định, ông Phước phải có trách nhiệm với số tiền thiệt hại là 3.454 tỷ đồng, Lê Văn Thanh là 6.591 tỷ đồng, ông Phạm Thế Tuân là 3.454 tỷ đồng và ông Ngô Văn Thanh có trách nhiệm với số tiền 10.046 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem