Ông Vũ Mão và cuộc trò chuyện với nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên hành lang Quốc hội

PVCT Chủ nhật, ngày 31/05/2020 06:57 AM (GMT+7)
Nhiều người ví ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là “pho sử sống” hậu trường chính trị Việt Nam. Có rất nhiều câu chuyện đã được ông tập hợp thành truyện, ký. Trong đó có câu chuyện rất ấn tượng giữa ông với Thủ tướng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII (từ tháng 7/2006- tháng 4/2016) Nguyễn Tấn Dũng.
Bình luận 0

Phút giây bên hành lang Quốc hội

Ông Vũ Mão có 5 khóa liền là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa V, VI, VII, VIII, IX), là đại biểu Quốc hội 4 khóa (VIII, IX, X, XI). Ông đã từng làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Với quá trình công tác như vậy, ông có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu về cơ quan lập pháp và cơ hội tiếp xúc, làm việc với nhiều chính khách. Sau này có nhiều câu chuyện được ông tập hợp thành những trang sách vừa mang tính tư liệu chính xác, phong phú, vừa thấm đượm tình cảm chân thành của ông dành cho nhân vật.

Ông Vũ Mão và câu chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng- phút giây tâm tình - Ảnh 1.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: L.K)

Trong bài "Nguyễn Tấn Dũng- phút giây tâm tình" được in trong cuốn Mãi còn tin yêu, ông Vũ Mão đã kể lại những phút gặp gỡ, trò chuyện với ông Nguyễn Tấn Dũng – lúc đó là Thủ tướng Chính phủ, bên hành lang kỳ họp Quốc hội (20/7/2007). Ông Mão cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến dự kỳ họp Quốc hội với tư cách khách mời.

Ông Vũ Mão cho biết, ông Nguyễn Tấn Dũng và ông khá hợp nhau về tính cách. Khi nói chuyện với nhau, dù tuổi tác và cương vị khác nhau (ông Mão sinh năm 1939, hơn ông Dũng 10 tuổi) nhưng hai người thường xưng hô thoải mái.

Câu chuyện giữa hai người bên hành lang Quốc hội ban đầu nói về tập thơ Lộng gió bốn phương, do ông Mão tặng. Khi câu chuyện thân mật hơn, Thủ tướng đã hỏi ông Mão thấy công việc của Chính phủ dạo này thế nào? 

Sau khi khái quát một số vấn đề, ông Vũ Mão thẳng thắn: Anh làm Thủ tướng mới được một năm, mình chưa có những nhận xét đầy đủ. Ông cha ta nói "thức lâu mới biết đêm dài". Tuy nhiên nhìn tổng quát, thời gian qua là tốt…

Vẫn theo ông Vũ Mão, qua theo dõi sự xuất hiện của Thủ tướng trước công chúng, nhiều người nhận xét: Trong lúc phát biểu, không quá phụ thuộc vào văn bản viết sẵn mà biết nói "vo", biết diễn thuyết là tốt, nhưng quan trọng hơn là cần có hàm lượng chất xám cao.

Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng, khi phát biểu không nên hỏi lại mọi người "có đúng không". Làm như thế e rằng chưa chỉn chu, người ta dễ có ấn tượng mình là bề trên, chưa khiêm tốn cho lắm!

Ông Vũ Mão kể lại cho ông Nguyễn Tấn Dũng về câu chuyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mỗi lần ông xuất hiện trước công chúng. Thời ông Mão còn là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hay được gặp gỡ, tâm tình với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Trong một lần ông Mão hỏi về kinh nghiệm phát biểu trước công chúng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chia sẻ: "Trước hết mình phải có cái gì trong đầu, rồi sắp xếp các nội dung cần nói theo một logic hợp lý; khi phát biểu cần để mắt xem thái độ của người nghe; sau mỗi bài nói, khi về nhà dành ít phút để lắng đọng, suy nghĩ, rút kinh nghiệm". Đấy là tổng kết quý báu của lớp người đi trước.

Ông Nguyễn Tấn Dũng tâm sự: Nội dung anh Vũ Mão góp ý rất đúng. Với mình, nó trở thành thói quen mất rồi mà mình cũng không để tâm; chỉ đơn giản nghĩ, khi nói là nói trong nội bộ thôi.

Ông Mão nói: Đài truyền hình vẫn đăng tải các buổi ấy đấy chứ, nên mọi người đều biết cả. Rồi ông nói tiếp luôn: Có lẽ sửa thói quen này bằng cách, mỗi lần định hỏi "có đúng không" thì nhớ rằng, Vũ Mão đã góp ý cho mình rồi đấy.

Người đứng đầu Chính phủ lúc đó đã cười vui và đồng tình, sau đó chuyển sang câu chuyện khác.

Ông Vũ Mão và câu chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng- phút giây tâm tình - Ảnh 2.

Ông Vũ Mão trong lần góp ý dự thảo Luật (ảnh quochoi.vn)

Câu chuyện tranh cử có một không hai

Ông Vũ Mão còn viết sách kể về câu chuyện tranh cử chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) giữa ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt. Ông kể: Tháng 3/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đột ngột từ trần. Khi đó ông Võ Văn Kiệt là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được giao nhiệm vụ Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 khóa VIII diễn ra tháng 6/1988, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới. Theo thông lệ, Ban chấp hành Trung ương sẽ giới thiệu người ứng cử vào chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cụ thể lúc đó Trung ương giới thiệu ông Đỗ Mười, lúc này ông đang là Thường trực Ban Bí thư.

Ông Vũ Mão và câu chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng- phút giây tâm tình - Ảnh 3.

Ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt. (Ảnh tư liệu)

Tiếp đến, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã giới thiệu ông Đỗ Mười để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên khi ra Quốc hội có điều rất đặc biệt, các đại biểu đồng tình với giới thiệu của Trung ương về trường hợp ông Đỗ Mười nhưng nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt.

Ông Vũ Mão, lúc đó là Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp, đã báo cáo với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tình hình trên. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhất trí với ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội là có hai ứng viên để Quốc hội bầu.

Khi được thông báo, ông Võ Văn Kiệt không một phút chần chừ đã trả lời luôn: Không thể như thế được, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất giới thiệu anh Đỗ Mười để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. 

"Là một đảng viên, lại còn là một Ủy viên Bộ Chính trị, tôi phải chấp hành Nghị quyết của Đảng. Tôi chính thức đề nghị các anh báo cáo lại với Quốc hội rằng "đồng chí Võ Văn Kiệt rất cám ơn và xin được rút tên, không tham gia danh sách ứng cử viên chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng", ông Võ Văn Kiệt nói.

Mặc dù ông Kiệt tha thiết nhưng Quốc hội vẫn không đồng ý cho rút tên. Kết quả Quốc hội bầu chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: Ông Đỗ Mười được 63% số phiếu, ông Võ Văn Kiệt được 37% số phiếu.

Về chuyện này lúc đầu ông Đỗ Mười cũng có tâm tư, bởi từ trước tới nay chỉ có một ứng viên, khi bầu phiếu rất cao. Nay có hai ứng viên kết quả bầu sẽ thế nào, nếu bầu không trúng đi một lẽ, phiếu thấp cũng mất uy tín. 

Qua trao đổi, ông Vũ Mão đã nói với ông Đỗ Mười rằng, nay chúng ta đang đổi mới, từ đó có rất nhiều vấn đề cần có tư duy mới. Sau đó ông Đỗ Mười đồng ý và nói vui "cậu chỉ được cái bày vẽ, nói khôn".

Ngày 30/5, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chính thức thông báo: Ông Vũ Mão, sinh năm 1939, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 01 giờ 39 phút, ngày 30/5/2020 tại nhà riêng P206, nhà N3, ngõ 36, phố Vạn Bảo, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng ông Vũ Mão sẽ được thông báo sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem