Nhà đầu tư chờ gì ở mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng?
Ngày 22/5 vừa qua, MSB đã "mở hàng" cho mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) muộn của các ngân hàng. Ngay sau MSB, ĐHCĐ của VietinBank diễn ra ngày 23/5 vừa qua.
Các ngân hàng dồn dập chốt lịch đại hội đồng cổ đông
Theo đó hầu hết các kế hoạch, mục tiêu về tăng trưởng, lợi nhuận, chia cổ tức, lên sàn… của Vietinbank và MSB đều được đa số các cổ đông thông qua.
Cụ thể, năm 2020, MSB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. MSB trình cổ đông không chia cổ tức năm 2019 và không tăng thêm vốn. Cùng với đó, các cổ đông cũng thông qua việc tạm hoãn hồ sơ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và sẽ tái khởi động việc niêm yết trên HoSE vào thời điểm thị trường thuận lợi hơn.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ lãnh đạo Vietinbank cho biết đã đề xuất các giải pháp để Chính phủ và các Bộ ngành phê duyệt phương án tăng vốn cho VietinBank. Các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi cơ sở pháp lý, Nghị định 91, 32 và các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo tăng vốn cho VietinBank trong thời gian tới.
Về kế hoạch tăng trưởng năm 2020, VietinBank dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 4 - 8,5%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 2%. Tuy nhiên, hai vấn đề quan trọng là kế hoạch lợi nhuận và cổ tức thì VietinBank chưa chốt được kế hoạch cụ thể cho năm 2020.Về vấn đề cổ tức, lãnh đạo Vietinbank đề xuất không chia cổ tức năm 2019 hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài 2 ngân hàng trên, trước đó trong tháng 3 BIDV và KienLongBank đã tổ chức xong ĐHCĐ. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay mới có 4 ngân hàng tổ chức thành công ĐHCĐ năm 2020.
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện nay có khoảng 10 ngân hàng chốt được lịch ĐHCĐ vào tuần cuối cùng của tháng 5 và tháng 6. Mới đây, TPBank cũng phát hành thông báo họp ĐHCĐ vào 27/5 tại Hà Nội. Ngân hàng sẽ trình cổ đông kế hoạch lãi trước thuế 4.068 tỷ đồng, tăng 5%. Mục tiêu tổng huy động tăng 7% lên 158.835 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 15% lên 122.681 tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế (TCKT) tăng 15%, ở mức 117.181 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9% lên 105.181 tỷ đồng và đầu tư trái phiếu TCKT tăng 249%. Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) thông báo cho biết tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 29/5 tại Hà Nội. Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm nhẹ 1,1% ở mức trên 10.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 12,7% lên 425.132 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 12,3% với 304.744 tỷ đồng. Tăng trưởng huy động ở mức khiêm tốn hơn với 10,4%. Tỷ lệ nợ xấu giữ ở dưới 3%.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác tổ chức họp trong tháng 6. Trong đó, ABBank thông báo họp cổ đông vào 12/6 tại tòa nhà Peak View, Hà Nội. ACB cũng họp ĐHCĐ vào 16/6 tại Sheraton Sài Gòn, TP HCM. MB cũng dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên vào 24/6. Eximbank dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào ngày 30/6 tại White Palace (TP.HCM). Techcombank cũng dự kiến họp thường niên trong tháng 6
Riêng Sacombank dự kiến sẽ họp ĐHCĐ trực tuyến và đang xin lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc này. Còn HDBank đã có quyết định họp ĐHCĐ trực tuyến.
Cổ đông quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, nợ xấu
Theo đánh giá của các chuyên gia, đại hội cổ đông năm nay có khác biệt so với mọi năm đó là Việt Nam vừa trải qua đợt đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và qua đó là hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Hiện nay, các rủi ro hệ thống đang tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Xuất phát điểm của rủi ro hệ thống này đến từ dịch Covid-19 và đang có những diễn biến khó lường nên chắc chăn năm nay mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận mà các ngân hàng trình cổ đông tại ĐHCĐ sẽ giảm so với mọi năm.
Điển hình, tại ĐHCĐ của Vietinbank tổ chức ngày 23/5, nhà băng này vẫn chưa đưa ra được kế hoạch lợi nhuận. Hay như NamABank đưa ra kế hoạch dự kiến dư nợ cho vay sẽ tăng 21,4%, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ ở mức 800 tỷ đồng, tức giảm 13,47% so với năm 2019.
Chuyên gia Tài chính, ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng các mục tiêu kinh doanh, trong đó có vấn đề lợi nhuận sẽ là tâm điểm bàn thảo chính của ĐHĐCĐ năm 2020.
"Ở thời điểm này, đó là chỉ tiêu kinh doanh có đạt được hay không? Sau đó mới có thể nói tới các vấn đề khác như nhân sự, ngân hàng niêm yết... Tôi cho rằng, đại hội thường niên lần này vấn đề nóng nhất là dòng tiền, là lợi nhuận, là nợ xấu ngân hàng", chuyên gia này chia sẻ.
Hiện nay, các ngân hàng dành hàng trăm tỷ đồng để cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, qua đó nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng tăng mạnh so với cuối năm 2019.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải giải trình với cổ đông giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, tái cơ cấu nguồn thu để bù đắp cho sự sụt giảm tăng trưởng tín dụng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Điệp khúc "nhịn" cổ tức?
Cổ tức cũng là một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm trong mùa ĐHĐCĐ năm nay bởi theo yêu cầu của NHNN, các NHTM đều không được chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm dành nguồn lực cho việc hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19.
Theo tài liệu VPBank gửi đến cổ đông trước thềm đại hội, ngân hàng này dự kiến sẽ giữ lại khoản lợi nhuận chưa phân phối dưới hình thức lợi nhuận không chia, đồng thời không thực hiện chia cổ phiếu thưởng từ các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ… nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Hay như trong phương án tăng vốn của Vietinbank, nhà băng này tiếp tục đề nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lại để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt.
Việc cổ đông không được chia cổ tức là chuyện khá phổ biến ở nhiều mùa ĐHĐCĐ trước. Thậm chí như Techcombank, năm nay nữa là gần 10 năm cổ đông không nhận được cổ tức. Thế nhưng, vẫn nhiều nhà đầu tư muốn nhận cổ tức tiền mặt.
Ngay như tại ĐHĐCĐ của MSB, đại diện cổ đông lớn của ngân hàng này cònđặt vấn đề: Có thể chia luôn cổ tức 5% (trong mức dự kiến chia 10% của MSB) được không? Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà băng này, hiện tại theo quy định của NHNN khi TCTD chưa xử lý xong nợ tại VAMC thì chưa được trả cổ tức. Có lẽ đây cũng là câu trả lời chung của nhiều NHTM khác cho vấn đề này. Nguồn lực từ lợi nhuận chưa chia mỗi NHTM sẽ có kế hoạch sử dụng khác nhau. Và nói như lãnh đạo Techcombank: Đầu tư vào ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn. Nếu đầu tư lướt sóng thì không nên bỏ tiền vào Techcombank. Trước khi nói đến giá cổ phiếu bao nhiêu, nên tập trung vào kết quả những gì ngân hàng đã làm được…